55.7 F
San Jose
Friday, September 22, 2023
printing-new3-728-1
Vidan_Radio_728
previous arrow
next arrow

Ngôi làng nhỏ Oberndorf, nơi ra đời ‘Silent Night, Holy Night’

OBERNDORF, Áo (NV) – Cứ mỗi năm vào Tháng Mười Hai khi âm hưởng của “Silent Night, Holy Night” vang vọng trong không gian là lúc luôn gợi nhớ trong tôi đến một một ngôi làng nhỏ bé Oberndorf hiền hòa yên bình bên dòng sông Salzach của nước Áo (Austria).

blank
Một du khách tận hưởng khoảnh khắc khá thú vị tại nhà nguyện Silent Night Chapel ở làng Oberndorf của Áo. (Hình: Joe Klamar/AFP via Getty Images)

Du khách có lẽ cũng chẳng mấy ai quan tâm đến các ngôi làng nhỏ bé này nếu không vì nguồn gốc âm hưởng của bài Thánh Ca “Silent Night, Holy Night/ Đêm Thánh Vô Cùng” được vang vọng từ ngôi nhà thờ St. Nicholas vào năm 1818, mừng ngày Chúa ra đời.

Salzach là con sông chỉ dài hơn 220 km, khởi nguồn từ bên Đức và là con sông chính cho thành phố Salzburg của Áo ngày nay. Con sông chảy đến gần Salzburg thì uốn lượn gần như thành một vòng tròn, tạo thành làng Oberndorf lọt thỏm vào trong. Tuy là con sông nhỏ không dài lắm, nhưng Salzach lại là con sông nối liền rất nhiều thành phố của hai đất nước Đức-Áo.

Trước cuối thế kỷ 19, sông Salzach là phương tiện di chuyển thuận lợi nhất dùng để trao đổi hàng hóa buôn bán, nhất là việc buôn bán muối giữa các làng trên làng dưới. Cũng vì thế mà người ta đặt tên con sông là sông Muối (salz có nghĩa là muối), thành phố Salzburg có nghĩa là thành phố Muối. Sau các cuộc Đệ Nhất Thế Chiến và Đệ Nhị Thế Chiến, sông Salzach trở thành đường phân chia biên giới Đức-Áo và tạo ra hai thành phố kết nghĩa chị em ngày nay là Laufen (Đức) và Oberndorf-Salzburg (Áo).

Theo truyền thống Âu Châu, hầu như mỗi ngôi làng hay thành phố đều xây một ngôi nhà thờ để dân làng làm nơi cầu nguyện, dâng lễ, và gặp gỡ nhau trong đức tin của mình. Làng Oberndorf cũng thế, dân làng cho xây một ngôi thánh đường nhỏ bé đơn sơ Nikolaus-Kirche (nhà thờ St. Nicholas) của dân làng được xây dựng gần bên ngay vòng cung bờ sông. Đây là nơi gặp gỡ của dân làng vào những buổi Thánh Lễ cuối tuần và lễ hội.

blank
Nhà nguyện Silent Night Chapel nằm trên địa điểm ban đầu của nhà thờ St. Nikolaus, nơi có bài hát mừng Giáng Sinh “Silent Night, Holy Night” được nghe lần đầu tiên vào đêm Giáng Sinh năm 1818. (Hình: Joe Klamar/AFP via Getty Images)

Năm 1817 một vị tu sĩ tên Joseph Mohr được chuyển về nhà thờ St. Nicholas để phụ giúp Cha xứ. Ông là người rất sùng đạo, sống thanh đạm và đặt hết niềm tin vào Thiên Chúa. Ông dùng tất cả tiền bạc ông có để cứu giúp những người già cả nghèo khó, xây trường học cho trẻ em thất học tại những nơi ông được thuyên chuyển đến.

Joseph Mohr sinh năm 1792 tại Salzburg, thuở nhỏ ông đã học giáo lý và phụ giúp việc nhà thờ nơi ông ở. Ông có năng khiếu về ca hát, âm nhạc. Nhờ thế ông tham dự rất nhiều hoạt động ca đoàn. Năm 1816 ông được chuyển về nhà thờ ở Mariapfarr, chính ở đây ông đã hoàn thành lời bài thơ “Stille Nacht, Heilige Nacht” (tiếng Đức) ngợi ca về đêm Chúa Giêsu được sinh ra trong hang Bethlehem. Sau này lời bài thơ đã trở thành lời nhạc của bài hát “Silent Night, Holy Night” mà tiếng Việt là “Đêm Thánh Vô Cùng.”

Câu chuyện được bắt đầu từ Tháng Mười Hai, 1818. Như mọi năm nhà thờ St. Nicholas của Oberndorf tổ chức mừng đêm Giáng Sinh cho dân làng đến tham dự Thánh Lễ. Tuy nhiên, một trở ngại xảy ra khi cây đàn organ của nhà thờ đột nhiên bị hư hỏng ngay trong ngày trước đêm Giáng Sinh. Nhà thờ không kịp sửa đàn để cử hành Thánh Lễ vào đêm Giáng Sinh. Tu sĩ Mohr đã cùng một người bạn là Franz Xaver Gruber,  người lo chương trình nhạc Thánh Ca cho nhà thờ, lúc ấy đã vội đem lời bài thơ “Stille Nacht, Heilige Nacht” của Mohr ra, nhờ Gruber soạn lại lối hòa âm của bài thơ cho ca đoàn nhà thờ hát bằng đàn guitar.

Giờ Thánh Lễ đã đến, cha xứ nhà thờ St. Nicholas không còn cách nào hơn, đành chấp nhận để ca đoàn hát “Stille Nacht, Heilige Nacht” bằng tiếng đệm đàn guitar của Gruber vang vọng lên trong đêm Thánh Lễ Giáng Sinh 24 Tháng Mười Hai, 1818. Không những thế, vị Cha xứ cũng chấp nhận để ca đoàn hát bài Thánh Ca bằng ngôn ngữ Đức (không phải bằng tiếng La Tinh). Vào thời điểm đó, đây là một điều không thể chấp nhận được trong các buổi hát Thánh Lễ. Vậy mà âm điệu “Stille Nacht, Heilige Nacht” sau đêm Giáng Sinh 1818 đã được loan truyền đi khắp mọi nơi.

blank
Một cửa sổ kính màu in hình chân dung tu sĩ Joseph Mohr tại nhà nguyện Silent Night Chapel ở làng Oberndorf của Áo. (Hình: wikimedia.org)

Ngày nay “Stille Nacht, Heilige Nacht” đã được dịch ra hàng trăm ngôn ngữ khác nhau và hầu như khắp thế giới ai cũng biết đến giai điệu của bài nhạc. Một âm điệu dịu dàng thanh thoát đã đưa lòng người đến gần với nhau hơn. Có một điều kỳ lạ đã xảy ra ngay trong đêm Giáng Sinh 1914, năm khởi đầu cho cuộc chiến tranh Đệ Nhất Thế Chiến. Các binh lính của các phe lâm chiến giữa ba nước Anh, Pháp, Đức đã cùng nhau hát vang lên âm điệu “Silent Night, Holy Night” vào đêm Giáng Sinh trên đầu trận tuyến cho dù họ đang là những người thù địch trong chiến cuộc. Tuyệt diệu thay cho âm thanh của bài nhạc mừng Chúa Giáng Sinh!

Ngôn ngữ của bài hát rất đơn giản như sau:

[Tiếng Đức] “Stille Nacht, Heilige Nacht
Alles schlaft: einsam wacht
Nur das traute hach heilige Paar
Holder knab’im lockigten
Schlafe in himmlischer Ruh
Schlafe in himmlischer Ruh.”

[Tiếng Anh] “Silent night, Holy night
All is calm, all is bright
Round yon Virgin Mother and Child
Holy Infant so tender and mild
Sleep in heavenly peace
Sleep in heavenly peace.”

[Tiếng Việt] “Đêm thánh vô cùng, giây phút tưng bừng
Đất với trời, se chữ đồng
Đêm nay Chúa con thần thánh tôn thờ
Canh khuya giáng sinh trong chốn hang lừa
Ơn châu báu không bờ bến
Biết tìm kiếm của chi đền.”

blank
Một cửa sổ kính màu in hình chân dung của nhà soạn nhạc Franz Xaver Gruber tại nhà nguyện Silent Night Chapel ở làng Oberndorf của Áo. (Hình: Joe Klamar/AFP via Getty Images)

Chỉ trải qua một đêm mừng ngày Chúa ra đời, con sông Salzach không chỉ còn là con sông chuyên chở muối nữa mà nó còn là con sông miệt mài đưa âm hưởng “Đêm Thánh Vô Cùng” đến với nhân loại suốt từ đêm Giáng Sinh 1818 cho đến ngày nay.

Con sông Salzach cũng không biết nó đã đóng góp rất nhiều cho đời sống tinh thần con người năm châu bốn bể vào ngày cuối mỗi năm, giúp họ vơi quên đi những nhọc nhằn buồn khổ trong đời sống. Nhiều người trong hoàn cảnh tuyệt vọng đã nhờ lời hát, nhờ âm điệu “All the brights! Đêm nay Chúa Giáng Sinh đã ra đời” để mà vực dậy, lấy lại sức sống tinh thần của mình.

Nhưng đã nói đến tu sĩ Joseph Mohr, đã nói đến lời thơ “Stille Nacht, Heilige Nacht” mà chúng ta chưa nói gì về Franz Xaver Gruber thì quả là một điều thiếu sót không công bằng cho ông.

Gruber sinh năm 1787, ông là thầy giáo và cũng là người phụ trách về phần âm nhạc cho nhà thờ St. Nicholas. Ngay trong đêm Giáng Sinh 1818, tu sĩ Joseph Mohr đã nhờ ông giúp viết gấp hòa âm bằng đàn guitar cho những lời thơ của Mohr. Đêm đó Mohr đã đệm guitar, cả Mohr và Gruber cùng hát “Stille Nacht” trong buổi Thánh Lễ với ca đoàn nhà thờ. Về sau, chính Gruber còn soạn thêm phần hòa âm đàn organ cho âm điệu “Silent Night, Holy Night.” Phần hòa âm đó vẫn được giữ cho đến ngày nay.

Joseph Mohr mất năm 1848 vì bệnh phổi trong hoàn cảnh thật nghèo túng, không có một tang lễ đúng nghĩa cho ông. Cả cuộc đời, ông đã sống đúng theo lời Chúa đã dạy “những điều gì mà các ngươi đối xử với kẻ bần cùng nghèo khó, thì cũng như các ngươi đã đối xử những điều đó với ta.” Tài sản của ông để lại cho nhân loại là lời ca, nốt nhạc và âm điệu của “Silent Night” vang vọng khắp thế giới vào mỗi mùa giáng sinh.

Thời gian trôi qua, ngôi nhà thờ St. Nicholas nguyên thủy bên bờ sông Salzach đã bị phá hủy vì các trận lụt. Người ta cho làm một ngôi nhà nguyện nhỏ ngay trên nền nhà thờ cũ để tưởng nhớ về âm hưởng “Stille Nacht, Heilige Nacht.” Ngôi nhà nguyện này được đặt tên là “Silent Night Chapel.”

blank
Quang cảnh bên ngoài khi tuyết bao phủ quanh nhà nguyện Silent Night Chapel ở làng Oberndorf của Áo. (Hình: Johannes Simon/Bongarts/Getty Images)

Ngoài ra, một ngôi nhà thờ St. Nicholas mới khác đã được xây lại cách đó không xa. Hai tượng bán thân của Morh và Gruber, bên cạnh là cây đàn guitar và bản nốt nhạc được trang trọng dựng lưu niệm trước cửa nhà thờ cũng như ngay trong khuôn viên nhà thờ.

Từ ngôi nhà thờ mới này, bước qua ba ngã tư đường là cây cầu Salzach nối liền biên giới hai làng Oberndorf-Laufen. Những cửa hàng lưu niệm, những quán café bên cạnh cầu biên giới này tạo cho Oberndorf-Laufen một không gian thanh bình, thơ mộng dễ chịu cho người lữ khách. Không ai có thể nghĩ rằng ngày xưa đã có những cuộc chiến tranh xảy ra ở đây.

Tôi đã có dịp đến Oberndorf vào mùa Hè và Thu, nhưng chưa có dịp đến Silent Night Chapel đúng vào đêm Giáng Sinh. Tôi biết mỗi năm đêm Giáng Sinh đều được tổ chức Thánh Lễ ở đây. Tuy thời tiết mùa Đông Âu Châu lạnh lẽo, nhưng cũng có hàng ngàn người về đây để tham dự và cũng là dịp để mọi người nhớ đến cội nguồn của bài nhạc “Silent Night, Holy Night” của gần 200 năm trước.

Tôi mong ước có một Giáng Sinh nào đó, có dịp trở lại Oberndorf đúng vào đêm Thánh Lễ Giáng Sinh như là lời thầm cám ơn đến hai nhân cách Joseph Mohr và Franz Gruber. (Trần Nguyên Thắng)

NGUOIVIET ONLINE NEWS


Tin Liên Quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết Nối Mạng Xã Hội

22,044Thành viênThích
8Người theo dõiĐăng Ký
- Quảng cáo -spot_img

Tin Mới Nhất