63.4 F
San Jose
Tuesday, September 26, 2023
printing-new3-728-1
Vidan_Radio_728
previous arrow
next arrow

9 câu danh ngôn trong ‘Tam Quốc diễn nghĩa’ khiến người đời thổn thức

9 câu danh ngôn khiến người ta thổn thức nhất trong các câu chuyện Tam Quốc
Ảnh: Phim Tam Quốc Diễn Nghĩa 1996.

Trong “Tam Quốc diễn nghĩa”, có những câu nói đã trở thành bất hủ, mỗi lần nghe qua, lòng người lại thổn thức mãi không thôi.

1.Bị là kiêu hùng trên đời

Từ “kiêu hùng” phần lớn là dùng để chỉ những người khó bị khuất phục và có hoài bão to lớn, chứ không phải là nhân vật gian xảo không đáng tin như một số người nói.

Trong “Tam Quốc diễn nghĩa” Lưu Bị được gọi là “Bị là kiêu hùng trên đời”. Khi Lưu Bị xông pha vào cuộc đời trong những năm tuổi trẻ của mình, phải nói là bại nhiều thắng ít, ông đã từng lần lượt chạy đi đầu quân cho Tôn Toản, Đào Khiêm, Lã Bố, Tào Tháo, Viên Thiệu, Lưu Biểu… Nhưng ông chưa bao giờ từ bỏ ước mơ trong lòng mình, vẫn luôn lấy danh nghĩa phục hưng Hán thất để thiết lập địa vị của mình trong thiên hạ. Cuối cùng lấy Giang Lăng làm căn cứ, bắt tay với Tôn Quyền, đánh bại Tào Tháo tại Xích Bích, đồng thời nhanh chóng chiếm đóng vùng Kinh Châu, đạt được những gì bản thân mình mong muốn. Sau đó lại dùng mưu kế chiếm được Ích Châu, dùng vũ lực chiếm cứ Hán Trung, hình thành cục diện kiềng ba chân với Tào Tháo và Tôn Quyền.

Lưu Bị từng đầu quân cho rất nhiều nhà quân sự, cứ như vậy mà bôn ba khắp nơi, chính là vì muốn thực hiện chí hướng trong lòng mình, giành lấy cơ hội.  Khi Lưu Bị ở chỗ của Lưu Biểu, có một lần ông cùng Lưu Biểu uống rượu, sau khi ông đi vệ sinh quay lại, thì bỗng nhiên nước mắt rơi xuống, Lưu Biểu hỏi ông tại sao lại khóc, Lưu Bị nói rằng: đã lâu rồi không được cưỡi chiến mã, ngay cả phần bẹn cũng béo lên, lại nói rằng mình đã ba mươi mấy tuổi rồi, mà vẫn chưa thành được đại nghiệp gì. Có thể thấy Lưu Bị là một người ôm giữ hoài bão to lớn, không cam tâm làm người có lý tưởng mà không thể thực hiện.

2.Không mong sinh cùng ngày cùng tháng cùng năm, nhưng nguyện chết cùng ngày cùng tháng cùng năm

“Tam Quốc diễn nghĩa” để lại một ký ức lịch sử tươi mới không bao giờ phai nhạt, trong tập tranh lịch sử hào hùng tráng lệ đang dần dần được mở ra, nhân vật nổi tiếng nhất và truyền cảm hứng nhất tất nhiên phải thuộc về ba anh em Lưu, Quan, Trương. Mà câu danh ngôn chứa đầy nghĩa khí nhất và được mọi người yêu thích nhất chính là lời thề của ba anh em khi kết nghĩa đào viên: “Không mong sinh cùng ngày cùng tháng cùng năm, nhưng nguyện chết cùng ngày cùng tháng cùng năm”.

Tục ngữ nói loạn thế xuất anh hùng, trong thời cuộc loạn thế vào những năm cuối nhà Đông Hán, quan viên đấu nhau, triều chính ngày một suy yếu. Trong lúc này có một số người đã xuất hiện, họ là những người trọng tình trọng nghĩa, trung thành với quốc gia, thương xót bá tánh, ba vị anh hùng Lưu Bị, Quan Vũ, Trương Phi chính là những gương mặt tiêu biểu trong số đó. Trên người họ toát ra được tình nghĩa của huynh đệ tình thâm, xem nhẹ cái chết và đặc biệt rất có tinh thần và khí chất gánh vác chuyện đại sự. Cùng chung chí hướng thì cùng mưu cầu đại sự, họ đã đến với nhau như vậy, kết làm huynh đệ, không mong sinh cùng ngày cùng tháng cùng năm, nhưng nguyện chết cùng ngày cùng tháng cùng năm, tình huynh đệ như vậy thật sự khiến người ta phải thán phục. Vì cuộc sống thái bình thịnh vượng của bá tánh, vì lý tưởng của chính mình, mà họ có thể dốc hết toàn bộ tâm huyết của mình để xây dựng cơ nghiệp.

blank
Kết nghĩa đào viên.

3.Nhân trung Lã Bố, mã trung Xích Thố

Lã Bố (164-198), tự Phụng Tiên, người Ngũ Nguyên (nay thuộc thành phố Bao Đầu của Nội Mông Cổ). Lã Bố là một võ tướng nổi tiếng trong thời đại Tam Quốc. Lã Bố dũng mãnh hiếu chiến, nhưng lại là người ham mê danh lợi quyền thế và rất dễ thay đổi.

Ngựa Xích Thố luôn được xem là biểu tượng của loài ngựa tốt, ban ngày có thể đi một ngàn dặm, ban đêm còn có thể đi tám trăm dặm. Cơ thể ngựa Xích Thố có màu đỏ, là loài ngựa khỏe và dũng mãnh như hổ, là vua trong loài ngựa, nếu không phải là người siêu phàm thì không thể cưỡi được nó.

Câu nói “nhân trung Lã Bố, mã trung Xích Thố” được bắt nguồn từ “Tào Man truyện” trong “Tam Quốc Chí chú” của Bùi Tùng Chi, ý tứ của câu này là: Nhân tài trong thiên hạ thì có Lã Bố, ngựa tốt trong thiên hạ thì có Xích Thố – để ví nhân tài vô cùng xuất chúng, người tài giỏi nhất trong số hàng ngàn người; ngựa tốt nhất trong thế giới loài ngựa.

4. “Phàm là anh hùng, trong lòng có chí lớn, bụng có mưu hay, chứa đựng huyền cơ của vũ trụ, có chí lớn nuốt chửng đất trời

Đây là anh hùng luận nổi tiếng do Tào Tháo đề xuất: “Phàm là anh hùng, trong lòng có chí lớn, bụng có mưu hay, chứa đựng huyền cơ của vũ trụ, có chí lớn nuốt chửng đất trời”. “Anh hùng” mà Tào Tháo nói đến không phải là anh hùng bình thường, mà đó là bậc đại anh hào đương đại, là một người cực kỳ thành công. Mà người cực kỳ thành công có thể để Tào Tháo nhắc đến chỉ cần thỏa mãn hai điều kiện: Trong lòng có chí lớn và bụng có mưu hay, đồng thời “chí lớn” được nằm ở vị trí đầu tiên.

Vì vậy có thể thấy được rằng, Tào Tháo cho rằng “chí lớn” chính là yếu tố căn bản nhất để trở thành một anh hùng thật sự.

Vậy thì, nhận định này có chính xác hay không? Khi chúng ta nhìn lại khí chất của các nhân vật anh hùng, vĩ nhân từ xưa đến nay, sẽ phát hiện ra họ đều có một điểm đặc trưng giống nhau, đó chính là trong lòng họ đều ôm ấp chí lớn. Thông thường loại chí lớn này luôn được biểu hiện một cách vô cùng sống động khi họ còn nhỏ, những trường hợp như vậy rất thường gặp. Ví dụ như những nhân vật khiến người ta sôi sục nhiệt huyết như Quan Vũ, Lưu Bang, Lưu Bị, Gia Cát Lượng, và cả Tào Tháo… tất cả họ đều là người như vậy. Họ không chỉ ôm giữ chí lớn trong lòng, mà trong bụng còn có mưu hay kế giỏi, ẩn giấu mưu trí huyền bí của vũ trụ.

5.Anh hùng thiên hạ, chỉ có Huyền Đức và Tháo thôi

Mơ xanh nấu rượu luận anh hùng, ở trong mắt của Tào Tháo, nhân vật có thể trở thành anh hùng trong thiên hạ lúc bấy giờ chỉ có bản thân Tào Tháo và Lưu Bị [Huyền Đức] mà thôi, năng lực của người khác đều không sánh bằng. Đây cũng là lời khen mà Tào Tháo dành cho Lưu Bị, trong đó cũng hàm chứa ý thăm dò. Cũng có nghĩa là Tào Tháo cho rằng thiên hạ này nếu không phải của mình thì là của Lưu Bị, cũng chỉ có ông và Lưu Bị mới có thể xứng làm anh hùng, mang ý nghĩa sâu xa rằng sau này cũng chỉ có hai người đó tranh đoạt thiên hạ mà thôi. Nếu Lưu Bị muốn làm anh hùng thì Tào Tháo có thể sẽ giết chết Lưu Bị, như vậy thiên hạ chính là của một mình Tào Tháo.

Điều này thật sự là rất đáng sợ. Cũng may Lưu Bị nhanh trí, khả năng ứng biến rất tài tình. Nghe xong những lời này, mặc dù Lưu Bị hoảng sợ đến nỗi rơi cả đũa trên tay, may thay đúng lúc đó ngoài trời cũng vang lên một tiếng sấm, Lưu Bị bèn nói thác rằng chính tiếng sấm kia đã khiến ông ta giật mình kinh sợ. Nhờ vào vậy mà Tào Tháo tưởng rằng Lưu Bị thật sự sợ sấm đánh, từ đó phủ định một câu nói chính xác nhất trong cuộc đời của ông. Việc này dẫn đến hậu quả rất nghiêm trọng, khiến cho Lưu Bị nhanh chóng tìm cách bỏ trốn khỏi Tào Tháo, tránh xa sự nguy hiểm.

Có thể nói việc thả Lưu Bị rời khỏi là một sai lầm lớn nhất trong cuộc đời Tào Tháo. Bởi vì Tào Tháo khi đó đã nhìn ra được Lưu Bị thật sự là một anh hùng, nhưng lại không đưa ra hành động quyết đoán, dẫn đến để lại mầm họa, hối hận cũng không còn kịp.

blank
Tào Tháo rất giỏi nhìn người…

6.Em tôi Trương Dực Đức lấy được đầu thượng tướng trong muôn quân như lấy đồ vật trong túi

Chuyện kể rằng Quan Vũ đem đầu của Nhan Lương dâng lên trước mặt Tào thừa tướng. Tào Tháo nói: “Tướng quân đúng là thần kỳ!”, Quan Vũ nói: “Tôi có gì đáng nói chứ! Em tôi Trương Dực Đức lấy đầu của thượng tướng trong muôn quân như lấy đồ vật trong túi”. Tào Tháo kinh hoàng, quay sang hai bên nói với mọi người: “Từ nay gặp Trương Dực Đức, không được khinh địch”, rồi ra lệnh viết vào vạt áo để mà ghi nhớ.

Ở trong muôn quân mà có thể lấy đầu của thượng tướng dễ dàng như lấy đồ vật trong túi áo của mình, đây là Quan Vũ đang khen Trương Phi hay là cố ý hù dọa Tào Tháo đây? Có thể là gồm cả hai ý này. Tóm lại Quan Vũ không tiếc lời để khen ngợi em trai kết nghĩa của mình, đồng thời, họ cũng có thể hình dung được sự uy mãnh và anh dũng của Trương Phi. Còn Tào Tháo thì ghi nhớ cẩn thận trong lòng, đây cũng là một trong những yếu tố góp phần làm nên truyền kỳ Trương Phi tại đầu cầu Đương Dương hét một tiếng, dọa cho Tào binh hoảng sợ lùi về bốn mươi dặm.

7.Quạt lông khăn mềm, trong lúc cười nói, chiến thuyền cháy thành tro bụi

“Quạt lông khăn mềm, trong lúc cười nói, chiến thuyền cháy thành tro bụi” là câu nói trong “Niệm nô kiều Xích Bích hoài cổ” của Tô Thức sống vào thời nhà Tống. Ý của câu này nghĩa là tay chuyển động chiếc quạt lông vũ, trên đầu đội một chiếc khăn quấn đầu, trong lúc đang nói nói cười cười, chiến thuyền của kẻ địch bị đốt cháy thành tro bụi.

Chu Du, tự Công Cẩn, khuôn mặt xinh đẹp, rất giỏi âm luật, đa mưu quả đoán, được mọi người gọi là Chu Lang. Câu này của Tô Thức chủ yếu là hoài cổ khi đến Xích Bích, mà trận chiến Xích Bích trong chính sử từ đầu đến cuối đều là do Chu Du lên kế hoạch và chỉ huy, có thể nói đây là thời khắc huy hoàng nhất trong cuộc đời của Chu Du. Vì vậy “quạt lông khăn mềm” chính là đang miêu tả nhân vật chính – Chu Du trong trận chiến Xích Bích.

Thời kỳ Tam Quốc chính là thời kỳ thịnh hành phong cốt Ngụy Tấn (còn gọi là phong cốt Kiến An), những văn nhân trí thức đều lấy kiểu ăn mặc như đội mũ cao và thắt lưng rộng, tay cầm quạt lông vũ và cột vải trên đầu làm phong cách thời trang, và cách ăn mặc cầm quạt lông vũ và đội khăn mềm trong thời kỳ Tam Quốc không phải là phong cách riêng biệt của một mình Gia Cát Lượng. Chu Du có biệt hiệu là Chu Lang, chữ “lang” trong Trung Quốc thời xưa là dùng để chỉ những người đàn ông trẻ tuổi và đẹp trai. Lại nói rằng: “Khúc nhạc có lỗi, Chu Lang biết”, có nghĩa là đội âm nhạc biểu diễn có một chút lỗi nhỏ nào là Chu Du đều có thể phân biệt ra được. Vì vậy, Chu Du là một vị tướng rất phong độ và tao nhã. Trong thơ viết Chu Du đội một chiếc khăn quấn đầu màu xanh, nhẹ nhàng đung đưa chiếc quạt trên tay, lại càng thể hiện được phong độ đại tướng quân vô cùng ung dung bình tĩnh của Chu Du khi đối mặt với 80 vạn binh hùng hậu của Tào Tháo.

8.Cúc cung tận tụy, đến chết mới thôi

Thời kỳ Tam Quốc, sau khi hoàng đế Lưu Bị của nước Thục chết, hậu chủ Lưu Thiện lên kế vị, giao toàn quyền quân chính trong nước cho Gia Cát Lượng xử lý. Gia Cát Lượng hợp tác với Ngô đi thảo phạt Ngụy, nam chinh Mạnh Hoạch, tích cực chuẩn bị cho hai lần Bắc phạt, trong lần Bắc phạt cuối cùng, trước khi xuất phát ông đã viết “Hậu xuất sư biểu” cho Lưu Thiện, bày tỏ rằng bản thân ông vì đất nước mà “cúc cung tận tụy, tử nhi hậu dĩ” (tận tâm tận lực, đến chết mới thôi). Ý của câu nói này muốn nói rằng ông sẽ siêng năng chăm chỉ, dốc hết sức lực, dù cạn kiệt sức lực cũng phải làm cho đến cùng.

Gia Cát Lượng dâng lên “Xuất sư biểu” chính là lúc ông dẫn quân đi Bắc phạt vào năm Kiến Hưng thứ 5 của Thục Hán (năm 227). Lúc này Thục đang ở trong tình thế vô cùng bí bách, quốc lực cạn kiệt, mà lại còn trong tình cảnh “sợ sức mạnh của Tào Công ở phương Bắc, kiêng dè sự bức ép của Tôn Quyền ở phương Đông”, Gia Cát Lượng vì muốn thực hiện di nguyện chấn hưng Hán thất, thống nhất thiên hạ của Lưu Bị, vì vậy mà “năm tháng vượt sông Lư, vào sâu nơi không bóng người”, bình định được phương Nam, có được hậu phương tương đối vững chức, và nắm được thời cơ quân Tào Ngụy thua trận tại Kỳ Sơn, quân Tôn Ngô thua trận tại Thạch Đình, ông đưa quân Bắc phạt, chiếm được Lương Châu của Ngụy, dâng lên hai biểu văn cho hậu chủ Lưu Thiện, đó chính là “Tiền xuất sư biểu” và “Hậu xuất sư biểu” nổi tiếng trong lịch sử.

Trong “Xuất sư biểu”, Gia Cát Lượng bày tỏ rằng mình chịu ơn ba lần thỉnh mời của Lưu Bị, và nhận lời phó thác của Lưu Bị trước lúc lâm chung, nên ông nhất định sẽ vì “phục hưng Hán thất” mà tận tâm tận lực, đến chết mới thôi.

9.Sinh con phải như Tôn Trọng Mưu

“Sinh con phải như Tôn Trọng Mưu” là một câu nói do Tào Tháo nói ra, thời nay thường dùng để khen ngợi hoặc khích lệ. Ví dụ như: Ai đó thật sự có bản lĩnh, “sinh con phải như Tôn Trọng Mưu”, hoặc là nói: cố gắng làm việc thì bạn nhất định sẽ đạt được thành tựu, “sinh con phải như Tôn Trọng Mưu”. Ý của Tào Tháo khi nói câu này chủ yếu là muốn khen Tôn Quyền có thể giữ được cơ nghiệp của cha và anh mình, không giống với hai anh em Viên Thiệu và Viên Biểu. Bùi Tùng chú thích: Ngô Lịch nói: “…Quyền đi năm sáu dặm, trên đường về đánh trống thổi kèn. Tào Công nhìn thấy đội ngũ nghi lễ trên thuyền vẫn nghiêm túc chỉnh tề, bỗng nhiên cảm thán rằng: Sinh con phải như Tôn Trọng Mưu! Như con Lưu Cảnh Thăng, là heo chó mà thôi!”

Chẳng trách Tân Khí Tật lại đánh giá rất cao nhân vật Tôn Quyền như vậy, và trích dẫn câu nói này vào trong văn chương của mình. Trong “Đăng kinh khẩu Bắc cố Đình Hữu Hoài” của tác phẩm “Nam Hương Tử”, Tân Khí Tật đặt câu hỏi lần thứ ba một cách khác thường, và hướng mọi người chú ý: “Anh hùng trong thiên hạ, ai là địch thủ?” Như hỏi rằng anh hùng trong thiên hạ có người nào xứng được gọi là địch thủ của Tôn Quyền, tác giả tự trả lời rằng: “Tào – Lưu”, chỉ có Tào Tháo và Lưu Bị mà thôi.

Tân Khí Tật đã mượn câu chuyện này để ‘mời’ Tào Tháo và Lưu Bị đến làm nhân vật hỗ trợ cho Tôn Quyền, nói rằng anh hùng trong thiên hạ chỉ có Tào Tháo, Lưu Bị mới có thể tranh giành thắng thua với Tôn Quyền, có thể thấy được Tân Khí Tật vô cùng xem trọng nhân vật Tôn Quyền vậy.

DKN

Tin Liên Quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết Nối Mạng Xã Hội

22,044Thành viênThích
8Người theo dõiĐăng Ký
- Quảng cáo -spot_img

Tin Mới Nhất