Chuyên gia cho hay, nếu Bắc Kinh tấn công Đài Loan, bất kể là thắng hay bại cũng đều sẽ khiến bản thân nó rơi vào rắc rối, thậm chí sụp đổ hoàn toàn…..
Trong những tuần gần đây, quân đội Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã điều động tàu sân bay Liêu Ninh đi qua vùng biển của Nhật Bản vào Thái Bình Dương, khiến Nhật Bản và Mỹ phải cảnh giác cao độ. Quân đội Mỹ cũng ngay lập tức cử nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm USS Roosevelt tiến vào Biển Đông từ eo biển Malacca. Cùng lúc đó, 25 máy bay quân sự Trung Quốc đã xâm phạm vùng nhận dạng phòng không phía tây nam của Đài Loan trên diện rộng hôm 12/4, thiết lập kỷ lục số lượng máy bay quấy rối nhiều nhất trong ngày. Ngoại giới lo ngại về sự đối đầu gay gắt giữa ba cường quốc Mỹ – Trung – Ấn ở Thái Bình Dương, liệu Bắc Kinh có lợi dụng sự hỗn loạn này để tấn công Đài Loan?
Chuyên gia các vấn đề thời sự – chính trị quốc tế Đường Hạo cho biết, tình hình khu vực Ấn Độ Dương, Tây Thái Bình Dương đang ngày càng trở nên căng thẳng, đặc biệt Đài Loan lại nằm ở chính trung tâm của vùng xung đột, hơn nữa sự quấy rối của quân đội Trung Quốc cũng đã mang lại áp lực ngày càng tăng cho Đài Loan.
Mặc dù ĐCSTQ luôn có ý định xâm lược Đài Loan bằng vũ lực, nhưng ông tin rằng, “Đối với Đài Loan, mặc dù hiện tại có vẻ hơi nguy hiểm, nhưng có thể cũng sẽ là một điều bất ngờ, bởi vì tình hình của ĐCSTQ hiện tại khá bất lợi”.
Nếu ĐCSTQ thực sự sử dụng vũ lực chống lại Đài Loan, bất kể thắng hay bại, thì ĐCSTQ khả năng cao sẽ bị Liên minh Toàn cầu hạn chế và trừng phạt, kéo theo nền kinh tế Trung Quốc sẽ đi xuống, thậm chí có thể bị sụp đổ hoàn toàn; chính quyền ông Tập Cận Bình sẽ rơi vào tình thế khủng hoảng.
Ông Đường đưa ra phân tích dựa trên việc Ngoại trưởng Mỹ Blinken đã nhiều lần nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ sẽ thực hiện đúng lời hứa của mình và sẽ hỗ trợ Đài Loan tự vệ, đồng thời cảnh báo Bắc Kinh không được sử dụng vũ lực đối với Đài Loan.
Theo ông Đường, thái độ hiện tại của “Lưỡng viện” Quốc hội Mỹ cũng tập trung vào việc đối đầu với ĐCSTQ và bảo vệ Đài Loan. Quốc hội Mỹ gần đây đã đề xuất “Đạo luật ngăn chặn xâm lược Đài Loan”, cho phép Tổng thống Mỹ sử dụng vũ lực để bảo vệ Đài Loan khi cần thiết. Quốc hội cũng đã liên tiếp đề xuất “Đạo luật cạnh tranh chiến lược năm 2021” và các dự luật khác để bày tỏ sự ủng hộ đối với Đài Loan .
Ông Đường cho hay, chính sách Ngoại giao Sói chiến của ĐCSTQ đã khiến thế giới tức giận và khiến càng nhiều quốc gia ủng hộ Đài Loan hơn. Đặc biệt, bầy sói của ĐCSTQ không chỉ tấn công những người ủng hộ Tân Cương, mà còn tấn công cả các quan chức và học giả từ nhiều quốc gia khác nhau ủng hộ Đài Loan hoặc đến thăm Đài Loan. ĐCSTQ càng uy hiếp Đài Loan đến đâu thì càng thúc đẩy các quốc gia khác công khai sát cánh cùng Đài Loan.
Ông tin rằng chính sách Ngoại giao Sói chiến của ĐCSTQ đã thực sự giúp đỡ Đài Loan và thúc đẩy “sự đoàn kết” của cộng đồng quốc tế đối với Đài Loan. Vì vậy, nếu bây giờ ĐCSTQ hung hăng xâm lược Đài Loan bằng vũ lực, thì nó sẽ không chỉ là kẻ thù của hơn 23 triệu người dân Đài Loan, mà còn là kẻ thù của nhiều quốc gia và người dân trên thế giới, những người yêu mến và ủng hộ các giá trị phổ quát. Điều này có thể khiến ĐCSTQ rơi vào rắc rối. Tình trạng khó khăn bị cô lập do “ngăn chặn toàn cầu” và “phong tỏa chung” cũng sẽ gây trở ngại nghiêm trọng cho nền kinh tế Trung Quốc và thậm chí làm lung lay chế độ Bắc Kinh.
Mặt khác, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi trong cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ gần đây đã tuyên bố rõ rằng nếu “tình huống khẩn cấp” xảy ra ở Đài Loan, Nhật Bản sẽ cử Lực lượng Phòng vệ của mình đến hỗ trợ quân đội Hoa Kỳ. Đây cũng là lần đầu tiên Nhật Bản công khai việc tham gia vào các cuộc xung đột quân sự trên eo biển Đài Loan. Sau đó, ông Nobuo Kishi có cuộc gặp với ông Davidson, Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ, cũng tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan.
Ông Đường tin rằng nếu Đài Loan bị ĐCSTQ sáp nhập, thì huyện Okinawa của Nhật Bản sẽ trở thành mục tiêu chiếm đóng tiếp theo của ĐCSTQ. Do đó, hiện đã có thông tin cho rằng cuộc gặp giữa Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga và Tổng thống Mỹ Joe Biden có khả năng sẽ cùng đưa ra tuyên bố chung, lần nữa công khai khẳng định tầm quan trọng của sự ổn định ở eo biển Đài Loan. Do đó, nếu ĐCSTQ hấp tấp sử dụng vũ lực đối với Đài Loan, sẽ không chỉ trực tiếp đối mặt với lực lượng quân sự của Đài Loan và Hoa Kỳ, mà còn có thể đối mặt với sự liên kết của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản, đối với Bắc Kinh, rủi ro và cái giá phải trả là quá cao.
Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng không thể xem nhẹ vì không thể loại trừ việc ĐCSTQ sẽ có xích mích quân sự quy mô nhỏ với Đài Loan trên biển hoặc trên không, hoặc gây xích mích với các đơn vị tuần tra trên biển của Đài Loan. Đài Loan không được buông lỏng cảnh giác.
Ngoài ra, ông Đường cũng nhắc nhở Đài Loan nên chú ý đến tình hình giữa Nga và Ukraine. Chính quyền ông Biden đã liệt Nga vào danh sách “kẻ thù lớn nhất của Hoa Kỳ”. Nếu Nga sử dụng hỏa lực với Ukraine, Hoa Kỳ có khả năng sẽ đưa quân đến can thiệp. Điều này liệu có ảnh hưởng đến việc triển khai lực lượng của Hoa Kỳ ở Tây Thái Bình Dương hay không? Nếu ĐCSTQ tấn công Đài Loan vào thời điểm này, liệu Mỹ có sẵn sàng chiến đấu trên hai mặt trận hay không? Đây là những trọng điểm phòng thủ mà Đài Loan phải triển khai trước.
DKN