QUẢNG TRỊ, Việt Nam (NV) – Dù bão Vamco đã giảm cấp độ khi đánh vào bờ nhưng hậu quả gây ra đối với khu vực miền Trung rất nặng nề khi làm tốc mái, hư hỏng hàng ngàn ngôi nhà, gây sóng lớn phá nát nhiều khu ven biển.
Theo báo Zing, tối 15 Tháng Mười Một, Ban Chỉ Đạo Trung Ương Về Phòng Chống Thiên Tai có phúc trình nhanh tình hình thiệt hại do bão Vamco (bão số 13) gây ra tại các tỉnh miền Trung.

Sau ba ngày di chuyển trên biển với cường độ có lúc lên đến cấp 13 (149 cây số/giờ), giật cấp 15 (183 cây số/giờ), bắt đầu từ chiều 14 Tháng Mười Một, bão đánh vào đất liền ven biển miền Trung đã giảm nhiều cấp nhưng cũng gây ra gió mạnh, mưa lớn ở ven biển và đất liền.
Theo đó, trước và trong thời điểm đổ bộ đất liền, bão Vamco đã gây ra gió mạnh và mưa lớn trên khắp các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Đà Nẵng. Thống kê ban đầu cho thấy có 18 người đã bị thương khi chằng chống nhà cửa để ứng phó với bão.
Với sức gió trên đất liền mạnh cấp 7 đến cấp 8 (từ 62 đến 74 cây số/giờ), giật cấp 10 (102 cây số/giờ), bão đã làm sập năm ngôi nhà, khiến hơn 1,500 nhà bị tốc mái. Đặc biệt, sóng lớn ở vùng biển ven bờ đã làm 13 tàu thuyền bị chìm tại các khu neo đậu.
Báo Tuổi Trẻ dẫn thống kê sơ khởi của tỉnh Quảng Trị, bão số 13 đã làm năm người bị thương, 52 ngôi nhà tốc mái, 17 cột điện bị ngã đổ, nhiều cây xanh gãy đổ. Nặng nhất là tại xã Hải An, huyện Hải Lăng, với 25 nhà dân bị tốc mái. Cây cối gãy đổ chắn ngang đường, lực lượng biên phòng, ban chỉ huy quân sự và dân quân đang cưa dọn cây gãy đổ khỏi đường.
Sức gió của bão Vamco tạo nên những cột sóng lớn “ngoạm” bờ biển kéo dài hàng chục cây số dọc huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Theo các cụ cao niên trong khu vực, chưa khi nào có một đợt sạt lở lớn như thế này xảy ra tại đây. Chỉ sau một đêm, bờ biển kéo dài hơn 10 cây số đã bị biển kéo trôi. Trong đó khu vực bờ biển xã Gio Hải, Trung Giang bị nặng nề nhất, với khoảng 20 mét đất tính từ bờ ra mặt biển.
Sóng lớn cũng “ngoạm” triền cát, kéo nhiều cây dương to lớn đổ sập xuống mặt biển và bị nước cuốn đi, nhiều mảng bêtông lớn, trụ bêtông… cũng lộn nhào xuống biển.
Ông Trần Công Sinh, phó bí thư xã Gio Hải, cho biết: “Cảnh tượng tan hoang chưa từng có. Mọi năm theo quy luật tự nhiên thì biển sạt nhẹ rồi bồi vào theo mùa. Còn lần này biển lôi đi một khu vực đất quá lớn. Gần sáu cây số bờ biển của địa phương nơi ít sóng nuốt chừng 10 mét, nơi nhiều lên đến 30 mét. Thật khủng khiếp.”

Phúc trình nhanh của cơ quan hữu trách ở tỉnh Thừa Thiên-Huế vào chiều tối 15 Tháng Mười Một cũng cho biết, bước đầu thống kê tỉnh này có sáu nhà sập, 4,489 nhà tốc mái; nhiều cơ sở giáo dục, trường học, cơ quan quân sự bị hư hỏng. Rừng phi lao chừng 20 năm tuổi ngã đổ la liệt.
“Từ cơn bão số 8 năm 1985 đến nay, tôi mới chứng kiến một cơn bão mà gió thổi mạnh, kéo dài hàng giờ như cơn bão này,” ông Trần Huấn, một người dân ở thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, nằm ở miệt biển Thừa Thiên-Huế, nói với báo Người Lao Động.
Tàu cá là phương tiện mưu sinh của đại đa số cư dân Thuận An nên họ cố gắng giữ gìn, song cơn bão 13 đã đánh chìm ít nhất 9 (chín) chiếc. Nhiều tàu khác khi neo ở phá Tam Giang bị đứt dây, sóng và gió lớn đẩy chúng lao thẳng vào bờ, đâm vào những công trình xây dựng ở đó làm hư hỏng.

Tại thành phố Đà Nẵng, người dân nhận định sức gió của bão số 13 không mạnh như bão số 9 trước đó, nhưng cũng làm nước biển, nước sông Hàn dâng cao, tràn qua nhiều tuyến đường ven biển tạo nên cảnh xơ xác “chưa từng thấy,” nhiều khu vực ở Đà Nẵng vỉa hè, bờ kè bị hỏng nặng, la liệt cây bật gốc, biển quảng cáo bị đổ khiến lượng rác tồn đọng và lượng rác cành cây ngã đổ trên đường phố hơn 1,000 tấn.
Công ty Cổ Phần Môi Trường Đô Thị Đà Nẵng đã phải cho gần 1,500 công nhân dọn vệ sinh môi trường và thu gom cây ngã đổ trên đường phố. (Tr.N) [kn]