58.9 F
San Jose
Wednesday, May 10, 2023
printing-new3-728-1
Vidan_Radio_728
previous arrow
next arrow

Hôn lễ truyền thống với cổ phục Việt: Khi lớp trẻ mong muốn hồi sinh nền văn hóa bị lãng quên

Một đám cưới hoàn toàn theo phong cách truyền thống xưa của hai bạn trẻ ở Đà Nẵng vừa qua đã truyền cảm hứng về vẻ đẹp giản dị mà sang quý của cổ phục Việt và ý nghĩa sâu xa của văn hóa truyền thống trong trang phục và hôn nhân.

blank
Chú rể Quốc Khánh và cô dâu Lê Quyên tại Kinh thành Huế (Ảnh được phép của Quốc Khánh – Lê Quyên)

Một đám cưới hoàn toàn theo phong cách truyền thống xưa của hai bạn trẻ ở Đà Nẵng vừa qua đã truyền cảm hứng về vẻ đẹp giản dị mà sang quý của cổ phục Việt và ý nghĩa sâu xa của văn hóa truyền thống trong trang phục và hôn nhân.

Chú rể Quốc Khánh hiện là giám đốc một công ty E-commerce tại thị trường Âu Mỹ, còn cô dâu Lê Quyên học thiết kế nội thất và đang làm việc bên lĩnh vực nội thất và xây dựng. Mặc dù đều làm trong môi trường hiện đại nhưng ý tưởng đám cưới truyền thống của Quốc Khánh và Lê Quyên hình thành từ nhận thức lại một cách đúng đắn vẻ đẹp và văn hóa truyền thống.

Lê Quyên chia sẻ, trước đây cô là người không quan tâm đến văn hoá truyền thống, thậm chí còn có những suy nghĩ lệch lạc, ăn mặc sexy vì nghĩ đó mới là đẹp, còn những thứ thời xưa đều là cổ hủ xấu xí lạc hậu, xung quanh bạn bè cũng đều vậy.

“Nhưng từ khi trong đời tôi gặp được một người Thầy đáng kính, thông qua những bài giảng của Thầy, tôi hiểu ra rất nhiều về vẻ đẹp truyền thống của người xưa, vẻ đẹp đó được tạo ra dựa trên nền tảng đạo đức cao quý của nhân loại.”

Từ đó, Quyên mới hiểu được rằng nhân loại nói chung và người Việt nói riêng đã từng có những nền văn hoá truyền thống thật đẹp, vậy nên trong ngày lễ trọng đại cuộc đời, hai bạn dùng chính đám cưới của mình vinh danh vẻ đẹp văn hoá của người xưa, một nền văn hoá đã dần bị mai một và lãng quên mà khôi phục lại trang phục truyền thống của người Việt. – áo dài Nhật Bình, áo Tấc và áo Ngũ thân triều Nguyễn.”

Hôn lễ truyền thống
Lê Quyên dùng chính đám cưới của mình để vinh danh vẻ đẹp văn hoá của người xưa, khôi phục lại trang phục truyền thống của người Việt (Ảnh được phép của Quốc Khánh – Lê Quyên)

Tâm huyết với ý nghĩa mục đích của hôn lễ như vậy nên Quốc Khánh và Lê Quyên chuẩn bị cho đám cưới rất công phu, kỹ càng. Khó khăn nhất là trang phục truyền thống phải chuẩn bị cho không chỉ cô dâu chú rể mà quan viên hai họ, số lượng lên đến 40 bộ, mỗi bộ lại một màu sắc khác nhau, và những hoa văn và cách may phải đúng theo quy chuẩn lịch sử ghi chép lại.

Hôn lễ truyền thống của người Việt
Cả hai họ đều mặc áo dài triều Nguyễn của Việt Nam. (Ảnh được phép của Quốc Khánh- Lê Quyên)
Hôn lễ truyền thống cùng cổ phục Việt
Cả hai họ đều mặc áo dài triều Nguyễn của Việt Nam. (Ảnh được phép của Quốc Khánh – Lê Quyên)

Cô dâu mặc áo Nhật Bình thời nhà Nguyễn là chiếc áo dành cho nữ giới quyền quý trong chốn cung đình và các thiếu nữ trong gia đình quý tộc mặc khi xuất giá. Bên trong là áo dài ngũ thân màu trắng, bên ngoài là áo bào Nhật Bình. Chú rể mặc áo tấc dành cho phò mã. Mấn đội đầu và hài đều được làm thủ công bằng tay. Quan viên hai họ đều mặc áo tấc và áo ngũ thân.

Hôn lễ truyền thống
Mẫu thân mặc áo dài nữ phục chế từ bản gốc của Mỹ Lương Công chúa – chị gái Vua Thành Thái. Chú rể mặc áo tấc dành cho phò mã, cô dâu mặc áo Nhật Bình thời nhà Nguyễn (Ảnh được phép của Quốc Khánh – Lê Quyên)
Hôn lễ truyền thống với cổ phục Việt
Quan viên hai họ đều mặc áo tấc và áo ngũ thân. (Ảnh được phép của Quốc Khánh – Lê Quyên)

Khánh và Quyên cũng thuê các chú xích lô của thành phố Đà Nẵng và đầu tư trang phục của lính nhà Nguyễn để thực hiện việc đưa rước với ý tưởng buổi rước dâu giống như ngày xưa cưỡi ngựa đi dạo một vòng thành phố.

cổ phục Việt trong Hôn lễ truyền thống
Lễ rước dâu ở Đà Nẵng (Ảnh được phép của Quốc Khánh – Lê Quyên)

Đám cưới theo phong cách truyền thống xưa khiến khách mời tham dự đều rất thích thú và ngạc nhiên. Mọi người đều bất ngờ và tự hào khi biết rằng tổ tiên người Việt đã từng tạo ra những nền văn hoá truyền thống rực rỡ đến vậy.

Hình ảnh đám cưới truyền thống của Khánh và Quyên được chia sẻ nhiều trên mạng xã hội và trong các diễn đàn về cưới hỏi, đa số mọi người đều chúc phúc cho 2 vợ chồng, ngoài ra nhiều bạn mong muốn đám cưới tương lai sẽ theo concept này. Thậm chí có nhiều bạn còn chia sẻ về trang cá nhân và nói đùa là mong muốn được cưới lại.

Cha mẹ của cô dâu chú rể chia sẻ rất hài lòng về đám cưới truyền thống của các con: “Tuy đám cưới là do 2 con trẻ tự bỏ kinh phí và dàn dựng nhưng luôn nhận được tư vấn và góp ý của bố mẹ đôi bên. Sắp ngày cưới công việc vẫn còn rất bộn bề cũng khiến ba mẹ đôi bên lo lắng về ý tưởng nhưng cuối cùng mọi việc cũng ổn thoả. Mọi người đều rất thích thú khi đám cưới quay về truyền thống. Thậm chí khi đi rước dâu có một đoạn đi bộ hơi xa thì các ông ngoài 80 tuổi chia sẻ là dù mệt nhưng vui thế này cũng thấy hết mệt.”

Mọi người rất xúc động khi xem hình ảnh đám cưới Khánh và Quyên. Đám cưới cũng để lại ấn tượng sâu sắc đối với những người tham dự. Một người bạn của cô dâu chú rể chia sẻ: “Lần đầu tiên được dự một đám cưới đẹp và ý nghĩa đến thế. Thời nay thật là hiếm khi thấy được một đám cưới mang đậm nét đẹp văn hóa truyền thống như vậy.”

Chú rể chia sẻ, lúc đầu mọi người cũng e ngại khi mặc áo dài nhưng khi tiếp xúc với áo dài cổ phục thì ai cũng thích. Dù vậy, theo cô dâu chú rể thì chi phí cho trang phục ít hơn rất nhiều các đám cưới tổ chức theo kiểu phương Tây.

Điều đặc biệt là đám cưới của Khánh và Quyên không đãi bia rượu, chương trình ấm cúng chuẩn bị sẵn bởi bạn bè và họ hàng. Chú rể chia sẻ, có nhiều khách mời chưa quen với chương trình như vậy nhưng hai bạn nhận được nhiều phản hồi là không khí ấm cúng, mọi người trò chuyện được nhiều hơn và chương trình rất ý nghĩa.

Chữ Ân – chủ đề của hôn lễ

Khác với các đám cưới nặng về hình thức bên ngoài, Quốc Khánh và Lê Quyên đặt tâm đầu tư nhiều hơn về nội dung lễ cưới. Quốc Khánh chia sẻ: “Tôi không muốn đám cưới mình chỉ hát hò xập xình rồi đi về.” Trong rất nhiều kịch bản khác nhau để làm chương trình cưới, cuối cùng hai bạn đã chọn chủ đề chữ Ân, để truyền tải những câu chuyện của ông bà, cha mẹ bằng những clip phỏng vấn trực tiếp.

Theo Thuyết văn giải tự, chữ Ân nghĩa là “ân huệ” gồm nhữ Tâm (trái tim) và chữ Nhân (nguyên nhân, nhân quả). Nghĩa gốc của chữ Ân là ơn huệ, lợi ích tình cảm mọi người dành cho nhau. Chữ Ân trong vợ chồng có hàm nghĩa sâu xa là nhân duyên đời trước, là an bài của Thượng Thiên và lo toan của cha mẹ đời này.

Hiếu kính, cảm ân là những giá trị nền tảng trong gia đình truyền thống. Chọn chủ đề “Ân” trong ngày lễ đặc biệt của mình, Khánh và Quyên muốn bày tỏ lòng trân quý ân đức của Trời, cha mẹ và nhân duyên vợ chồng.

blank
Chọn chủ đề trong ngày lễ đặc biệt của mình, Khánh và Quyên muốn bày tỏ lòng trân quý ân đức của Trời, cha mẹ và nhân duyên vợ chồng. (Ảnh được phép của Quốc Khánh – Lê Quyên)

Cũng như trang phục truyền thống không chỉ là hình thức mà còn có nội hàm về văn hóa đạo lý làm người sâu sắc, Quốc Khánh và Lê Quyên chia sẻ những suy nghĩ sâu xa về ý nghĩa của hôn nhân theo quan niệm truyền thống.

“Thời xưa người ta tin là nhân duyên là do trời định. Tình yêu chỉ bắt đầu sau khi kết hôn nên nếu như đúng theo truyền thống thì vợ chồng thường không biết nhau mà thông qua mai mối, cha mẹ đặt đâu con ngồi đó. Người hiện đại có thể thấy nó khá không hợp thời vì quan niệm yêu nhau phải tìm hiểu trước. Cần tự quyết định cuộc đời của mình.

Có thể có nhiều tranh cãi quanh điều này nhưng có điều khiến tôi ngạc nhiên là tỷ lệ ly hôn của ông bà ngày xưa lại thấp hơn bây giờ. Các cặp đôi đến già vẫn còn rất hạnh phúc với nhau. Hiểu được điều đó nên chúng tôi tuy có tìm hiểu nhau trước nhưng vẫn lấy cốt lõi của quan hệ vợ chồng ngày xưa là đối xử tôn trọng nhau, hy sinh vì nhau chứ không phải vì thỏa mãn cái tôi của mỗi người.”

Người xưa cũng thường nói: “Phu thê ân ái”, trong thành ngữ trên thì “Ân” đứng trước “Ái”, lòng cảm kích có trước, còn yêu thương, tương kính như tân đứng sau. Duy trì quan hệ hôn nhân không chỉ đơn thuần dựa vào tình cảm, mà cần dựa vào đạo nghĩa và lòng cảm ân, như vậy hôn nhân mới bền vững.

Mong muốn hồi sinh một nền văn hóa bị lãng quên

Dành nhiều công phu thực hiện đám cưới truyền thống xưa xuất phát từ tâm nguyện của cô dâu và chú rể muốn truyền tải vẻ đẹp sang trong tinh tế và ý nghĩa sâu sắc trong trang phục và văn hóa truyền thống.

Hôn lễ truyền thống Việt
Tâm nguyện của cô dâu và chú rể muốn truyền tải vẻ đẹp sang trong tinh tế và ý nghĩa sâu sắc trong trang phục và văn hóa truyền thống. (Ảnh được phép của Quốc Khánh – Lê Quyên)

“Điều đặc biệt nhất chính là chúng tôi có thể tái hiện lại cho mọi người thấy rằng áo dài cổ của người Việt rất đẹp, cũng như đạo đức của người Việt xưa rất cao được thể hiện qua thiết kế của áo dài. Áo dài xưa không bó sát thân thể, bởi thế khiến người nhìn không phát sinh dục vọng, nhưng lại rất thanh tao và tôn nghiêm, khiến người nhìn phải tôn kính nhau và cư xử chừng mực.”

Thông điệp Khánh và Quyên gửi gắm qua hôn lễ của mình là mong muốn tái hiện cho mọi người thấy lại nét đẹp của văn hoá truyền thống dựa trên nền tảng đạo đức cao đẹp, tôn nghiêm của người xưa, điều đang gần như đã bị lãng quên trong đời sống hiện đại.

Hai bạn hy vọng truyền cảm hứng cho mọi người đều có thể tự mình phục dựng lại vẻ đẹp truyền thống vốn từng làm nên lịch sử huy hoàng của người Việt.

Hôn lễ truyền thống
Hai bạn hy vọng truyền cảm hứng cho mọi người đều có thể tự mình phục dựng lại vẻ đẹp truyền thống vốn từng làm nên lịch sử huy hoàng của người Việt. (Ảnh được phép của Quốc Khánh – Lê Quyên)

Chú rể chia sẻ: “Chúng tôi thấy áo dài cổ của chúng ta cũng rất đẹp, nếu so với hanbok Hàn Quốc và kimono Nhật Bản thì không hề thua kém. Nếu các bạn trẻ lựa chọn trang phục này cho các dịp trọng đại thì thật sự rất tuyệt vời. Ngay sau đám cưới cả hai vợ chồng đã quyết định mở một cửa hàng áo dài tên là Việt phục Ân Vũ vì quá thích vẻ đẹp đầy tự hào của dân tộc.”

Ông Kim Dong Il, Giám đốc Phát triển Sản phẩm Du lịch – Văn hóa, Tổng cục du lịch Hàn Quốc từng nói rằng, cách tốt nhất để bảo tồn các di sản là “cho chúng một đời sống trong xã hội đương đại”.

Quốc Khánh và Lê Quyên chia sẻ rằng, trong thời đại 4.0 quá nhiều áp lực cuộc sống, nên khi “tìm về những giá trị truyền thống chúng tôi lại cảm thấy thật rất bình yên.”

Quốc Khánh tâm đắc với câu nói: “Đi đến cái tận cùng của dân tộc, ta sẽ gặp được nhân loại”. Cổ phục Việt là tinh hoa của cả một dân tộc thể hiện thẩm mỹ quan rất riêng và đặc sắc của ông cha ta từ hàng trăm năm trước, một kho tàng di sản quý mà thế hệ sau có thể học hỏi, giữ gìn. Vẻ đẹp trang phục truyền thống đến ngày nay nhìn lại vẫn cho thấy trình độ thẩm mỹ xuất sắc của cổ nhân từ chất liệu đến những hoa văn, và đáp ứng được toàn bộ các nhu cầu đời sống ngay cả trong đời sống hiện đại, đồng thời còn hàm chứa những giá trị đạo đức văn hóa quý giá. Giữ gìn những giá trị tốt đẹp của văn hóa truyền thống chính là đang lưu lại cho chúng ta một tương lai viễn mãn tốt đẹp.

EPOCH TIMES

Tin Liên Quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết Nối Mạng Xã Hội

22,044Thành viênThích
8Người theo dõiĐăng Ký
- Quảng cáo -spot_img

Tin Mới Nhất