70.5 F
San Jose
Monday, September 25, 2023
printing-new3-728-1
Vidan_Radio_728
previous arrow
next arrow

Lời chứng của cụ ông 92 tuổi về sự tàn ác của Trung Cộng

Năm 2012, có một bài viết lan truyền trên mạng về một cụ ông 92 tuổi yêu cầu gia đình ghi sáu lời thú tội trên bia mộ của mình. Gia đình ông đắn đo vì người ta thường ghi công trạng, thành tích chứ không ai ghi những việc làm sai trái trên bia mộ cả.

blank
Năm 2012, có một bài viết lan truyền trên mạng về lời chứng của cụ ông 92 tuổi về sự tàn ác của Trung Cộng. (Ảnh: Pixabay)

Nhưng cụ ông vẫn cương quyết. Suy ngẫm về hành trình cuộc đời của mình, ông luôn hối hận về những tội lỗi khiến tâm hồn ông bị giày vò này. Ông đã hết lần này đến lần khác cầu xin Đức Phật tha thứ. Nhưng Đức Phật chỉ mỉm cười với ông, mà không trả lời. Đó là lý do tại sao ông quyết định viết ra tội lỗi của mình và cầu xin sự tha thứ, để linh hồn ông được yên nghỉ nơi chín suối.

Ông cụ họ Từ, sinh năm 1920. Không rõ liệu ông có còn sống đến ngày nay không. Hành trình cuộc đời của ông là bằng chứng về sự tàn ác của Đảng Cộng sản Trung Quốc (Trung Cộng). Bài viết đó có tiêu đề: “Đây là sự ăn năn của một công dân 92 tuổi. Nhưng còn bao nhiêu người nữa cần phải ăn năn về tội lỗi của họ?“

Dưới đây là lời thú nhận của ông cụ.

Lời nhận tội thứ nhất: Lấy đồng hồ của các phi công Mỹ đã chết

Tháng 3 năm 1942, một chiếc máy bay của nhóm Hổ Bay (Nhóm tình nguyện viên đầu tiên của Mỹ-AVG) đã đâm vào khu rừng phía sau làng tôi. Hai phi công nhảy dù ra ngoài và hạ cánh xuống ngọn đồi của núi Nhị Lang.

Lúc đó tôi đang đốn củi trong khu vực đó. Sau khi chạy tới, tôi thấy những chiếc dù treo trên cây và hai phi công nằm trên đống đá người bê bết máu. Tôi đến gần và phát hiện cả hai người đều đã chết. Tôi đứng đó một lúc và không hiểu sao lại có ý nghĩ kỳ quặc là kiểm tra xem liệu họ có vật gì có giá trị không. Cuối cùng, tôi đã lấy đồng hồ của hai người họ.

Ngày hôm sau, chính quyền thị trấn (dưới thời Trung Hoa Dân Quốc) đã cử người chuyển hai thi thể đến Trùng Khánh. Khi mọi người khiêng họ qua làng, tôi ở trong nhà và không dám ra ngoài xem. Tôi xấu hổ về bản thân mình: Trời ạ! Những người Mỹ này đến đây để giúp chúng tôi chống lại quân xâm lược Nhật Bản. Chúng tôi nên vô cùng biết ơn, vậy mà tôi lại lấy đồng hồ của họ. Tôi có phải là một con người nữa không?

Từ đó trở đi, tôi cảm thấy rất tệ. Đến năm 1948, tôi không thể chịu đựng được nữa. Tôi bèn vay một số tiền làm lộ phí để đi đến Trùng Khánh. Rồi tôi ném cả hai chiếc đồng hồ xuống sông Gia Lăng như một cách để trả lại chúng cho các phi công. Sau đó, tôi cảm thấy dễ chịu hơn một chút.

Tôi là một người dân thường. Khi chính phủ Trung Hoa Dân Quốc kêu gọi mọi người nhập ngũ để đánh quân Nhật, tôi đã nhập ngũ. Tuy nhiên, khi đoàn quân đến Phù Lăng, tôi đã chạy trốn như một kẻ đào ngũ. Sau khi Trung Cộng lên nắm quyền vào năm 1949, đã có nhiều chiến dịch chính trị lên án Quốc Dân Đảng (đảng cầm quyền của Trung Hoa Dân Quốc), tôi thậm chí còn công khai chỉ trích họ vì tội bắt đi lính.

Tôi cảm thấy thật tồi tệ, bởi vì tôi đã làm ông bà tổ tiên thất vọng. Hàng triệu người Trung Quốc đã nhập ngũ và hy sinh cho đất nước. Sau khi Trung Cộng lên nắm quyền vào năm 1949, liệu ai còn nhớ đến họ? Chúng tôi đã dựng lên những tượng đài công đức cho họ và cho nhóm Hổ Bay, bởi vì họ là những anh hùng thực sự. Còn đối với tôi, tôi chỉ xứng đáng có một tấm bia tội lỗi.

Lời nhận tội thứ hai: Giết một địa chủ trong cải cách ruộng đất

Năm 1951, đại diện của ban chuyên trách cải cách ruộng đất đã đến làng tôi để đẩy mạnh chiến dịch này và diệt địa chủ. Thực ra, một số địa chủ trong làng rất tốt bụng và hào phóng, và họ rất hòa thuận với dân làng. Mặc dù các quan chức của ban chuyên trách tổ chức họp hàng ngày, xúi giục dân làng tấn công địa chủ, nhưng sau hai tuần cũng không có tiến triển gì.

Đội trưởng Hồ rất sốt ruột. Ông ta đến gặp tôi và hai thanh niên khác trong làng, nói rằng trên quận có chỉ tiêu là một trong ba địa chủ trong làng của chúng tôi cần phải bị giết chết. Vì cuộc họp đấu tranh giai cấp đã không diễn ra tốt đẹp như ông ấy dự kiến, ông ấy hy vọng chúng tôi có thể giúp hô các khẩu hiệu. Bằng cách đó, ít nhất cuộc họp sẽ tiếp tục.

Không hiểu sao tôi đã dại dột đồng ý. Trong buổi họp tối hôm đó, tôi là người đầu tiên hô, “Đả đảo những kẻ bạo ngược và ác ôn!” “Chúng tôi ủng hộ cải cách ruộng đất!” “Loại bỏ giai cấp địa chủ!” Mấy thanh niên khác cũng tham gia cùng tôi.

Thấy cuộc họp nóng lên, ông Hồ liền lớn tiếng khiển trách một địa chủ tên là Triệu Nhân Hậu và liệt “tội ác” của ông vào tội bóc lột nông dân.

“Các vị có đồng ý rằng ông Triệu đã bóc lột chúng ta không?” ông ta cao giọng và hỏi đám đông.

“Có!”, một số người từng tham gia cuộc họp trù bị ngày hôm trước trả lời.

“Chúng ta có nên hành quyết ông ta không?” ông ấy tiếp tục.

“Có!” chúng tôi lớn tiếng đáp.

“Bây giờ một số vị hãy đưa ông ta ra ngoài,” ông ấy ra lệnh.

Sau đó chúng tôi đưa ông Triệu từ cuộc họp ra ngoài sân.

Ngay khi chúng tôi đến đó, ông Hồ yêu cầu chúng tôi đứng bên cạnh. Sau đó là một phát súng, tiếp theo là một phát súng khác. Ông Triệu gục xuống đất. Tất cả dân làng đều choáng váng. Chúng tôi không biết “hành quyết” ông ấy có nghĩa là sẽ giết ông ấy. Chúng tôi tưởng là đuổi ông ấy ra khỏi phòng họp. Bằng cách đó, chúng tôi đã đánh mất lương tri và gây ra cái chết của ông Triệu. Thật là một tội lỗi to lớn!

Lời nhận tội thứ ba: Không kịp thời cứu người cánh hữu

Vài năm sau, chiến dịch chống cánh hữu bắt đầu. Vào năm 1957, một trí thức đến làng và ông ấy cũng mang họ Hồ. Chúng tôi nghe nói tội của ông ấy là tấn công chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Ông Hồ gầy và yếu, như thể gió có thể quật ngã ông. Ban ngày, ông ấy tham gia lao động ở hợp tác xã và cứ ho liên tục. Đến tối, ông ấy ngủ ở một ngôi miếu đổ nát ở rìa làng. Trưởng thôn đối xử rất tệ bạc với ông. Chúng tôi cũng tránh xa ông ấy để tránh rắc rối.

Vào buổi sáng ngày thứ 10 sau khi ông Hồ đến, tôi ra ao gần làng để lấy nước tưới ruộng. Bất chợt tôi thấy ông ấy đang giãy giụa trong nước, và tôi biết ông ấy cố ý tự tử vì tuyệt vọng. Sau đó tôi tự đấu tranh: Nếu tôi cứu ông ta, điều đó có thể mang lại cho tôi rắc rối; Nếu tôi không cứu ông ta, dù sao cũng là một mạng người. Sau một lúc, cuối cùng tôi cũng nhảy xuống ao cứu ông ta. Nhưng đã quá muộn, ông ấy chết đuối rồi. Sau đó, một số dân quân đã đến và chôn cất ông ấy bằng cách phủ lên ông một ít cỏ khô.

Trong mấy chục năm qua, bất cứ khi nào đi qua đó, tôi đều cảm thấy hối hận. Mặc dù ông ấy tuyệt vọng và đang tự sát, và cứu ông ấy có thể đồng nghĩa với việc đau khổ hơn, nhưng dù sao đi nữa ông ấy vẫn là một con người.

Lời thú tội thứ tư: Đành ăn thịt xác chết trong Nạn đói lớn

Sau đó là Đại Nhảy Vọt khét tiếng vào năm 1958. Mọi người đều khoác lác, tuyên bố sản lượng đến hàng chục kg thóc trên một mẫu (cao gấp hàng trăm lần sản lượng thực tế). Họ cũng báo cáo rằng tất cả các kho trong các ngôi làng đã được chất đầy đến nóc.

Tất cả điều đó đều là dối trá. Mùa vụ đến lúc thu hoạch, nhưng không có ai thu hoạch lương thực cả, vì tất cả những dân làng khỏe mạnh còn đang bận rộn “sản xuất” thép trong các lò sau nhà. Cán bộ hợp tác xã hướng dẫn chúng tôi chất đầy cỏ khô vào kho. Chúng tôi cũng phủ một ít thóc lên trên để các quan chức cấp cao hơn kiểm tra.

Tất cả những điều này đã dẫn đến Nạn đói lớn ở Trung Quốc từ năm 1959 đến năm 1961. Rất nhiều người trong làng đã chết, trong đó có cha mẹ, vợ và một số người thân của tôi. Hai con tôi và tôi sống sót một cách thần kỳ. Khi không có thức ăn và trong tình trạng tuyệt vọng như vậy, tôi đã nấu thịt xác chết của anh họ mình … Thật khủng khiếp, tôi không thể mô tả thêm nữa, nhưng điều đó đã làm tăng thêm tội lỗi cho tôi.

Lời thú tội thứ năm: Phản lại truyền thống, đốt tượng Phật

Trong cuộc Cách mạng Văn hóa, các quan chức buộc dân làng phải thề nguyền trung thành với Mao Trạch Đông, khi đó là lãnh đạo Trung Cộng. Sau khi bỏ đi di ảnh của ông bà tổ tiên, chúng tôi thay thế chúng bằng ảnh của Mao và cánh tay phải của ông ta là Lâm Bưu. Trước mỗi bữa ăn, chúng tôi phải thề sẽ trung thành với Mao, gửi những lời chúc tốt đẹp nhất và hát những bài hát.

Trong 10 năm Cách mạng Văn hóa đó, chúng tôi không dám tưởng nhớ đến ông bà tổ tiên của mình. Điều đó là sai. Hơn nữa, dân quân thôn và tôi còn đốt tượng Phật. Đây là một tội lỗi khác.

Lời thú tội thứ sáu: Cháu trai trở thành một quan chức tham nhũng

Cháu trai tôi tốt nghiệp đại học năm 1990 và có hai lựa chọn công việc. Một là trở thành giáo viên trung học và lựa chọn khác là trở thành thư ký cho các quan chức quận. Tôi cố chấp, nghĩ rằng làm giáo viên sẽ không có tương lai. Vì vậy, tôi đã bảo cháu trai của mình đi làm việc cho các quan chức.

Hiện giờ, cháu tôi đã trở thành một quan chức cấp quận và giỏi tham nhũng, hối lộ, cờ bạc, và qua lại với gái mại dâm. Vậy là, thằng bé trở thành một mối họa trong vùng. Tất cả đó là lỗi của tôi!

Ở phần kết thúc, tác giả của bài viết trực tuyến cho biết những việc làm sai trái này không chỉ là lỗi của ông cụ. Mà đó là bi kịch của toàn người dân Trung Quốc.

Thông qua hàng loạt chiến dịch chính trị, Trung Cộng đã gây ra cái chết của khoảng 80 triệu người, con số này vượt quá số người chết trong hai cuộc Thế chiến. Mao từng nói, “Trung Quốc có 800 triệu người, làm sao có thể không có đấu đá nội bộ cơ chứ?”. Ông ta cũng dự định tổ chức các phong trào chính trị như cách mạng văn hóa cứ bảy hoặc tám năm một lần.

Ba loại ô nhục

Tất cả những điều này đều bắt nguồn từ Trung Cộng, vốn có bản chất căn bản là đấu tranh giai cấp, hận thù, tàn bạo và dối trá.

Một cư dân mạng bình luận: “Mỗi người dân Trung Quốc đều cần suy ngẫm như thế.”

“Sự ăn năn của cụ ông này là chứng tích của lịch sử Trung Quốc và tất cả đều có thể là do Trung Cộng,” một người khác viết.

Một người viết, “Bất kể tự nguyện hay thụ động, tất cả chúng ta đều phạm tội. Chừng nào Trung Cộng còn tồn tại, quốc gia của chúng ta sẽ rơi vào tình trạng thảm họa.”

Ông Tiền Chung Thư, học giả nổi tiếng Trung Quốc cho biết có nhiều loại ô nhục trong thời đại Cách mạng Văn hóa: sự sỉ nhục của các nạn nhân, nỗi nhục của những kẻ bức hại và sự đổ lỗi của những người ngoài cuộc. Nếu vậy, chẳng phải chúng ta phải chịu trách nhiệm về sự ngang trái này ở một mức độ nào đó sao?

Một phụ nữ cho biết mẹ bà sinh năm 1918, hơn cụ ông 92 tuổi này hai tuổi. Mẹ bà luôn dặn bà không được làm điều xấu, vì vậy bà và các anh chị em đã luôn làm theo lương tâm của mình. Tuy nhiên, một trong những người bạn học của bà đã công kích bà trong một phong trào chính trị tồi tệ đến nỗi bà mất hy vọng. Bà đã tìm cách tự tử – may mắn thay bà đã được cứu.

Bà viết: “Tôi không thể hiểu nổi tại sao nhiều người Trung Quốc lại mất trí và mù quáng nghe theo lời xúi giục của Mao để làm việc xấu?”. Do vậy, trong những năm sau đó, khi ông chủ của bà đề nghị bà vào Đảng, bà đã từ chối. Bà giải thích rằng trở thành một thành viên của Trung Cộng không phải là một vinh dự. Trước sự ngạc nhiên của bà, mọi người đã cười nhạo bà vì điều này.

Người bạn cùng lớp từng đả kích bà sau đó đã tìm đến bà, nhưng người phụ nữ này không chịu tha thứ cho cô ấy. Bà viết: “Tôi là một Cơ Đốc nhân và mẹ tôi đã bảo tôi hãy tha thứ cho người khác. Nhưng tôi không thể hiểu tại sao cô ấy lại tệ đến vậy và tôi không thể tha thứ cho cô ấy.”

Thoái Trung Cộng

Ngày 3 tháng 3 năm 2021, qua trang web The Epoch Times, một nhóm gồm 15 người đã từ bỏ tư cách thành viên trong các tổ chức của Trung Cộng. Những tổ chức này bao gồm các hiệp hội trẻ của Trung Cộng là Đoàn Thanh niên Cộng sản và Đội Thiếu niên Tiền phong Cộng sản.

Một trong những người này là cô Long Yến. Giống như những người Trung Quốc khác, từ nhỏ cô Long đã nghe kể rằng Trung Cộng là tốt và phục vụ nhân dân. Cô viết, “Dần dần chúng tôi nhận thấy đây đều là những lời nói dối. Sau khi vượt qua sự phong tỏa internet và truy cập thông tin ở nước ngoài, cô nhận thấy lịch sử khác với những gì cô được kể. Cô viết tiếp: “Trung Cộng hầu như không làm bất cứ điều gì khác ngoài việc gây hại cho người dân Trung Quốc.”

Cô Long cho biết bố mẹ cô đã làm việc chăm chỉ, với hy vọng rằng cô và những người khác sẽ thành công và trở thành người tốt. Nhưng ở trường, những gì cô học được là lịch sử giả, chính trị giả và văn hóa giả. Cô hỏi, “Làm sao bạn có thể trở thành một người tốt với một nền giáo dục như vậy?”

May mắn thay, giờ đây cô đã biết đến văn hóa truyền thống, câu chuyện chân thực về Pháp Luân Công cùng nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn. Cô giải thích, điều quan trọng là phải quay trở lại với các giá trị truyền thống, ôm giữ thiện tâm và từ bỏ Trung Cộng.

EPOCH TIMES NEWS

Tin Liên Quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết Nối Mạng Xã Hội

22,044Thành viênThích
8Người theo dõiĐăng Ký
- Quảng cáo -spot_img

Tin Mới Nhất