
NTD đưa tin, số phận 82 tỷ USD của các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào trái phiếu USD, do các công ty “sân sau” của chính quyền TQ phát hành, đang rất chênh vênh.
Các nhà đầu tư nước ngoài của Tập đoàn Sáng lập Đại học Bắc Kinh, tập đoàn được nhà nước hậu thuẫn và có mối quan hệ mật thiết với cựu Tổng bí thư Giang Trạch Dân, đang chờ kết quả tái cấu trúc theo lệnh của tòa án Trung Quốc, dự kiến công bố vào cuối tháng 4 năm 2021.
Kết quả tái cấu trúc bí mật của Tập đoàn này được xem như dấu hiệu của Bắc Kinh, về việc liệu nó có thanh toán khoản 82 tỷ USD trái phiếu do các công ty nhà nước Trung Quốc phát hành cho các nhà đầu tư nước ngoài không. Rất có thể, Bắc Kinh sẽ cho phép các doanh nghiệp nhà nước phá sản, và không chi ra một xu nào giúp các doanh nghiệp này trả nợ cho các chủ nợ nước ngoài của họ.
Rủi ro pháp lý khi đầu tư vào Trung Quốc luôn rất lớn. Vì thực thi thỏa thuận bảo trợ còn phụ thuộc vào quan điểm của nội các Đảng Cộng sản Trung quốc, vốn biến động khác nhau tại mỗi giai đoạn khác nhau. Thực tế, các cam kết bảo trợ của các công ty mẹ tại Bắc Kinh cho các khoản trái phiếu USD mà công ty con của họ ở nước ngoài phát hành là không có giá trị pháp lý. Theo đánh giá của Fitch Ratings, nó đơn giản là một bức thư với các lời lẽ mạnh mẽ và không tạo ra bất kỳ nghĩa vụ pháp lý nào giữa công ty mẹ trong nước với các công ty con ở nước ngoài.
Công cuộc đả hổ diệt ruồi của ông Tập Cận Bình thực chất là, chặt gốc rễ kinh tế – tài chính – quyền lực quân sự – chính trị của gia tộc họ Giang tại Trung Quốc. Vì thế, số phận của Tập đoàn Sáng lập Đại học Bắc Kinh (PUFG), một tập đoàn kinh tế có mối quan hệ mật thiết với ông Giang Trạch Dân, là rất khó đoán. Dù vậy, số phận của nó lại cũng tiết lộ ý định của Bắc Kinh với tất cả các nhà đầu tư nước ngoài, vốn đang nắm giữ trái phiếu USD của các tập đoàn Trung Quốc, với con số lên tới 82 tỷ USD.
Tập đoàn PUFG thành lập từ những năm 1980, sản xuất kinh doanh phần cứng máy tính do ông Vương, một nhà khoa học máy tính hàng đầu điều hành. Ông Vương cũng có quan hệ mật thiết với gia đình Giang Trạch Dân. Tuy nhiên, tập đoàn này đã gặp phải vấn đề nợ nần nghiêm trọng, sau khi mở rộng sang lĩnh vực công nghệ, chăm sóc sức khỏe, tài sản và tài chính. Theo cơ quan xếp hạng S&P, tập đoàn PUFG mất khả năng trả số nợ do họ phát hành khoảng 1,6 tỷ USD. Theo Financial Times, tập đoàn này còn bị vỡ nợ 36,5 tỷ NDT (tương đương 5,6 tỷ USD) trái phiếu trong nước.
Các tập đoàn nhà nước, doanh nghiệp do nhà nước hậu thuẫn của Trung Quốc không bao giờ minh bạch thông tin. Các nhà đầu tư nước ngoài và trong nước bỏ tiền vào cho họ, chủ yếu vì lợi tức cao và niềm tin vào quy luật ngầm rằng, Bắc Kinh sẽ không để cho các doanh nghiệp nhà nước phá sản. Các doanh nghiệp mất khả năng trả nợ của Bắc Kinh đều lấy lý do đang được “tái cấu trúc”, để lờ đi các câu hỏi của nhà đầu tư, hoặc không đáp ứng nghĩa vụ minh bạch thông tin định kỳ. Trường hợp “tái cấu trúc bí mật” gần đây nhất là China Huarong, công ty xử lý nợ xấu nhà nước lớn nhất Trung Quốc. Số phận các nhà đầu tư trái phiếu Trung Quốc nước ngoài, trong nước của các tổ chức như vậy, hoàn toàn chờ đợi vào việc Bắc Kinh có nhẹ tay hay không.
Dự kiến kết quả tái cấu trúc tập đoàn PUFG sẽ được công bố vào cuối tháng 4. Financial Times đưa tin, các nhà đầu tư vào trái phiếu USD của tập đoàn này đã đề xuất ít nhất hai vụ kiện pháp lý ở Hong Kong, vì lo ngại tòa án Bắc Kinh sẽ không công nhận những khoản nợ này.
Các nhà đầu tư “cảm thấy không an toàn và nghi ngờ” về việc, liệu họ có thu hồi được tiền của mình trong trường hợp tái cấu trúc hay không. Một nguồn tin quen thuộc với quá trình tố tụng của Bắc Kinh cho biết: “Công ty mẹ Trung Quốc thực sự đã lấy phần lớn số tiền nợ do các công ty con phát hành, để sử dụng cho riêng mình”.
DKN