Các máy bay Trung Quốc thâm nhập vùng trời nhạy cảm xung quanh Đài Loan vào cuối tháng 3, được coi là sự leo thang căng thẳng đáng kể trên eo biển Đài Loan. Nhưng đây là hành động chính trị hơn là quân sự, các nhà phân tích ở Đài Loan nói với CNA hôm thứ Hai (5/4), theo Focus Taiwan.
Theo thông tin do Bộ Quốc phòng Đài Loan cung cấp, 20 máy bay quân sự của Trung Quốc đã tiến vào vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Đài Loan vào ngày 26/3.
Trong số các máy bay chiến đấu thực hiện nhiệm vụ, hai máy bay tác chiến chống tàu ngầm Y-8 và một máy bay ném bom H-6K đã bay vào không phận phía đông nam Đài Loan..
3 ngày sau, vào ngày 29, 10 máy bay của không quân Trung Quốc lại tiến vào ADIZ của Đài Loan, và một máy bay tác chiến chống tàu ngầm Y-8 lần nữa bay vào khu vực đó.
Các hoạt động này thu hút sự chú ý đáng kể vì các máy bay của lực lượng quân đội Trung Quốc thường giới hạn việc khiêu khích ở không phận phía tây nam Đài Loan, nơi gần các căn cứ không quân của Trung Quốc. Và sự việc diễn ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều đồn đoán về việc liệu và khi nào Trung Quốc có thể thực hiện các hành động quân sự chống lại Đài Loan.
Khi được CNA hỏi về động cơ của Bắc Kinh, ông Tô Tử Vân,, một nhà phân tích cấp cao tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh do chính phủ Đài Loan tài trợ, cho biết các cuộc diễn tập trên không phận phía đông nam Đài Loan nên được coi là phản ứng có tính chính trị của Bắc Kinh đối với việc Mỹ-Đài thắt chặt quan hệ, hơn là một động thái quân sự.
Hành động “quấy rối” của Trung Quốc – như cách hầu hết các phương tiện truyền thông Đài Loan đã mô tả, diễn ngay sau khi Đài Loan và Hoa Kỳ ký thỏa thuận hợp tác với Cảnh sát biển và lần “quấy rối” sau đó là khi Tổng thống Palau, ông Surangel Whipps Jr đến thăm Đài Loan, cùng với Đại sứ Hoa Kỳ ở Palau là ông John Hennesey-Niland.
Ông Yết Trọng, một nhà nghiên cứu tại Hiệp hội Tầm nhìn Chiến lược, một tổ chức tư vấn ở Đài Loan, đồng ý với quan điểm của ông Tô, đồng thời nói thêm rằng những cuộc điều động như vậy của Trung Quốc thực ra không phải là mới.
Các máy bay Trung Quốc thậm chí đã bay vòng quanh Đài Loan ít nhất 24 lần trong khoảng thời gian từ ngày 25/11/2016 đến ngày 9/2/2020, ông nói.
Ông Yết cho biết các máy bay Trung Quốc bay vào phía đông Đài Loan đều là máy bay trinh sát tốc độ thấp.
Ông nói, nếu Bắc Kinh thực sự có động cơ quân sự mạnh mẽ cho việc vượt qua eo biểu, họ sẽ triển khai máy bay chiến đấu, đi kèm với máy bay tiếp nhiên liệu trên không, vì các máy bay chiến đấu của Trung Quốc hiện chưa có khả năng bay xa như vậy do tầm bay hạn chế.
Ông kết luận: “Các hoạt động của máy bay PLA vào ngày 26 và 29/3 mang tính chính trị hơn là quân sự.
Ông Lâm Dĩnh Hựu, một trợ lý giáo sư tại Đại học Quốc gia Trung Chính, suy đoán rằng các máy bay chống ngầm của Trung Quốc có thể hoạt động trong vùng trời phía đông nam Đài Loan để chuẩn bị cho việc Đài Loan triển khai các tàu ngầm tự mình sản xuất ở khu vực đó trong tương lai.
Ông Lâm nói: “Các tàu ngầm bản địa của Đài Loan, sau khi hoàn thành, sẽ là mối đe dọa đối với Hải quân Trung Quốc. Vì vậy, các máy bay chống ngầm của Trung Quốc có thể đang kiểm tra môi trường dưới nước trong khu vực hoặc tìm kiếm các điểm mù trong radar của Đài Loan”.
Tầu ngầm bản địa mà ông Lâm đề cập nằm trong dự án tàu ngầm có tên “Hải Xương”, được khởi động vào năm 2016 nhằm tăng cường thêm cho hạm đội tàu ngầm Đài Loan, chiếc đầu tiên có thể hạ thủy vào năm 2025.
DKN