SAN FRANCISCO, California (NV) – “Cư dân cần tham gia tái phân chia khu vực bầu cử ở California để giữ quyền lợi.” Đó là thông điệp của buổi hội thảo do Dịch Vụ Truyền Thông Thiểu Số (EMS) tổ chức qua hình thức trực tuyến hôm Thứ Hai, 11 Tháng Mười.

Thuyết trình viên gồm ông Paul Mitchell, chủ nhân cơ quan Redistricting Partners kiêm phó chủ tịch tổ chức Political Data, một nhà chuyên môn cấp quốc gia về nhân khẩu học; bà Sara Sadhwani, ủy viên Ủy Ban Tái Phân Chia Khu Dân Cư California; và bà Linda Akutagawa, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành công ty LEAP (Leadership, Education for Asian Pacific – Lãnh Đạo, Giáo Dục Người Gốc Châu Á-Thái Bình Dương).
Thay đổi tại California
Mở đầu, ông Paul Mitchell cho biết Ủy Ban Tái Phân Chia Khu Dân Cư California đang nỗ lực làm việc theo chỉ dẫn của chính phủ liên bang.
Ông nói: “Theo quy định 11 và 20, việc tuyển lựa các ủy viên mất hơn hai năm để bảo đảm họ là những người không có định kiến chính trị mà chỉ phục vụ cho quyền lợi cộng đồng, nhất là quyền bình đẳng trong việc bầu cử theo Đạo Luật “Voting Rights Act” (VRA).
Ông nói thêm: “Những ủy viên này cũng phải từng được nghe phản ảnh của cộng đồng về phát triển quy trình tái phân chia khu vực bầu cử.”
Đây là những tiêu chuẩn rất khó khăn, nhất là theo thống kê dân số mới nhất, California có mức gia tăng thấp, đặc biệt tại khu vực Los Angeles, trong lúc dân số da đen bị phân tán và dân số gốc Á cũng như dân số gốc Latino lại gia tăng.
“Tình hình dân số tại California thay đổi, nhất là tại các khu đô thị kém phát triển,” ông Mitchell nói.
Thay đổi trên toàn quốc
Vẫn theo ông Paul Mitchell, quy định về việc tái phân chia khu vực bầu cử cũng thay đổi.
“Những người có khuynh hướng bầu theo đảng phái chính trị đang có ưu thế và chúng ta cần thêm ủy ban (tái phân chia khu vực) ở nhiều cấp khác nhau để công việc phân chia khu vực công bằng hơn,” ông nói. “Tôi cũng tin rằng sẽ có nhiều vụ kiện tụng về sự vi phạm VRA.”
Ở cấp địa phương
Theo nhận xét của ông Mitchell, FAIR MAPS và California Voting Rights Act nâng cao quyền lực của chính quyền địa phương, khuyến khích việc kêu gọi sự tham gia của các cộng đồng nhằm ngăn chặn sự gian lận bầu cử.
“Trong thời gian này, chính quyền địa phương muốn thấy sự minh bạch và họ muốn có nhiều ủy ban (tái phân chia khu bầu cử) hơn,” vẫn theo ông Mitchell. “Những địa phương này là Los Angeles, Long Beach, San Jose, Oakland, và Berkeley…”
Bà Sara Sadhwani cho biết ủy ban của bà đã gởi ra vô số câu hỏi để nhận biết nguyện vọng của cộng đồng.
“Tuy nhiên, chúng tôi cũng phải biết phân biệt đâu là ý kiến của cộng đồng, đâu là âm mưu của các nhà vận động (người làm việc cho quyền lợi riêng tư của một nhóm nhỏ),” bà nói. “Công việc chính của chúng tôi là nhận biết ai là thật, ai là giả.”
Dù sao, sự đóng góp ý kiến của quần chúng vẫn là yếu tố quan trọng nhất trong tiến trình tái phân chia khu vực bầu cử này.
Bà Linda Akutagawa kêu gọi: “Xin mọi người nói lên nguyện vọng của mình để việc tái phân chia này có kết quả hữu hiệu.”
Bà cho thí dụ về sự phức tạp của công việc này: “ Để có sự công bằng trong việc bầu cử, trong khu vực của người gốc Latino thì 51% vẫn chưa đủ vì họ ít chịu đi bầu trong lúc trong khu đông người da den thì 50% đã là đủ rồi.”
Bà nhấn mạnh: “Chúng tôi đón nhận mọi ý kiến, qua điện thoại, qua email, hay thư thường. Chúng tôi tôn trọng mọi ý kiến.”
Về các sắc tộc thiểu số tại Orange County, California, bà cho biết người gốc Việt và người gốc Latino là thành phần đáng để.
“Tuy nhiên, các nhóm dân khác như người gốc Nam Hàn, Nhật, Trung Quốc… vẫn là những sắc dân cần phải lưu ý khi phân chia khu vực,” bà Akutagawa bình phẩm.
EMS phục vụ từ 1981
EMS phục vụ cộng đồng qua phương tiện truyền thông trong 40 năm qua, với đối tượng là dòng người nhập cư từ khắp nơi trên thế giới.
Đến năm 2009, có khoảng 60 triệu người Mỹ trưởng thành dựa vào truyền thông như báo in, trực tuyến, phát thanh, truyền hình… để biết tin tức, thông tin và giải trí.
Mục đích của EMS là thúc đẩy giao tiếp giữa các sắc tộc thông qua các dự án biên tập hợp tác và tiếp thị xã hội, đồng thời mở rộng con đường sự nghiệp cho các phóng viên truyền thông dân tộc thông qua báo cáo học bổng và đào tạo chuyên nghiệp, bảo đảm phân phối công bằng tiền quảng cáo cho vai trò của truyền thông dân tộc trong việc thu hút và thông báo cho khán giả về các vấn đề quan trọng.
EMS không ngừng tăng cường liên lạc giữa các phương tiện truyền thông dân tộc và vận động phi lợi nhuận và các tổ chức dịch vụ cơ sở.
NGUOIVIET ONLINE NEWS