67.8 F
San Jose
Wednesday, September 20, 2023
printing-new3-728-1
Vidan_Radio_728
previous arrow
next arrow

Nguy cơ khi Trung Quốc tráo trở về quy chế pháp lý của eo biển Đài Loan

blank

Hình minh hoạ: máy bay chống tàu ngầm của Đài Loan bay trên chiến hạm Lafayette của Pháp trong một cuộc tập trận hàng năm ở Eo biển Đài Loan hôm 22/1/2003.–

Kể từ khi Nga thực hiện việc tấn công quân sự vào Ukraine, ngày càng có nhiều quan ngại trong khu vực châu Á về khả năng Trung Quốc có hành động tương tự với Đài Loan – hòn đảo có 23 triệu dân và đi đầu trong lĩnh vực sản xuất chip bán dẫn. Trung Quốc trước đó đã không giấu giếm ý định “thống nhất” Đài Loan bằng biện pháp quân sự.

Một số nhà nghiên cứu khẳng định Trung Quốc gần đây đã bắt đầu thực hiện một chiến dịch truyền thông để thể hiện rằng eo biển Đài Loan không thể được coi là “vùng biển quốc tế” theo Công ước Luật biển của LHQ năm 1982 (UNCLOS).

Trung Quốc tráo trở về quy chế pháp lý của eo biển Đài Loan

Vào ngày 12 tháng 6, tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Nguỵ Phượng Hoà đã tuyên bố: “Nếu ai dám chia cắt Đài Loan khỏi Trung Quốc, quân đội Trung Quốc chắc chắn sẽ không ngần ngại bắt đầu một cuộc chiến bất kể giá nào”.

Cùng buổi tối hôm đó, trích dẫn một nguồn tin giấu tên, Bloomberg đưa tin rằng quân đội Trung Quốc đại lục đã nhiều lần gửi một tuyên bố cho chính phủ Mỹ, phủ nhận quy chế của eo biển Đài Loan là vùng biển quốc tế, điều đó đó khiến chính quyền Biden lo ngại.

Ngày 13/6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Văn Bân khẳng định rằng: “Không có cơ sở pháp lý nào về “eo biển quốc tế” trong luật biển quốc tế”. Đồng thời ông Vương cũng tuyên bố eo biển Đài Loan nằm trong lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc như đã được Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) và luật nội địa định rõ.

Trung Quốc được hưởng các quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với eo biển Đài Loan, đồng thời tôn trọng các quyền hợp pháp của những nước khác trong những khu vực biển liên quan… Bằng cách tuyên bố eo biển Đài Loan là vùng biển quốc tế, một số quốc gia có ý định tạo ra cái cớ cho sự thao túng của họ về vấn đề Đài Loan và đe dọa chủ quyền và an ninh của Trung Quốc”.

Tuy nhiên, Trung Quốc dường như đã đổi giọng về vấn đề này. Người ta đã chỉ ra rằng, năm 2017, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân (Liu Zhenmin) từng khẳng định: “Eo biển Đài Loan là tuyến đường biển quốc tế giữa Đài Loan và Trung Quốc đại lục”.

blank


Hải quân Đài Loan tập trận cùng tàu chiến Pháp ở Eo biển Đài Loan hôm 22/1/2003. Reuters

Mỹ và Đài Loan phản đối

Ngày 21/6, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết: “Eo biển Đài Loan là một tuyến đường thủy quốc tế, có nghĩa eo biển Đài Loan là khu vực mà các quyền tự do biển cả, bao gồm tự do hàng hải và hàng không, được đảm bảo theo quy định của luật pháp quốc tế”. Với tuyên bối này, Mỹ ủng hộ tuyên bố của Đài Loan rằng eo biển phân chia hòn đảo với Trung Quốc đại lục là vùng biển quốc tế, bác bỏ tuyên bố của Bắc Kinh trước đó.
Ông Price cho biết, thế giới “luôn quan tâm đến hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan, và chúng tôi coi đây là vấn đề trọng yếu đối với an ninh và thịnh vượng của khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương rộng lớn hơn”.
Ông nhắc lại lo ngại của Washington về cái mà Mỹ xem là “những lời lẽ hung hăng và hành động cưỡng ép của Trung Quốc liên quan đến Đài Loan” và cho biết Mỹ “sẽ tiếp tục bay, đi thuyền và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép, bao gồm việc di chuyển qua eo biển Đài Loan”.

Đài Loan cũng ngay lập tức đã bác bỏ tuyên bố của Trung Quốc rằng nước này có quyền chủ quyền đối với eo biển Đài Loan, nhấn mạnh Đài Bắc ủng hộ hoạt động tự do hàng hải của Mỹ ở những vùng biển quốc tế.
Người phát ngôn Cơ quan Đối ngoại Đài Loan Âu Giang An nói, tuyên bố của Bắc Kinh rằng vùng biển ở eo biển Đài Loan không phải là vùng biển quốc tế mà là vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc đại lục là “vô lý”.
“Eo biển Đài Loan là đường biển quốc tế, nằm ngoài lãnh hải của chúng tôi và phù hợp cho nguyên tắc về tự do hàng hải ở vùng biển mở”, bà Âu khẳng định. Bà còn nhấn mạnh Đài Loan tôn trọng bất kỳ sự di chuyển của tàu nước ngoài ở eo biển Đài Loan theo luật quốc tế. “Chúng tôi hoàn toàn hiểu và ủng hộ các sứ mệnh tự do hàng hải của Mỹ mà hỗ trợ hòa bình và ổn định trong khu vực”, bà Âu cho biết thêm.

Quy chế pháp lý của eo biển quốc tế

Mặc dù UNCLOS không đưa ra định nghĩa về eo biển quốc tế. Nhưng Điều 34 UNCLOS quy định: chế độ đi qua các eo biển dùng cho hàng hải quốc tế không ảnh hưởng gì, về bất cứ phương diện nào khác, đến chế độ pháp lý của các vùng nước các eo biển này, cũng như đến việc các quốc gia ven eo biển thực hiện chủ quyền hay quyền tài phán của mình ở các vùng nước ấy, ở đáy biển tương ứng và lòng đất dưới đáy biển, cũng như vùng trời trên các vùng nước đó.

Theo UNCLOS, tại các eo biển quốc tế này, áp dụng nguyên tắc quyền quá cảnh. Tàu thuyền và phương tiện bay của các quốc gia được hưởng quyền tự do hàng hải và tự do hàng không ở đây. Tàu thuyền được hưởng quyền tự do hàng hải và phải tôn trọng các tuyến đường hàng hải và hệ thống phân chia luồng giao thông do các quốc gia ven eo biển xác lập phù hợp với các quy định quốc tế đã được công nhận chung. Các phương tiện bay thực hiện quyền tự do bay theo quy định của pháp luật quốc tế.

UNCLOS cũng quy định: “Các quốc gia ven eo biển có thể ấn định các tuyến đường hàng hải và quy định cách phân chia luồng giao thông trong các eo biển quốc tế khi nhu cầu và hoàn cảnh thực tế đòi hỏi với điều kiện phải có thỏa thuận với tổ chức quốc tế có thẩm quyền;

Các quốc gia ven eo biển có nghĩa vụ không được gây trở ngại cho việc quá cảnh, đồng thời phải thông báo đầy đủ về mọi mối nguy hiểm đối với hàng hải trong eo biển hoặc đối với lưu thông hàng không trên eo biển mà các quốc gia này đã xác định.”

Nguy cơ từ việc thay đổi tuyên bố này của Trung Quốc

Việc Trung Quốc thay đổi giọng điệu về Đài Loan báo hiệu rằng một khi Đài Loan bị thôn tính, vấn đề về chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc sẽ chỉ trở nên nghiêm trọng hơn. Trung Quốc luôn tìm cách giải thích luật pháp quốc tế theo cách của riêng mình. Như một nhà nghiên cứu đã nhận xét vào năm ngoái, Trung Quốc coi “lãnh hải” khác với cách mà UNCLOS quy định: “Cách giải thích của Trung Quốc về lãnh hải là nhà nước có đặc quyền để đưa ra, áp dụng và thực thi luật pháp của mình trong không gian đó mà nước ngoài không được can thiệp”.
Điều này dẫn tới việc sẽ có rất nhiều xung đột xảy ra trong tương lai. Lướt qua bất kỳ bản đồ nào về các Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, có thể thấy những xung đột tiềm tàng một khi Trung Quốc có được Đài Loan. Ở phía Đông, một chuỗi các đảo của Nhật Bản sẽ hiện lên trong EEZ của Trung Quốc, từ đó tự động tạo ra xích mích sâu hơn giữa hai quốc gia đó. Nằm ở phía Bắc Đài Loan, EEZ của Trung Quốc sẽ bao gồm quần đảo Điếu Ngư theo cách gọi của Trung Quốc còn Nhật Bản gọi là quần đảo Senkaku, thực thể mà cả Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Trung Hoa Dân Quốc đều đưa ra yêu sách khi tiềm năng dầu mỏ ở khu vực này đã được công bố vào cuối những năm 1960.

Một khi Trung Quốc giành được quyền kiểm soát Đài Loan, các yêu sách của họ đối với hàng loạt vùng lãnh thổ của Philippines cũng sẽ tự động được củng cố. Khi không thể trơ trẽn bịa ra lịch sử, Bắc Kinh chuyển sang khai phá dữ liệu của lịch sử bằng cách “nguỵ tạo lịch sử”.

Tại quần đảo Hoàng Sa, Trung Quốc đã lập kế hoạch về cách diễn giải của họ đối với các đảo và các khu vực mà họ kiểm soát trong tương lai. Trung Quốc coi vùng biển giữa quần đảo Hoàng Sa là vùng nội thủy và vẽ đường cơ sở cho EEZ của mình dựa trên nguyên tắc đó, đồng thời đang lên kế hoạch làm điều này cho Trường Sa một khi nước này có đủ năng lực quân sự để làm như vậy.

Hằng năm, Trung Quốc đã thực hiện “lệnh cấm” đánh bắt cá ở Biển Đông như một cách để khẳng định quyền chủ quyền của họ đối với các vùng biển đó. Tuy nhiên, các tàu thuyền có giấy phép của họ có thể bỏ qua “lệnh cấm”, giống như đối với Philippines và Việt Nam. Nhưng tại một thời điểm nào đó, những cử chỉ mang tính biểu tượng này sẽ được hỗ trợ bởi lực lượng quân sự và lực lượng dân quân biển, các tàu đánh cá có vũ trang và các thuyền có cột buồm được trang bị tốt của Cảnh sát biển Trung Quốc. Thử tưởng tượng rằng nếu lệnh cấm này cũng được áp dụng cho tất cả các vùng biển giữa Okinawa và Đài Loan, hoặc giữa Đài Loan và Philippines, thì điều gì sẽ xảy ra?

Nguồn: RFA/Hoàng Hải Âu

Tin Liên Quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết Nối Mạng Xã Hội

22,044Thành viênThích
8Người theo dõiĐăng Ký
- Quảng cáo -spot_img

Tin Mới Nhất