
Giám đốc Tài chính tập đoàn Huawei Mạnh Vãn Châu, 49 tuổi, được trả tự do tại phiên tòa ở thành phố Vancouver của Canada ngày 24/9, vài giờ sau khi các công tố viên Mỹ tại New York công bố một thỏa thuận đình chỉ các cáo buộc gian lận đối với bà.
Bà Mạnh sau đó lên máy bay trở về Thâm Quyến, Trung Quốc, kết thúc gần ba năm bị quản thúc tại gia.
Mạnh Vãn Châu đã bật khóc khi rời Canada, nhưng không biết đó là những giọt nước mắt hạnh phúc hay… sợ hãi. Tiếp đó ‘công chúa Huawei’ trở về Đại lục trong sự tiếp đón nồng hậu của những nhân viên Huawei, nhưng lại thiếu người quan trọng nhất, đó chính là cha bà – ông Nhậm Chính Phi.
Trên Weibo có đăng lại cảm xúc của bà khi trở về Đại lục rằng: “Đất mẹ là chỗ dựa vững chắc nhất, nơi có lá cờ đỏ sao vàng, có ngọn hải đăng của niềm tin”, những bình luận bên dưới đa phần là ‘chê cười’ bà, nhưng lại không bị xoá.
Những điều trên đây thật kỳ lạ…
Việc Mạnh Vãn Châu trở về Trung Quốc khác với việc bà nhận tội rồi lãnh án ở Hoa Kỳ như thế nào, viễn cảnh của bà, ông Nhậm Chính Phi và Huawei sẽ đi đến đâu?
Dưới đây là góc nhìn của nhà sử học, chuyên gia bình luận các vấn đề thời sự – Giáo sư Chương Thiên Lượng được đăng trên Chính luận thiên hạ ngày 27/9.
Nội dung văn kiện Mạnh Vãn Châu ký với Bộ Tư pháp Hoa Kỳ
Mạnh Vãn Châu đã được trả tự do và trở về Trung Quốc, đây là chiến thắng của cá nhân bà, nhưng các tài liệu bà ký với Bộ Tư pháp Hoa Kỳ là sự thất bại của Huawei và TQ. Nó chắc chắn sẽ khiến ĐCSTQ mất mặt.
Văn kiện 4 trang mà bà Mạnh ký với Bộ Tư pháp Mỹ ngày 24/9 có tiêu đề: ‘Giám đốc Tài chính Huawei Mạnh Vãn Châu đã thừa nhận việc lừa dối Định chế Tài chính quốc tế’. Định chế Tài chính quốc tế này là chỉ ngân hàng HSBC.
Trong tài liệu này, Quyền công tố viên của quận phía đông New York là Nicole Boeckmann đã nói: “Khi tham gia vào thoả thuận tạm hoãn truy tố, bà Mạnh đã nhận trách nhiệm về vai trò chính của mình trong việc thực hiện kế hoạch lừa đảo một tổ chức tài chính toàn cầu”.
Mạnh Vãn Châu đã thừa nhận phần quan trọng nhất trong các cáo buộc gian lận tài chính đối với chính phủ Hoa Kỳ. Khi đó Huawei đang làm ăn với Iran, trong quá trình đó, bà đã lừa dối HSBC, cho nên bà đã cấu thành nên vụ gian lận tài chính này.
Bà Mạnh đã nói dối HSBC rằng: “Việc kinh doanh của Skycom với Iran không liên quan gì đến Huawei”. Đây là tình tiết quan trọng của vụ án, chính là bà Mạnh đã lừa dối HSBC để duy trì quan hệ làm ăn với Iran. Bà không chỉ vi phạm các nghị quyết của Liên Hợp Quốc, mà thực sự đã gian lận tài chính.
Xem thêm:
Binh gia mạn đàm (1): Nước Mỹ và tư tưởng ‘toàn thắng’ trong Binh pháp Tôn Tử
Tiếp đó trong báo cáo của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đề cập, phó giám đốc đồng thời là người phát ngôn của FBI Alan E. Kohler nói: “Mạnh Vãn Châu đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình, chính là một hình thức lừa dối nhất quán chính phủ Hoa Kỳ. FBI sẽ tích cực điều tra những công ty khác liệu có phạm tội tương tự khi kinh doanh ở Hoa Kỳ hay không”.
‘Thời báo Hoàn cầu’ lợi dụng ‘tinh thần AQ’ để đánh tráo khái niệm
Ngày 25/9, tờ Thời báo Hoàn cầu lại đưa tin với tiêu đề: “Mạnh Vãn Châu được trả tự do bằng cách ‘không nhận tội’. Bản thân bài viết này có mâu thuẫn trong đó.
Khi Mạnh Vãn Châu ký vào văn kiện của Bộ Tư pháp Mỹ, chính là đã thừa nhận hành vi phạm tội. Từ công cáo của Bộ Tư pháp Mỹ, mọi người có thể thấy rằng bà đã nhận tội để tránh bị khởi tố. Căn cứ theo thoả thuận, Mạnh Vãn Châu không có bất cứ ý kiến bất đồng nào về nội dung của thoả thuận này, nói cách khác bà ở trong trạng thái thanh tỉnh mà ký, và không có bất cứ phản bác nào về công cáo của Bộ Tư pháp Mỹ.
Tâm lý của tờ ‘Thời báo Hoàn cầu’ có chút giống với tinh thần thắng lợi của AQ.
Bài viết nói rằng: “Mạnh Vãn Châu đã đạt được thoả thuận với Bộ Tư pháp. Trong video phiên điều trần vài giờ trước khi được thả tự do, ở toà án New York, bà chỉ ‘thừa nhận sự thật’ về vụ án chứ ‘không nhận tội’”. Câu này chính là mấu chốt vấn đề: “thừa nhận sự thật nhưng không nhận tội”.
‘Sự thật’ chỉ có một, những người khác nhau không thể kể những câu chuyện khác nhau. Sự thật chính là sự thật. Còn ‘nhận tội’ là ý kiến cá nhân. Nói rõ hơn, Mạnh Vãn Châu đã thú nhận tội lỗi nhưng… không thừa nhận bà ấy có tội.
Tờ ‘Thời báo Hoàn cầu’ đã đánh tráo hai khái niệm, một bên là ‘sự thật’, còn một bên là ‘ý kiến cá nhân’. Đồng thời việc đánh tráo khái niệm này khiến những tiểu phấn hồng cho rằng ‘công chúa Huawei’ vô tội, và nước Mỹ là kẻ bá quyền v.v.
Mạnh Vãn Châu không nhận tội, hành động này thuộc về ‘kháng cự gay gắt’, nhưng có một quy định trong hệ thống tư pháp Mỹ, đó là: bạn có thể làm ‘nhân chứng ô điểm’.
Ví như một người cùng phạm tội, tội những người khác có thể nghiêm trọng hơn, nhưng các kiểm sát viên lại không có đủ bằng chứng. Bạn sẵn sàng đứng lên như một ‘nhân chứng ô điểm’ và cáo buộc tội ác của họ. Điều này tương đương với việc: bắt giữ và đưa ra công lý những phần tử tội phạm nghiêm trọng hơn mà chính phủ Mỹ không có cách nào khởi tố. Sau khi bạn lập công, bạn có thể được giảm nhẹ truy tố hoặc miễn truy tố.
Đây là cách làm rất phổ biến ở toà án Hoa Kỳ. Vai trò của Mạnh Vãn Châu trong vụ án này cũng giống như ‘nhân chứng ô điểm’.
Trên thực tế, Mạnh Vãn Châu làm việc này tương đương với việc đưa cho Mỹ cây gậy để trừng phạt Huawei, chính là thừa nhận những việc Huawei đã làm, kiểu như ‘tôi không nhận tội, đều là Huawei làm’.
ĐCSTQ xem ‘công chúa Huawei’ là gián điệp
Khi Mạnh Vãn Châu lên máy bay trở về Đại lục, Thủ tướng Canada Trudeau cũng thông báo rằng hai nhà ngoại giao Canada bị TQ bắt làm con tin đã được thả. Lý do TQ bắt họ là vì hai người ấy là gián điệp của Canada ở Trung Quốc.
Trước đây có truyền thống trao đổi gián điệp giữa Hoa Kỳ và Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh. Khi Mạnh Vãn Châu được thả tự do, 2 người Canada đồng thời cũng được thả tự do. Việc này giống như trao đổi gián điệp, và có cảm giác như chính quyền TQ thừa nhận Mạnh Vãn Châu là gián điệp.
Viễn cảnh của Huawei, Nhậm Chính Phi và Mạnh Vãn Châu
Có hàng nghìn người đón bà Mạnh Vãn Châu trở về Trung Quốc, bà bước trên thảm đỏ khi xuống chuyên cơ, đồng thời cũng có nhiều màn trình diễn ánh sáng trên đường phố Thâm Quyến để chào mừng. Sau đó bà đã phát biểu tại sân bay, cảm ơn chính phủ…
Hành động này lại là một trò hề. Bà đã thừa nhận hành vi phạm tội, đây mới là mấu chốt vấn đề, chứ không phải như tờ Thời báo Hoàn cầu đánh tráo khái niệm ‘sự thật’ và ‘ý kiến cá nhân’.
Giáo sư Chương Thiên Lượng cho rằng, việc thừa nhận hành vi phạm tội này sẽ khiến Huawei gặp rất nhiều khó khăn trong tương lai. Bà không chỉ đưa cây gậy trừng phạt Huawei cho Hoa Kỳ, mà còn gây khó cho cha mình là ông Nhậm Chính Phi.
Khi bà về nước có một điều rất kỳ lạ. Theo lý thông thường, nếu chính quyền TQ muốn tuyên truyền, đúng ra nên có Nhậm Chính Phi, hoặc em gái Diêu An Na ở sân bay, sau đó là tặng hoa và những cái ôm… Nhưng Nhậm Chính Phi đã không đến sân bay, GS Chương cho rằng ông đang gặp rất nhiều rắc rối.
Trong quá khứ, TQ luôn sử dụng Huawei để ăn cắp công nghệ cao từ nước khác, thông qua cái gọi là tài trợ của Huawei, cung cấp kinh phí cho phòng thí nghiệm của một số đại học để làm nghiên cứu… Kết quả nghiên cứu cuối cùng lại thuộc về Huawei. Đây là chiêu bài rất quan trọng của Huawei. Ngoài ra TQ còn xuất khẩu công nghệ nhạy cảm, xây dựng công trình thông tin liên lạc cho các nước độc tài… những việc này đều do Huawei phụ trách.
Nhưng hiện nay Huawei không có chip, vì thế không thể làm những việc kia nữa. Huawei đã trở thành thứ vô dụng, trở thành lý do để phương tây trừng phạt TQ. Thêm vào đó, Mạnh Vãn Châu đã đưa cây gậy trừng phạt cho Hoa Kỳ và phương tây.
Tất nhiên Mạnh Vãn Châu vừa về Đại lục, TQ không muốn ‘tấn công’ bà quá nhanh, nếu không thì trong mắt họ, Mạnh Vãn Châu đã là kẻ phản bội, và sẽ trở thành người ‘mất tín nhiệm’.
Mạnh Vãn Châu đã bật khóc khi rời Canada nhưng không biết bà hạnh phúc hay sợ hãi khi phải về nước. Giáo sư Chương Thiên Lượng tin rằng bà biết rất rõ điều này, khoảnh khắc ấy, bà biết rằng sẽ không thể quay trở lại… biệt thự của mình nữa, không thể quay lại thế giới tự do.
Canada, Hoa Kỳ hay thế giới tự do không cấp thị thực cho Mạnh Vãn Châu, nhưng dù sao ở xã hội tự do vẫn an toàn hơn trở về Trung Quốc Đại lục. Mạnh Vãn Châu buộc phải về Đại lục, bởi vì cha bà Nhậm Chính Phi đang là con tin của ĐCSTQ.
Nếu bà ở Canada, bị dẫn độ qua Mỹ và lãnh án ở đó, thì tội phạm kinh tế như bà bị phạt khá nhẹ, chỉ làm một số việc ngoài trời, ví dụ như cắt cỏ, làm khoảng 2-3h một ngày, thời gian còn lại bà ấy có thể đọc sách, viết sách hoặc làm một số việc khác.
Giáo sư Chương từng đề cập đến vụ lừa đảo tài chính lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ là vụ của Madoff. Thời điểm đó ông Madoff đã thực hiện kế hoạch Ponzi (hình thức kinh doanh giống như đa cấp) ở Phố Wall, ông đã gây thiệt hại 64,8 tỷ đô-la Mỹ (khoảng 1,4 triệu tỷ đồng) và bị kết án 150 năm tù, cuối cùng chết trong tù vào ngày 14/4 vừa qua.
Mạnh Vãn Châu nếu không trở về Trung Quốc mà nhận án ở Hoa Kỳ thì tình huống tệ nhất là vào tù loại ấy với tình trạng an ninh lơi lỏng nhất dành cho tội phạm kinh tế.
Nhưng một khi Mạnh Vãn Châu trở về Đại lục, tình thế sẽ đảo ngược. Thậm chí còn không có cơ hội lên tiếng hoặc kháng cáo. Một khi cái nhãn phản bội được gắn lên, tương lai có thể sẽ rất bi thảm.
Tình hình của Mạnh Vãn Châu đã dần xấu đi chỉ một ngày sau khi trở về Đại lục. Trên Weibo có một bài đăng được tìm kiếm phổ biến khi đó. Nội dung nói về cảm tưởng của Mạnh Vãn Châu khi trở về Trung Quốc, bà nói đất mẹ là chỗ dựa vững chắc nhất, có ngọn hải đăng của niềm tin.
Có người bình luận: “Ngọn hải đăng cũng cần có điện để thắp sáng”. Người khác thì viết: “Cầu dao phía đông bắc toà nhà Thâm Quyến sẽ bật đèn và đón công chúa về. Thật sự quá hạnh phúc”. Họ bình luận như vậy vì Mạnh Vãn Châu nói Trung Quốc “có ngọn hải đăng của niềm tin”, nhưng trên thực tế ở đây làm gì có niềm tin, làm gì có tự do ngôn luận.
Nhưng kỳ lạ thay, những bình luận bên dưới đa phần có tính châm biếm mà lại không hề bị xoá.
Đây chỉ là nhận định ban đầu về tương lai của Mạnh Vãn Châu, Nhậm Chính Phi, Huawei ở Đại lục. Những diễn biến tiếp theo, phản ứng của người đứng đầu Trung Nam Hải về sự việc này sẽ còn có nhiều thứ để phân tích.
DKN NEWS