TRƯỜNG SA, Việt Nam (NV) – Khu trục hạm Mỹ USS Benfold tiến gần đá Vành Khăn (Mischief Reef) thuộc quần đảo Trường Sa khi mẫu hạm USS Carl Vinson cũng đang tập trận trên Biển Đông.
Hai hoạt động khác nhau của Hải Quân Mỹ diễn ra trên Biển Đông chỉ một tuần lễ sau khi Bắc Kinh loan báo luật mới buộc tất cả các loại tàu nước ngoài phải khai báo danh tính, loại tàu và lộ trình khi vào các vùng biển “chủ quyền” của nước họ.

Bản tin Hạm Đội 7 của Mỹ cho hay khu trục hạm mang hỏa tiễn dẫn đường USS Benfold vừa có chuyến hải hành ngày 8 Tháng Chín, 2021, vào bên trong phạm vi 12 hải lý của đá Vành Khăn, một thực thể thuộc quần đảo Trường Sa, Việt Nam tuyên bố chủ quyền nhưng bị Trung Quốc cưỡng chiếm và bồi đắp thành đảo nhân tạo, xây dựng các căn cứ quân sự quy mô.
“Khu trục hạm USS Benfold tiến hành tự do hải hành dựa trên luật lệ quốc tế và vẫn tiếp tục tiến hành hoạt động bình thường trên các vùng biển quốc tế,” bản thông cáo báo chí của Hạm Đội 7 viết. “Hoạt động phản ảnh cam kết bảo vệ tự do hải hành và nguyên tắc sử dụng hợp pháp các vùng biển. Hoa Kỳ tiếp tục bay, chạy tàu cũng như hoạt động bất cứ nơi nào luật lệ quốc tế cho phép như khu trục hạm USS Benfold làm ở đây.”
Quân đội Trung Quốc cho phát ngôn viên quân sự Điền Quân Lý (Tian Junli) nói rằng quân đội nước họ đã “tổ chức lực lượng cả Không Quân và Hải Quân phát giác, theo dõi và trục xuất” chiến hạm Mỹ. Ông Điền nói: “Hành động của Mỹ xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền và an ninh Trung Quốc, thêm bằng chứng chắc chắn về bá quyền hải hành hung hăng và quân sự hóa Biển Đông của Mỹ.”
Ông Điền lặp lại phát ngôn quen thuộc rằng Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với các đảo và các vùng biển chung quanh tại Biển Đông. Ngược lại, cả Việt Nam và Philippines cũng tuyên bố chủ quyền với những phần trùng lặp với Trung Quốc.
Quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đã bị Trung Quốc cướp năm 1974 và một số bãi đá ngầm ở Trường Sa đã bị Trung Quốc cướp năm 1988.
Không những vậy, Bắc Kinh ngang nhiên công bố bản đồ Biển Đông với những cái vạch chủ quyền tưởng tượng nối lại giống hình “lưỡi bò,” chiếm từ hơn 80% đến 90% Biển Đông. Nhiều khu vực các vạch này lấn sâu vào các vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam và Philippines. Đó là lý do Bắc Kinh đưa nhiều loại tàu tới ngăn cản Hà Nội dò tìm và khai thác dầu khí tại những vùng biển đặc quyền kinh tế của nước mình.
Bản tin của Hạm Đội 7 nói phát ngôn của Trung Quốc rằng khu trục hạm USS Benfold đã bị “trục xuất” khỏi khu vực đá Vành Khăn là “lừa gạt.”
“Hoa Kỳ tiến hành ‘hoạt động bình thường’ bên trong phạm vi 12 hải lý của đá Vành Khăn. Theo luật lệ quốc tế phản ảnh qua Công Ước Quốc Tế về Luật Biển, những thực thể như đá Vành Khăn chìm dưới nước khi thủy triều lên theo sự hình thành tự nhiên của nó, không cho phép xác định chủ quyền lãnh thổ trên biển. Các nỗ lực bồi đắp (đất cát, cho cao lên), xây dựng các cấu trúc trên đá Vành Khăn không thay đổi đặc tính của nó theo luật lệ quốc tế,” bản thông cáo báo chí của Hạm Đội 7 viết.

Cũng trong ngày 8 Tháng Chín, tờ báo của quân đội Mỹ Stars and Stripes đưa tin, ở khu vực khác trên Biển Đông nhóm tàu do mẫu hạm USS Carl Vinson đang hoạt động với các cuộc tập luyện thường ngày. Đây là lần đầu tiên kể từ đầu năm đến nay mẫu hạm Vinson hoạt động trên Biển Đông với các loại máy bay cất cánh và hạ cánh.
Tháng trước, Phó Tổng Thống Kamala Harris đã thúc giục nhà cầm quyền CSVN hợp tác với Mỹ chống lại tuyên bố chủ quyền quá lố và các trò bắt nạt của Bắc Kinh tại Biển Đông.
NGUOIVIET ONLINE NEWS