Thế giới từ lâu đã biết đến mối đe dọa từ gián điệp của Trung Cộng, và mỗi ngày lại biết thêm một chút về phạm vi trộm cắp thông tin sâu rộng của Trung Cộng trên nhiều lĩnh vực. Gần đây nhất, Trung Cộng bị phát hiện đang thu thập dữ liệu chăm sóc sức khoẻ của Hoa Kỳ vừa công khai vừa kín đáo, đặc biệt là DNA của người dân Hoa Kỳ.
Vào tháng 5/2020, Trung tâm Phản gián và An ninh Quốc gia (NCSC) đã chính thức đưa ra cảnh báo công khai đầu tiên, “Các thế lực nước ngoài có thể thu thập, lưu trữ, và khai thác thông tin sinh trắc học từ các xét nghiệm COVID.” Trong bối cảnh đại dịch và bất ổn xã hội, cảnh báo này đã không nhận được sự chú ý của giới truyền thông, cho đến khi chương trình “60 Minutes” gần đây đã đưa vấn đề này trở lại thành một tâm điểm công khai.
Trong tập phát sóng hôm 31/01/2021, chương trình “60 Minutes” đưa tin rằng đại công ty công nghệ sinh học Trung Quốc – Tập đoàn BGI – đã tiếp cận ít nhất sáu tiểu bang, trong đó có cả Washington, New York, và California, để cung cấp các gói hỗ trợ xét nghiệm COVID hào phóng, bao gồm cả việc xây dựng và vận hành các phòng xét nghiệm COVID tối tân nhất, cung cấp chuyên môn kỹ thuật và thiết bị, và thậm chí cả các khoản tài trợ – tất cả đều miễn phí.
Cựu giám đốc NCSC, Bill Evanina, nói với “60 Minutes” rằng ông rất lo ngại trước các đề xướng của BGI đến nỗi ông đã ban hành cảnh báo về các xét nghiệm COVID của các công ty ngoại quốc. Ông Evanina có nhiều lý do chính đáng để cảm thấy lo lắng, trong số đó là sự liên hệ chặt chẽ của BGI với Trung Cộng và quân đội Trung Quốc.
Tập đoàn BGI
Tập đoàn BGI do ông Uông Kiến – một nhà di truyền học người Trung Quốc và từng là thành viên nghiên cứu tại một số trường đại học Hoa Kỳ từ năm 1988 đến 1994 – thành lập vào năm 1999 tại Bắc Kinh.
Vào thời điểm đó, công ty này có tên là Huada và hiện tại Huada vẫn đang được dùng làm tên tiếng Hoa của BGI. Trong những năm đầu thành lập, Huada chỉ dựa vào nguồn tài trợ từ chính phủ. Cơ hội cho công ty này đã đến khi bệnh SARS tấn công vào năm 2003. Huada là công ty đầu tiên đã giải mã bộ gene của virus SARS và tạo ra một bộ công cụ phát hiện bệnh SARS. Thành tích này đã thu hút được sự quan tâm từ giới lãnh đạo cao cấp của Trung Cộng. Cuối năm đó, công ty này đã được giới chuyên môn lâu năm của Trung Cộng “thu nạp” và trở thành Học viện Viện Gene Bắc Kinh (Beijing Genomics Institute) thuộc Học viện Khoa học Trung Quốc. Đó chính là nguồn gốc của tên gọi BGI vốn được biết đến bên ngoài Trung Quốc.

Trong bản dự thảo đơn xin hỗ trợ 800 triệu NDT (122.2 triệu USD) từ chính phủ, ông Uông không chỉ lấp đầy các trang giấy bằng những câu nói khoa trương sáo rỗng theo kiểu Trung Cộng như “Tôi xin được đấu tranh cho các kế hoạch thiên niên kỷ vĩ đại của nhân dân Trung Hoa,” mà còn tuyên bố rằng mục đích của dự án của ông ta là “để ngăn chặn các kẻ thù ngoại bang phát minh ra vũ khí di truyền chống lại dân tộc Trung Hoa.” Ông ta giải thích với người phỏng vấn rằng bản thân không thể thay đổi hoặc xóa tuyên bố “vũ khí di truyền” đi vì nó sẽ thu hút các nhà lãnh đạo quân sự Trung Cộng.
Tập đoàn BGI bắt đầu thu hút được sự quan tâm của quốc tế vào năm 2010, nhưng không phải nhờ vào các thành tựu khoa học. Nhờ khoản vay 90 triệu USD từ Ngân hàng Phát triển Trung Quốc thuộc sở hữu nhà nước, BGI đã mua 128 hệ thống giải trình tự gene từ công ty Illumina, nhà sản xuất thiết bị giải trình tự gene hàng đầu của Hoa Kỳ có trụ sở tại San Diego. Thương vụ này đến nay vẫn là đơn hàng lớn nhất về các sản phẩm giải trình tự gene của công ty Illumina.
Với sự trợ giúp của các máy móc và dịch vụ công nghệ của Hoa Kỳ, nhân công rẻ và sự hỗ trợ của chính phủ, BGI nhanh chóng trở thành nhà máy giải trình tự DNA của thế giới và chiếm hơn một nửa công suất giải trình tự DNA của thế giới.
Năm 2012, BGI mua lại Complete Genomics, một công ty sản xuất thiết bị và giải trình tự DNA. Nguồn tiền cho thương vụ thôn tính trị giá 117.6 triệu USD này được huy động từ các quỹ đầu tư mạo hiểm của Trung Quốc. Các quỹ đầu tư mạo hiểm này ở Trung Quốc thuộc quyền sở hữu và kiểm soát của “các Thái tử đỏ”, những người thuộc thế hệ thứ hai hoặc thứ ba của các nhà lãnh đạo hàng đầu của Trung Cộng.
Năm 2012, CEO của công ty Illumina Jay Flatley nói với New York Times rằng thương vụ này “sẽ nhận được tài trợ vốn của Trung Cộng để đưa công nghệ tiến lên với tốc độ mà không công ty Hoa Kỳ nào có thể sánh kịp vì chúng tôi không thể có được các nguồn tài trợ như vậy.” Công ty Illumina đã cố gắng ngăn chặn vụ giao dịch đó bằng cách đưa ra mức giá cao hơn nhưng không thành công. Họ cũng đã cố gắng vận động Quốc hội để nêu ra mối lo ngại nhưng đã không nhận được nhiều phản hồi.
Trong ngành công nghiệp chăm sóc sức khỏe, Hoa Kỳ đã mất thị trường và việc làm vào tay Trung Quốc từ rất lâu trước khi đại dịch xảy ra. Chuyên gia chăm sóc sức khoẻ và tác giả Rosemary Gibson đã cảnh báo về sự độc quyền của Trung Quốc trong thị trường thuốc generic của Hoa Kỳ trong cuốn sách năm 2018 của bà là “China RX: Phơi Bày Nguy Cơ Hoa Kỳ Phụ Thuộc Vào Dược Phẩm Trung Quốc.” (China RX: Exposing the Risks of America’s Dependence on China for Medicine)
Bà Gibson đã viết: “Trong những năm 1990, Hoa Kỳ, Âu Châu, và Nhật Bản đã sản xuất và cung cấp 90% các thành phần chính cho thuốc và vitamin của thế giới… Dữ liệu ngành tiết lộ rằng các công ty Trung Quốc đã thành lập một tập đoàn, thông đồng với nhau để bán sản phẩm trên thị trường toàn cầu với giá thấp hơn thị trường và khiến tất cả các nhà sản xuất Hoa Kỳ, Âu Châu, và Ấn Độ phá sản.”
Kết quả là, các công ty dược phẩm Trung Quốc hiện đã chiếm được 97% thị trường thuốc kháng sinh ở Hoa Kỳ và hơn 90% thị trường vitamin C. Hoa Kỳ đã đóng cửa nhà máy penicillin cuối cùng vào năm 2004.
Nỗi đau đã được cảm nhận rõ ràng từ đầu trận đại dịch khi thế giới đang rất cần khẩu trang. Người dân Hoa Kỳ khi đó đã nhận ra rằng 95% nguồn cung cấp khẩu trang của họ được sản xuất ở ngoại quốc, chủ yếu là ở Trung Quốc. Và Trung Quốc giữ những khẩu trang lại cho riêng mình. Sự thiếu hụt này có thể được và đã được sử dụng để chống lại Hoa Kỳ: vào tháng 3/2020, cơ quan ngôn luận của Trung Cộng Tân Hoa Xã đã đe dọa về việc cấm xuất cảng vật tư y tế sang Hoa Kỳ nhằm trả đũa lệnh cấm đi lại và giúp công dân Hoa Kỳ ở Trung Quốc quay trở lại Hoa Kỳ của chính phủ TT Trump. Bài báo nói rằng, khi đó, Hoa Kỳ sẽ “bị nhấn chìm trong biển coronavirus.”

Trong lĩnh vực nghiên cứu gene, tình huống khẩu trang này có thể xảy ra. BGI có công nghệ, năng lực, nguồn vốn và kinh nghiệm – đang nhanh chóng mở rộng dấu ấn của mình trên toàn cầu. Theo trang web của mình, BGI hoạt động kinh doanh tại hơn 100 quốc gia và khu vực và có 11 văn phòng và phòng thí nghiệm tại Hoa Kỳ. Theo một báo cáo năm 2019 từ Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Hoa Kỳ–Trung Quốc (USCC), BGI “đã hình thành nhiều liên hệ đối tác với các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe và các tổ chức nghiên cứu của Hoa Kỳ để cung cấp dịch vụ giải trình tự gene quy mô lớn nhằm hỗ trợ các nỗ lực nghiên cứu y khoa.”
Rõ ràng, BGI nhìn nhận COVID-19 là một cơ hội hoàn hảo để gia tăng ảnh hưởng tại Hoa Kỳ. Trong một lá thư gửi đến Thống đốc Bang Washington Jay Inslee, ông Uông đề cập đến việc BGI đã tài trợ các sản phẩm cho Đại học Washington và đề nghị tặng thêm “ngay sau khi sản phẩm của chúng tôi nhận được sự chấp thuận của cơ quan quản lý.” Điều này cho thấy BGI đang hy vọng việc này sẽ giúp họ nhận được sự chấp thuận nhanh hơn hoặc dễ dàng hơn, hoặc đem lại cho họ lợi thế cạnh tranh theo một cách nào đó.
BGI gây ra một mối đe dọa lớn hơn bởi vì họ không chỉ bán sản phẩm mà còn thu thập thông tin cá nhân và độc nhất của chúng ta: DNA. Nhiều người trong cộng đồng công nghệ sinh học và chính phủ đã bày tỏ lo ngại về việc Trung Quốc tiếp cận dữ liệu DNA của người dân Hoa Kỳ, chủ yếu vì ba lý do. Trong cuộc phỏng vấn với chương trình 60 Minutes, ông Evanina đã thảo luận về viễn cảnh rất có thể xảy ra, trong đó các công ty Trung Quốc sẽ có thể nhắm mục tiêu vi mô vào từng cá nhân người Hoa Kỳ và đưa ra các giải pháp chăm sóc sức khỏe dự phòng tùy chỉnh dựa trên DNA của họ. Ông Evanina đã đặt ra câu hỏi, “Chúng ta có muốn một quốc gia khác loại bỏ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe của chúng ta một cách có hệ thống không? Chúng ta có thấy ổn với điều đó không với tư cách là một quốc gia?”
Mối lo ngại thứ hai là Trung Quốc có thể sử dụng DNA để theo dõi và tấn công từng cá nhân người dân Hoa Kỳ. Như báo cáo của USCC viết rằng, “Trung Quốc có thể nhắm vào những điểm yếu của các cá nhân cụ thể được phơi bày thông qua dữ liệu gene hoặc hồ sơ sức khỏe của họ… Các cá nhân bị nhắm mục tiêu trong các cuộc tấn công như vậy có thể sẽ là những người được xác định một cách có chủ đích, chẳng hạn như các nhà ngoại giao, chính trị gia, quan chức cao cấp của liên bang hoặc lãnh đạo quân đội.” Tiến sĩ Steven Mosher, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Dân số (PRI), tin rằng đây là một kịch bản rất có thể xảy ra.
Mối lo ngại thứ ba là Trung Quốc có thể phát triển vũ khí sinh học để nhắm vào những người không phải là người Á Châu. Ông Mosher mô tả chi tiết điều này trong bài báo của mình “Trung Quốc sẽ làm gì với DNA của quý vị.” Ông viết: “Chúng ta biết rằng bộ gene của người Á Châu khác biệt về mặt di truyền với người da trắng và người Phi Châu theo nhiều cách… Liệu có thể chế tạo ra một phiên bản rất độc hại của, chẳng hạn như, bệnh đậu mùa, mà dễ lây truyền, gây tử vong cho các chủng tộc khác, nhưng người Trung Quốc lại được hưởng khả năng miễn dịch tự nhiên không? … Với khả năng hiện tại của chúng ta trong việc điều khiển bộ gene, nếu có thể hình dung ra một vũ khí sinh học như vậy, nó có thể trở thành hiện thực nếu được cung cấp đủ thời gian và nguồn lực.” Mặc dù về mặt kỹ thuật, điều này sẽ rất khó và cho đến nay vẫn chưa có bằng chứng nào cho thấy có thể tạo ra một loại vũ khí như vậy, nhưng hậu quả là quá thảm khốc nên không thể bỏ qua.
Ngày nay, cơ sở dữ liệu DNA quốc gia không phải là hiếm trên thế giới, và nó thường được sử dụng cho mục đích pháp lý và đạo đức. Nhưng giống như Internet, viễn thông, và các ngành công nghệ khác, cơ sở dữ liệu như vậy có thể được sử dụng cho các mục đích xấu dưới bàn tay Trung Cộng.
Theo Tân Hoa Xã, kể từ năm 2016, tất cả người dân Tân Cương từ 12 đến 65 tuổi buộc phải giao nộp mẫu DNA, quét võng mạc và lấy dấu vân tay hàng năm, với danh nghĩa “khám sức khỏe miễn phí”.
Kể từ cuối năm 2019, Trung Cộng đã thu thập DNA của những cư dân thông thường. Cảnh sát có mặt tại các trường học, làng mạc, và khu dân cư để thu thập mẫu DNA và các thông tin khác, và mọi người không được từ chối.
Những việc làm như vậy là không thể tưởng tượng được ở các quốc gia khác. Một số quốc gia còn cấm lưu trữ vĩnh viễn hồ sơ DNA để bảo vệ quyền riêng tư và nhân quyền cho công dân của họ.
Tính đến ngày hôm nay, không có hạn chế chính thức nào đối với việc bán các công ty công nghệ sinh học, công nghệ và thiết bị của Hoa Kỳ cho Trung Quốc, cũng như đối với việc xét nghiệm DNA của người dân Hoa Kỳ tại Trung Quốc và chuyển giao thông tin bộ gene của người dân Hoa Kỳ cho quốc gia này. Đã đến lúc chính phủ Hoa Kỳ và các nhà lập pháp phải xem xét kỹ vấn đề này trước khi xảy ra nhiều thiệt hại trầm trọng hơn.
EPOCH TIMES NEWS