67.6 F
San Jose
Thursday, September 21, 2023
printing-new3-728-1
Vidan_Radio_728
previous arrow
next arrow

Ca sĩ Bích Chiêu qua đời tại Pháp, ở tuổi 80

Ca sĩ Bích Chiêu, người con đầu trong một loạt tài năng sân khấu Việt Nam từ gia đình nghệ sĩ Lữ Liên đã ra đi tại Pháp vào ngày 27 Tháng Một, ở tuổi 80. Bà là chị của danh ca Tuấn Ngọc, Khánh Hà và Lưu Bích.

blank

Ca sĩ Bích Chiêu sinh năm 1942 tại Bắc Việt, nhưng lớn lên tại Đà Lạt trong gia đình thừa hưởng truyền thống văn nghệ của bố là nhạc sĩ, kịch sĩ Lữ Liên, nên từ 5 tuổi, bà đã hát trên Đài phát thanh Đà Lạt và hát cho Trường Thánh Mẫu (dù gia đình bà theo Phật giáo).

12 tuổi, Bích Chiêu tham gia ban Hoa Xuân của Đài phát thanh Sài Gòn cùng ca sĩ Mai Hân, Mai Hương, Kim Chi, Quốc Thắng, Đoan Trang. Năm 13 tuổi, bà bắt đầu đi hát phòng trà và rất nổi tiếng với bài “Nỗi lòng” của Nguyễn Văn Khánh. Cũng trong thời gian này, bà cùng với nữ danh ca Bạch Yến đã làm mưa làm gió ở khắp các phòng trà, khiêu vũ trường Saigon. Hai người được xem là “kỳ phùng địch thủ” trên sân khấu với khả năng thể hiện nhạc Pháp. Riêng ca sĩ Bích Chiêu có khả năng trình bày các ca khúc có âm hưởng nhạc jazz rất độc đáo.

Danh ca Bạch Yến đã xác nhận, vào giai đoạn đó, hai người được cho là có cache vào loại cao nhất Sài Gòn nên việc cả hai xuất hiện trong cùng một nơi (phòng trà hay khiêu vũ trường) sẽ gây khó khăn cho nhà tổ chức về mặt kinh tế, nên vì vậy, họ không thể đứng chung sân khấu, chứ không hề có sự ganh ghét, đấu đá, hay chơi xấu nhau… Vì lý do này, mà nhiều khán giả vẫn đồn thổi là hai ca sĩ này không bao giờ chịu đứng chung sân khấu với nhau.

blank

Đầu thập niên 1960, Bích Chiêu bất ngờ sang Pháp du học về thương mại, và nhạc cổ điển. Tại xứ lạ quê người, bà đã gặp lại “cố nhân” sang Pháp trước đó để học thanh nhạc. Đích thân Bạch Yến đã đón tiếp và giới thiệu cho Bích Chiêu hát tại nhà hàng nổi tiếng của người Việt tại đây.

Sau khi hoàn tất việc học, Bạch Yến trở về Việt Nam (trước khi sang Mỹ), còn Bích Chiêu thì vẫn ở lại Pháp. Sau biến cố 1975, bà mất liên lạc với người thân (sau này, cũng chính Bạch Yến là người đã giúp cho Bích Chiêu nối lại được liên lạc với các em ở Hoa Kỳ).

Giữa thập niên 1960, Bích Chiêu có thu âm album với hãng SBS (Pháp) và vài trung tâm ở Colombia nhưng chỉ hát các bài nhạc ngoại quốc. Bà từng được đài Truyền hình Pháp chọn làm gương mặt châu Á tham dự Festival nhạc Jazz ở Bỉ với sự tham gia của 24 nước trên thế giới.

Thời gian đã qua quá lâu, người ta hầu như không còn giữ được bản nhạc Việt Nam nào mà Bích Chiêu đã hát tại các phòng trà hay khiêu vũ trường Sài Gòn trước 1975. Trên YouTube hiện vẫn còn giữ vài ca khúc của bà ghi âm trên sân khấu, trong đó đáng nhớ là bài Nỗi Lòng của tác giả Nguyễn Văn Khánh.

Tháng Bảy 2008, ca sĩ Bích Chiêu có trở về Việt Nam trong một chuyến đi làm từ thiện. Sau đó bà được mời hát tại phòng trà Văn Nghệ ở Sài Gòn với sự tham dự của nhiều bạn hữu, khán giả quen thuộc.

Tâm sự trong lần về Việt Nam, ca sĩ Bích Chiêu nói “Là ca sĩ, vui nhất vẫn là những giờ phút đứng trên sân khấu và quên hẳn mình đang sống, quên cả những lo toan của cuộc đời. Lúc đó, tôi như lạc vào thế giới khác, chỉ có riêng mình và khán giả đồng cảm tạo thành một gia đình. Có những tối về nhà, tự nhiên tôi thấy mình bật cười khi nhớ lại nụ cười của khán giả khi nghe mình chọc ghẹo”.

“Còn nỗi buồn là thường xuyên phải xa gia đình, con cái. Không chỉ hát, tôi còn kiêm luôn nghề thông dịch viên trong các hội chợ, buôn bán vải và làm từ thiện. Cứ nay đây mai đó, đến mức tôi chỉ cần nghe câu hát “ta lê gót chân phong trần tha phương” là rơm rớm nước mắt. Đó cũng là một phần lý do khiến cuộc hôn nhân đầu tiên của tôi đổ vỡ”.

Tin Liên Quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết Nối Mạng Xã Hội

22,044Thành viênThích
8Người theo dõiĐăng Ký
- Quảng cáo -spot_img

Tin Mới Nhất