
Việt Nam và Nhật Bản điện đàm có nhắc về vấn đề Biển Đông
Báo Tuổi Trẻ đưa tin, ngày 27/4, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã có cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Nhật Bản Motegi Toshimitsu, hai bên trao đổi ý kiến về các vấn đề quốc tế, trong đó có vấn đề Biển Đông.
Ngoại trưởng Nhật Bản Motegi Toshimitsu khẳng định Nhật Bản rất coi trọng và mong muốn thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng với Việt Nam, đánh giá cao vai trò, vị thế của Việt Nam ở khu vực và quốc tế, khẳng định Nhật Bản sẽ tiếp tục hợp tác, hỗ trợ Việt Nam trong quá trình phát triển.
Về phía Việt Nam, ông Bùi Thanh Sơn khẳng định, Việt Nam luôn coi Nhật Bản là đối tác chiến lược, quan trọng hàng đầu, lâu dài. Ông cho biết Việt Nam mong muốn tiếp tục cùng Nhật Bản tích cực thúc đẩy hợp tác song phương, cũng như trên các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.
Hai bên nhất trí tiếp tục tăng cường giao lưu, hợp tác hai Bộ Ngoại giao, nâng cao hiệu quả các cơ chế đối thoại và phối hợp chặt chẽ, tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực, hợp tác phòng chống dịch bệnh COVID-19.
Nhật ‘quan ngại sâu sắc’ hoạt động quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông
Theo VnExpress, trong Sách xanh Ngoại giao 2021 được công bố ngày 27/4, chính phủ Nhật Bản nhận định việc Trung Quốc “mở rộng năng lực quân sự thiếu minh bạch” và “ngày càng tăng các hoạt động đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng” ở các vùng biển châu Á, bao gồm Biển Đông và biển Hoa Đông, gây “quan ngại sâu sắc” cho nước này lẫn khu vực và cộng đồng quốc tế.
Báo cáo năm 2020 mô tả các hoạt động quân sự nói trên của Trung Quốc là “mối quan ngại chung”.

Chính phủ Nhật Bản tiếp tục đánh giá quan hệ với Trung Quốc “là một trong những mối quan hệ song phương quan trọng nhất”. Nhận định được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc đẩy mạnh các hoạt động ở vùng biển quanh nhóm đảo tranh chấp Điếu Ngư mà phía Nhật Bản gọi là Senkaku do Nhật Bản kiểm soát tại biển Hoa Đông.
Nhật Bản tham gia nhóm Bộ Tứ gồm Mỹ, Úc và Ấn Độ nhằm thúc đẩy khái niệm “tự do hàng hải ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” trong bối cảnh Trung Quốc “hành động ngày một hung hăng”. Báo cáo cho biết tầm nhìn của nhóm Bộ Tứ được quốc tế ủng hộ và Nhật Bản sẽ tìm cách hợp tác với nhiều quốc gia hơn thông qua đối thoại song phương lẫn đa phương.
Trung Quốc cáo buộc Bộ Tứ “mở đầu cho phiên bản châu Á của tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)” và được cho đang tìm cách làm suy yếu sự trỗi dậy của nhóm.
Sách Xanh Ngoại giao của Nhật Bản chỉ trích Luật Hải cảnh của Trung Quốc cho phép lực lượng này nổ súng vào tàu nước ngoài ở các vùng biển mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền.
Báo cáo đưa ra cáo buộc Trung Quốc “vi phạm nhân quyền” ở Tân Cương và Hong Kong, coi đây là “những vấn đề đáng quan tâm”.
Sách xanh Ngoại giao 2021 của Nhật Bản nhận định liên minh với Mỹ tiếp tục “đóng vai trò nền tảng” trong các chính sách an ninh và ngoại giao của nước này. Tầm quan trọng của liên minh Mỹ – Nhật ngày càng lớn hơn trong bối cảnh bất ổn ngày càng tăng trong môi trường an ninh của khu vực.
TQ mở căn cứ tích hợp đầu tiên hỗ trợ xây dựng, phóng tên lửa trên biển
Thời báo Hoàn Cầu, cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ hôm thứ Ba 18/4 cho biết, Trung Quốc chuẩn bị mở căn cứ tên lửa ở thành phố ven biển Hải Dương, tỉnh Sơn Đông, miền Đông Trung Quốc, dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào tháng 5.
Căn cứ tên lửa mới của Trung Quốc được thiết kế đặc biệt để hỗ trợ các vụ phóng tên lửa trên biển và có khả năng lắp ráp và thử nghiệm ít nhất 10 tên lửa mỗi năm.
Li Shaoning, phó kỹ sư trưởng của nhà phát triển dự án – nhà sản xuất tên lửa China Rocket Co – nói với Thời báo Hoàn cầu vào thứ Ba rằng, công suất của căn cứ này sẽ tăng lên 20 tên lửa mỗi năm vào tháng 10 năm 2022.
Ông Li, còn tiết lộ rằng căn cứ sẽ đặc biệt phục vụ các nhiệm vụ phóng loạt tên lửa Smart Dragon trên biển.
Theo Li, Smart Dragon-1, có thể đưa trọng tải 200kg vào quỹ đạo đồng bộ Mặt trời dài 500km với chi phí phóng là 20.000 USD / kg. Phương tiện phóng nhiên liệu Smart Dragon-3 với khả năng phóng 20 vệ tinh trong một lần, đã được phê duyệt dự án và dự kiến sẽ thực hiện chuyến bay đầu tiên vào năm 2022,
Nhờ vị trí độc đáo, khí hậu và cơ sở công nghiệp – ngoài các bến cảng hiện có và các cơ sở nghiên cứu vũ trụ và kỹ thuật hàng hải địa phương – căn cứ tên lửa này đã trở thành trung tâm phóng vũ trụ duy nhất của Trung Quốc đáp ứng cả điều kiện chế tạo và phóng tên lửa.
Tên lửa được tung ra từ cơ sở sản xuất có thể trực tiếp thực hiện các vụ phóng, tích hợp các quy trình sản xuất, chế tạo và phóng tại một điểm.
Trung Quốc lại khẳng định chủ quyền với Hoàng Sa
Chính quyền Trung Quốc ngày 27/4 đưa ra tuyên bố rằng lặp lại lần nữa về chủ quyền ở vùng Biển Tây Philippines (cách Philippines gọi Biển Đông), đồng thời yêu cầu Philippines phải “tôn trọng” chủ quyền của Trung Quốc đối với khu vực này, theo Globalnation.
Phát ngôn trên của phía Trung Quốc được đưa ra trong bối cảnh Philippines tăng cường hiện diện, tuần tra ở khu vực Biển Đông.
Tại một cuộc họp báo hôm thứ Hai, Uông Văn Bân, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, tuyên bố Philippines nên “dừng các hành động làm phức tạp tình hình và leo thang tranh chấp” và nhấn mạnh rằng “Trung Quốc có chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và các vùng biển lân cận của họ, đồng thời thực thi quyền tài phán ở các vùng biển liên quan”.
Uông Văn Bân nói thêm: “Chúng tôi kêu gọi các bên liên quan tôn trọng chủ quyền cũng như các quyền và lợi ích của Trung Quốc.
Về phía Philippines, Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippines (PCG) hôm Chủ nhật (25/4) thông báo rằng họ đã tiến hành các cuộc tập trận ở Biển Đông kể từ tuần trước như một phần trong nỗ lực bảo đảm “quyền tài phán trên biển”.
Philippines đang nỗ lực củng cố sự hiện diện của mình trong vùng đặc quyền kinh tế khi Trung Quốc cho hàng trăm tàu dân quân đậu tại bãi Đá Ba Đầu, bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, vào tháng trước. Các tàu Trung Quốc đã giải tán sau khi Philippines đệ trình một loạt các phản đối ngoại giao nhưng vẫn nằm rải rác xung quanh vùng biển của Philippines.
Phán quyết của trọng tài quốc tế năm 2016 tuyên bố yêu sách đường chín đoạn hoang đường của Trung Quốc đối với hầu hết Biển Đông, bao gồm cả vùng biển của Philippines, là vô hiệu và vô căn cứ. Theo phán quyết, Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền của Philippines và quyền của người dân Philippines trong việc đánh bắt và thăm dò tài nguyên ở Biển Đông. Bắc Kinh coi phán quyết này là rác rưởi và không công nhận nó.
Chuyên gia Mỹ: Trung Quốc đang ‘bẻ cong’ luật quốc tế trên Biển Đông
Các cuộc tập trận gần đây của Trung Quốc trên Biển Đông và phản ứng của Mỹ cho thấy khu vực này sẽ không thể bình lặng trong một sớm một chiều, theo Globalnation.
Không chỉ các động thái trên thực địa, mà cả sự cạnh tranh trong các vấn đề pháp lý về Biển Đông cũng đang nóng hổi. Năm ngoái, cả Mỹ và Australia đều chính thức tuyên bố các yêu sách của Bắc Kinh trên Biển Đông là phi pháp. Điều này khiến Bắc Kinh phản ứng mạnh mẽ.
Trong một bài viết được đăng tải trên trang The Maritime Executive, chuyên gia Oriana Skylar Mastro tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Freeman Spogli thuộc Đại học Stanford (Mỹ) cho rằng, dù vi phạm trắng trợn luật quốc tế, nhưng Trung Quốc vẫn cố tạo ra vỏ bọc hợp pháp cho các hành vi của mình.
Vỏ bọc này tinh vi ở chỗ, những tuyên bố chủ quyền đơn phương của Trung Quốc mang tính “sâu rộng” và dàn trải. Năm 2009, Đới Bỉnh Quốc, khi đó còn là quan chức ngoại giao cấp cao, lần đầu tiên gọi Biển Đông là “lợi ích cốt lõi”, thuật ngữ thường được dùng cho các vùng lãnh thổ mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền. Dù không nêu mức độ cụ thể, nhưng Trung Quốc đã ngang nhiên sử dụng “đường 9 đoạn” như một công cụ để phân định các yêu sách đơn phương của mình.
Bề ngoài, Trung Quốc dường như đang dựa vào các lập luận “mang tính lịch sử” để củng cố những yêu sách phi pháp của họ trên Biển Đông. Tuy nhiên, nhiều học giả đã liệt kê tỉ mỉ sự đáng ngờ của các lập luận trên. Khái niệm “yêu sách lịch sử” của Trung Quốc không có cơ sở rõ ràng dựa trên Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Song, theo phân tích của bà Oriana Mastro, việc Trung Quốc lạm dụng và áp dụng sai luật quốc tế đối với Biển Đông còn phức tạp hơn thế, và được chia thành nhiều cấp độ tuần tự.
Thứ nhất, Trung Quốc tuyên bố họ có các quyền giống như các nước được hình thành bởi các quần đảo. Một trong những lợi ích của quy chế dành cho các quốc gia này là vùng nước giữa các đảo thuộc nước nào được xem như vùng nội thủy của nước đó. Tàu thuyền của quốc gia khác sẽ không có quyền đi qua các vùng biển này nếu không được nước sở tại cho phép.
Quy chế về quốc gia quần đảo này mới chỉ được Liên Hợp Quốc thông qua và áp dụng cho 22 nước, và không có tên Trung Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn tự ý vẽ ra đường cơ sở quanh quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, và ngang ngược tuyên bố vùng biển giữa quần đảo là vùng nội thủy của họ. Những động thái tương tự cũng được Trung Quốc ngấm ngầm áp dụng trái phép tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Trung Quốc tự ý tuyên bố chủ quyền đối với vùng 12 hải lý tính từ đường cơ sở tại quần đảo Hoàng Sa, và tự ý cho rằng nước này có toàn quyền ban hành, áp dụng và thực thi luật của mình trong các vùng họ tuyên bố chủ quyền, mà không bị nước ngoài can thiệp. Song theo UNCLOS, tất cả các tàu biển, từ dân sự đến quân sự, đều được hưởng quyền đi lại tự do qua vùng lãnh hải của các quốc gia khác. Hơn nữa, những khu vực được xem như “vùng tiếp giáp” vẫn được tính là một phần của vùng biển quốc tế, và các quốc gia không có quyền hạn chế hoặc thực hiện bất kỳ quyền kiểm soát tự do hàng hải nào vì mục đích an ninh.
Cuối cùng, Trung Quốc tự ý tuyên bố 200 hải lý tính từ phần cuối lãnh hải của nước này là vùng đặc quyền kinh tế (EEZ), nơi họ có quyền thực hiện các hoạt động quân sự. Mỹ đã lên tiếng khẳng định tự do hàng hải của các tàu thuyền trên biển là một thực tiễn được thiết lập và chấp nhận trên toàn cầu, được ghi trong luật quốc tế. Nói cách khác, các quốc gia không có quyền hạn chế hoặc thực hiện bất kỳ sự kiểm soát tự do hàng hải nào vì mục đích an ninh trong các vùng EEZ. Quan điểm của Mỹ được Australia và một số nước đồng minh ủng hộ.
Theo bà Oriana Mastro, chỉ tính riêng 3 vị trí trong vùng nội thủy, lãnh hải và EEZ, Trung Quốc đã tuyên bố trái phép chủ quyền với khoảng 80% diện tích trên Biển Đông. Không những thế, họ còn củng cố tuyên bố chủ quyền phi pháp của mình khi sử dụng “đường 9 đoạn” cùng những tuyên bố về “vùng nước lịch sử”, một quan điểm không có cơ sở trong luật quốc tế.
Ý kiến: Thế giới không thể làm ngơ trước hành động gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông
Tiếp theo mời bạn đọc tìm hiểu bài phân tích của Đô đốc James Stavridis, ông là Tư lệnh Đồng minh Tối cao thứ 16 của NATO và là Hiệu trưởng thứ 12 của Trường Luật và Ngoại giao Fletcher tại Đại học Tufts. Ông đã dành phần lớn sự nghiệp hoạt động của mình ở Thái Bình Dương, bao gồm nhiều nhiệm vụ chỉ huy. Sau đây là lược dịch bài viết của ông trên Nikkei.
Trung Quốc đã sử dụng lực lượng hải quân của mình để gây sức ép với các quốc gia ven biển, đặc biệt là Việt Nam và Philippines. Cách đây một tháng, Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam, một hành động bị cộng đồng quốc tế lên án.
Trung Quốc tăng cường đẩy tàu chiến Mỹ, dùng tín hiệu gây hấn; chiếu sáng các tàu Mỹ.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ vùng biển, từ đường bờ biển đến “đường chín đoạn” mà họ đã vẽ trên bản đồ, là lãnh hải. Điều này có ý nghĩa quốc tế to lớn vì dầu mỏ, khí đốt tự nhiên và thương mại trong khu vực. Nó đã kiên định duy trì các tuyên bố của mình mặc dù đã thua trọng tài tại tòa án quốc tế và đối mặt với sự phản đối từ các quốc gia ven biển – đặc biệt là Việt Nam và Philippines.
Mỹ đã tiến hành một chiến dịch tuần tra “tự do hàng hải” để thách thức sự giả định chủ quyền của Trung Quốc và việc họ xây dựng các đảo nhân tạo trên khắp vùng biển tranh chấp. Tuy nhiên, Trung Quốc đang tích cực mở rộng hạm đội tàu chiến vượt đại dương, gia tăng kho tên lửa hành trình siêu thanh “sát thủ tàu sân bay” và cải tiến công nghệ dưới đáy biển. Tất cả những điều này giúp họ tự tin hơn trong việc đáp trả các cuộc tuần tra của Mỹ.
Chiến lược này cũng ngày càng trở nên quyết liệt hơn vì những lo ngại về chính trị nội bộ của Trung Quốc. Khi Tập Cận Bình cố gắng củng cố quyền lực của mình, ông ấy cần phải giữ cho sự ủng hộ của tầng lớp trung lưu ngày càng tăng, nhưng nền kinh tế phát triển chậm lại có nghĩa là cần phải có một “tiếng kêu tập hợp” khác. Điều đó có thể thể hiện bằng một giọng điệu dân tộc hơn về Biển Đông.
Đối với phần còn lại của thế giới, sự lựa chọn rất khó khăn. Không ai muốn rơi vào một cuộc Chiến tranh Lạnh toàn diện, hay thực sự là một cuộc chiến nổ súng, với Trung Quốc. Nhưng tránh điều này trong khi chống lại các yêu sách sâu rộng của Trung Quốc ở Biển Đông sẽ đòi hỏi sức ép kinh tế và ngoại giao cũng như sức răn đe quân sự được điều chỉnh.
Điều đó có nghĩa là Mỹ nên tìm cách điều chỉnh sự lên án ngoại giao của tất cả các quốc gia ở Biển Đông cộng với Nhật Bản, Ấn Độ và Australia.
Về mặt quân sự, không chỉ Mỹ mà các đồng minh khác sẽ phải thực hiện nhiều cuộc tuần tra tự do hàng hải hơn – chẳng hạn như các quốc gia hàng đầu của NATO như Anh và Pháp.
Một phần khác của chiến lược phải bao gồm các thành phần kinh tế của cả các biện pháp kích động và trừng phạt nếu hành vi nguy hiểm vẫn tiếp diễn. Cuối cùng, một phần của cuộc đối đầu này sẽ xảy ra trong thế giới mạng, và ở đây, các biện pháp phòng thủ mạnh mẽ sẽ là cần thiết vì Trung Quốc có thể sẽ sử dụng nơi đó để thể hiện sự bất mãn của họ một cách mạnh mẽ nhất.
Tôn Tử là một người ủng hộ mạnh mẽ cho chiến thắng kiên nhẫn, nhưng ông cũng nói rằng “cơ hội nhân lên khi chúng được nắm bắt.” Bắc Kinh dường như cũng đang làm điều đó ở Biển Đông
DKN