64.6 F
San Jose
Sunday, September 24, 2023
printing-new3-728-1
Vidan_Radio_728
previous arrow
next arrow

Hoa Kỳ nhấn mạnh đòi hỏi về ‘hàng rào bảo vệ’ trong cuộc hội đàm của Thứ trưởng Hoa Kỳ ở Trung Quốc

Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Wendy Sherman sẽ nói rõ với Trung Quốc trong các cuộc hội đàm sắp tới rằng mặc dù Hoa Thịnh Đốn hoan nghênh cạnh tranh [với Bắc Kinh], nhưng cần phải có một sân chơi bình đẳng và các hàng rào bảo vệ để bảo đảm các mối bang giao không rẽ hướng thành xung đột, các quan chức Hoa Kỳ cho biết hôm thứ Bảy (24/07).

Các quan chức cao cấp này tóm lược với các phóng viên trước thềm hội đàm của bà Sherman tại Thiên Tân với Ủy viên Quốc vụ kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Trung Cộng Vương Nghị hôm thứ Hai (26/07), cho biết hai nền kinh tế lớn nhất thế giới cần có những cách thức có trách nhiệm để kiểm soát cạnh tranh.

Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ thăm trung quốc
Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ phụ trách các Vấn đề Chính trị Wendy Sherman rời đi sau cuộc họp ở Geneva, Thụy Sĩ, vào ngày 22/02/2015. (Ảnh: Fabrice Coffrini/AFP/Getty Images)

“Bà ấy sẽ nhấn mạnh rằng chúng tôi không mong muốn sự cạnh tranh gay gắt và bền bỉ đó rẽ hướng thành xung đột,” một quan chức cao cấp của chính phủ Hoa Kỳ cho biết trước thềm cuộc hội kiến trực tiếp giữa các lãnh đạo cao cấp đầu tiên giữa Hoa Thịnh Đốn và Bắc Kinh cách đây vài tháng khi hai bên đánh giá việc làm thế nào để họ có thể xoa dịu mối bang giao đang ngày một tồi tệ hơn.

“Hoa Kỳ muốn bảo đảm rằng [sự cạnh tranh này] cần có các hàng rào bảo vệ và tham số để kiểm soát mối bang giao một cách có trách nhiệm. Mỗi bên cần phải chơi tuân theo cùng một bộ quy tắc và trên một sân chơi bình đẳng,” bà nói.

Bà Sherman đã đến Thiên Tân, phía đông nam Bắc Kinh, vào Chủ nhật (25/07).

Một ngày trước chuyến thăm của Thứ trưởng Hoa Kỳ, nhà ngoại giao đứng đầu của Trung Cộng, Vương Nghị, đã báo động trước rằng Trung Cộng không chấp nhận việc Hoa Kỳ chiếm một vị thế “vượt trội” trong mối bang giao này.

“Nếu Hoa Kỳ không học được cách đối xử với các quốc gia khác trên cơ sở bình đẳng, thì chúng tôi có trách nhiệm làm việc với cộng đồng quốc tế để dạy cho Hoa Kỳ bài học này,” ông nói, trong một nhận xét do Bộ Ngoại giao công bố trên trang web của cơ quan này.

Sau chuyến thăm của bà Sherman, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin sẽ có chuyến công du tới Singapore, Việt Nam và Philippines vào tuần tới, và Ngoại trưởng Antony Blinken sẽ có chuyến thăm đến Ấn Độ, đây là những dấu hiệu cho thấy những nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm đẩy mạnh sự tham gia của mình khi chế độ Trung Cộng thách thức ảnh hưởng của Hoa Kỳ tại Á Châu. 

Cuộc hội đàm của bà Sherman đã chính thức diễn ra sau vài tháng tranh luận kể từ cuộc họp ngoại giao cao cấp đầu tiên giữa hai nước dưới quyền chính phủ Tổng thống Joe Biden hồi tháng 03/2021.

Giới chức Trung Cộng đã công khai chỉ trích Hoa Kỳ tại cuộc hội đàm ở Alaska, cáo buộc quốc gia này có các chính sách bá quyền. Các quan chức Hoa Kỳ cáo buộc hành vi phô trương để thu hút dư luận này của Trung Cộng.

Cuộc gặp ở Thiên Tân sẽ là sự tiếp nối của cuộc hội đàm ở Alaska và “tất cả các khía cạnh của mối bang giao này sẽ được đặt trên bàn đàm phán,” quan chức Hoa Kỳ cho biết hôm thứ Bảy (25/07).

Các biện pháp trừng phạt trả đũa

Kể từ sự kiện ở Alaska, Hoa Thịnh Đốn và Bắc Kinh đã có những trao đổi ngoại giao sát phạt lẫn nhau gần như xảy ra liên miên không dứt. Vụ việc mới nhất là vào thứ Sáu (23/07) khi Bắc Kinh trừng phạt cựu Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Wilbur Ross cùng các cá nhân và các nhóm khác để đáp lại các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ đối với việc chế độ cộng sản Trung Quốc đàn áp nền dân chủ ở Hồng Kông.

Với sợi dây kết nối song phương quá mỏng manh, các chuyên gia chính sách đối ngoại không mong đợi kết quả đáng kể từ cuộc gặp Thiên Tân.

Tuy nhiên, nếu các cuộc hội đàm diễn ra thuận lợi, việc này có thể giúp tạo tiền đề cho cuộc gặp cuối cùng giữa TT Biden và lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, có khả năng là cuộc gặp bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Ý vào tháng Mười tới đây.

Bà Bonnie Glaser, chuyên gia về Á Châu tại Quỹ Marshall Đức của Hoa Kỳ, cho biết các chuyến thăm của ông Blinken và ông Austin, cũng như các nỗ lực ngoại giao như là một hội nghị thượng đỉnh thứ hai đã được lên kế hoạch giữa TT Biden và các nhà lãnh đạo từ Nhật Bản, Ấn Độ và Úc vào cuối năm, có thể khiến Trung Quốc có cảm giác gò bó.

“Rõ ràng là lãnh đạo Trung Cộng lo ngại rằng Hoa Kỳ đang đạt được một số tiến bộ trong việc xây dựng các liên minh nhằm gây sức ép với Trung Quốc,” bà cho biết.

Chính phủ ông Biden đã tìm cách tập hợp các đối tác chống lại những gì họ coi là các chính sách ngày càng mang tính cưỡng bức của Trung Cộng, bao gồm cả việc đối xử với người Hồi giáo thiểu số ở khu vực Tân Cương mà Hoa Thịnh Đốn cho là tội diệt chủng. Trung Cộng đang phủ nhận điều đó.

Hoa Thịnh Đốn gần đây đã tập hợp một liên minh rộng lớn bất thường gồm nhiều quốc gia, bao gồm cả NATO và Liên minh Âu Châu, để công khai cáo buộc Bắc Kinh về một chiến dịch gián điệp mạng toàn cầu.

Sự cay đắng biểu lộ ra khi Trung Cộng khẳng định trong thông báo về chuyến thăm này rằng họ đã được Hoa Thịnh Đốn săn đón. Những ngày sau đó là tranh luận đôi co về nghi thức ngoại giao, trong đó có cả việc liệu ông Vương hay các quan chức cao cấp hơn của Trung Cộng có gặp bà Sherman hay không, ba người quen thuộc với vấn đề này nói với Reuters tại Bắc Kinh.

EPOCH TIMES NEWS

Tin Liên Quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết Nối Mạng Xã Hội

22,044Thành viênThích
8Người theo dõiĐăng Ký
- Quảng cáo -spot_img

Tin Mới Nhất