74 F
San Jose
Friday, September 29, 2023
printing-new3-728-1
Vidan_Radio_728
previous arrow
next arrow

Chỉ 5 năm, trên 7,700 hécta rừng tự nhiên ở Gia Lai ‘biến mất’


GIA LAI, Việt Nam (NV) –
 Theo thống kê của tỉnh Gia Lai, có trên 8,500 hécta rừng, trong đó có hơn 7,700 hécta rừng tự nhiên “biến mất” chỉ trong khoảng từ năm 2016 đến nay.

Theo báo Tuổi Trẻ ngày 6 Tháng Mười Một, Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Gia Lai vừa tổng hợp phúc trình “Công tác quản lý bảo vệ rừng” để gửi lên Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương CSVN, sau khi đã kiểm tra 21 Ban Quản Lý rừng trên toàn tỉnh trước tình trạng mất rừng xảy ra hàng loạt.

blank
Rừng phòng hộ Đức Cơ, tỉnh Gia Lai, bị tàn phá nghiêm trọng. (Hình: Huỳnh Công Đông/Tuổi Trẻ)

“Việc Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Gia Lai phúc trình công tác quản lý bảo vệ rừng (giai đoạn từ năm 2016 đến Tháng Năm, 2020) thực hiện theo chỉ đạo của Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương. Các số liệu mất rừng này được tổng hợp từ các kết luận thanh tra, kiểm tra công tác quản lý bảo vệ rừng đối với 21 Ban Quản Lý rừng do Thanh Tra tỉnh Gia Lai thực hiện,” báo Tuổi Trẻ dẫn nguồn tin cho biết.

Theo dõi các kết luận của Thanh Tra tỉnh Gia Lai, có đến chín Ban Quản Lý rừng liên quan tới các sự việc bị chuyển hồ sơ sang Cơ Quan Cảnh Sát Điều Tra Công An tỉnh để “mở rộng điều tra.”

Tin cho biết, từ năm 2016 đến Tháng Năm vừa qua, nhiều Ban Quản Lý rừng được giao quản lý nhưng để xảy ra tình trạng mất hàng ngàn hécta rừng.

Cụ thể như Ban Quản Lý Rừng Phòng Hộ Đức Cơ được giao quản lý hơn 15,000 hécta rừng nhưng từ năm 2011 đến 2016, thì 6,000 hécta biến mất. Chưa hết, đến năm 2019 có thêm hơn 2,900 hécta rừng bị tàn phá nghiêm trọng.

Tương tự, Ban Quản Lý Rừng Phòng Hộ Bắc Biển Hồ để mất hơn 2,400 hécta rừng, trong đó có việc lãnh đạo ban này chiếm dụng đất rừng để biến thành đất cá nhân.

Ngoài ra, Ban Quản Lý Rừng Chư Mố để mất 1,470 hécta. Ban Quản Lý Rừng Bắc An Khê để rừng bị mất hơn 1,266 hécta. Ban Quản Lý Rừng Ya Hội để mất hơn 800 hécta…

Thế nhưng theo báo Thanh Niên, ngày 5 Tháng Mười Một, phát biểu giải trình một số vấn đề mà đại biểu quan tâm về bảo vệ rừng tự nhiên cũng như đánh giá nguyên nhân xảy ra những vụ việc đau lòng do sạt lở, lũ, lụt vừa qua tại các tỉnh miền Trung, tại kỳ họp 10 Quốc Hội CSVN khóa 14, đang diễn ra ở Hà Nội, ông Nguyễn Xuân Cường, bộ trưởng Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn, cho biết trong 30 năm qua, diện tích rừng ở Việt Nam từ 9 triệu hécta đã tăng lên 14.6 triệu hécta. Trong số này có 10.3 triệu hácta rừng tự nhiên. Như vậy, so với 30 năm trước, diện tích rừng tự nhiên tăng thêm 1.3 triệu hécta.

Tuy nhiên tranh luận với Bộ Trưởng Nguyễn Xuân Cường, bà Ksor H’Bơ Khắp (còn gọi là Ksor Phước Hà), đại biểu Quốc Hội tỉnh Gia Lai, cho rằng “tôi cảm thấy con số bộ trưởng đưa ra có gì đó sai sai.”

blank
Rừng thông ven quốc lộ 14 ở xã Trường Xuân, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông, bị đầu độc, chặt phá để lấy đất. (Hình: Trung Tân/Tuổi Trẻ)

Bà Ksor H’Bơ Khắp dẫn chứng, trong nhiệm kỳ này, mỗi kỳ họp đại biểu Quốc Hội đều được nghe các dự án, công trình xin chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, tức là chuyển đổi rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ (rừng tự nhiên) sang mục đích khác.

“Vậy thì làm gì có chuyện rừng tự nhiên lại có thể tăng lên được, làm gì có con số 14 triệu hécta rừng ấy? Không lẽ cây cao su, cây cà phê, cây tiêu cũng được tính vào tỷ lệ che phủ rừng?” bà Ksor H’Bơ Khắp đặt vấn đề.

Bà Ksor H’Bơ Khắp cũng đã đặt câu hỏi cho ông Trần Hồng Hà, bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi Trường. “Theo bộ trưởng, ông Trời- mẹ thiên nhiên và rừng có quan hệ gì với thực trạng bảo vệ môi trường ở Việt Nam. Với tư cách chuyên gia, đơn vị tham mưu cho thủ tướng, bộ trưởng thấy mình có trách nhiệm như thế nào với thực trạng đó?”

Trả lời chất vấn của bà Ksor H’Bơ Khắp, ông Trần Hồng nói: “Đại biểu nói với tôi rừng quan trọng như thế nào, rừng là Trời. Tôi nghĩ, rừng còn quan trọng hơn cả Trời, bởi vì tôi thở không khí từ việc lọc CO2 của rừng…

Tôi muốn nói rằng chúng ta phải hiểu là mất rừng còn nhiều nguyên nhân khác. Từ góc độ này, với tư cách là người làm môi trường, chúng tôi sẽ cùng với Bộ Nông Nghiệp xem xét, cùng Quốc Hội rà soát từng mét vuông đất nếu chuyển từ rừng tự nhiên và rừng phòng hộ đặc dụng.

Sắp tới với rừng phòng hộ đặc dụng, nếu nơi nào không còn rừng nhưng có chức năng bảo vệ, phòng hộ con người thì chúng ta phải phục hồi lại rừng, mà phải phục hồi rừng nguyên sinh, rừng tự nhiên. Tôi rất mong đại biểu nghe lại băng tôi trả lời để có sự hiểu biết nhau hơn,” Bộ Trường Hà vòng vo.

blank
Nữ đại biểu Ksor H’Bơ Khắp tranh luận với hai bộ trưởng về rừng, được công luận khen ngợi. (Hình: Gia Hân/Thanh Niên)

Để giải vây cho ông Trần Hồng Hà, bà Nguyễn Thị Kim Ngân, chủ tịch Quốc Hội CSVN, đề nghị ông Hà “trao đổi kỹ lại để đại biểu nắm rõ thông tin, dành thời gian ở Quốc Hội cho các đại biểu chất vấn những vấn đề khác.”

Tính đến ngày 31 Tháng Mười Hai, 2010, trong 54 tỉnh ở Việt Nam có rừng đặc dụng, đã có tới 53 tỉnh đề nghị gần 3,500 dự án phát triển kinh tế, có chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, trong đó có tới 37 tỉnh có đề nghị chuyển đổi rừng tự nhiên; diện tích rừng tự nhiên chiếm gần 19% tổng diện tích rừng đề xuất chuyển đổi. (Tr.N)

Tin Liên Quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết Nối Mạng Xã Hội

22,044Thành viênThích
8Người theo dõiĐăng Ký
- Quảng cáo -spot_img

Tin Mới Nhất