
Thêm 30 ca COVID-19
VnExpress – Bộ Y tế chiều 11/5 ghi nhận 30 ca dương tính COVID-19, trong đó 27 ca trong nước và 3 ca nhập cảnh được cách ly ngay.
27 ca mới ghi nhận trong nước tại Bắc Ninh (20), Bắc Giang (2), Hà Nội (2), Thái Bình (2), Thừa Thiên Huế (1) đều là ca mới được phát hiện trong khu cách ly, khu vực được phong tỏa, khu vực thực hiện giãn cách. Không phát hiện các ổ dịch mới.
Tại Bắc Giang: Ca 3508, nữ, 20 tuổi, địa chỉ tại huyện Việt Yên, là F1 liên quan đến ổ dịch cũ, đã được cách ly.
Ca 3510, nữ, 27 tuổi, địa chỉ tại huyện Lạng Giang, là F1 liên quan đến ổ dịch cũ, đã được cách ly.
Kết quả xét nghiệm ngày 11/5 dương tính với nCoV, các bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện dã chiến Bắc Giang.
Tại Hà Nội: Ca 3509, nữ, 47 tuổi, địa chỉ tại huyện Đông Anh, là F1 liên quan đến ổ dịch cũ, đã được cách ly, kết quả xét nghiệm ngày 11/5 dương tính với nCoV.
Ca 3511, nam, 61 tuổi, địa chỉ tại thị xã Kim Bảng, tỉnh Hà Nam; là F1 liên quan đến ổ dịch cũ, đã được cách ly. Kết quả xét nghiệm ngày 11/5 dương tính với nCoV. Các bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2.
Tại Bắc Ninh: Ca 3512-3517, 3521-3534 là các F1 liên quan đến ổ dịch cũ, đã được cách ly. Kết quả xét nghiệm ngày 11/5 dương tính với nCoV, các bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh.
Tại Thừa Thiên Huế: Ca 3535, nam, 52 tuổi, địa chỉ tại huyện Phú Lộc, có liên quan dịch tễ với ca 3268, đã được cách ly tập trung từ trước. Kết quả xét nghiệm ngày 11/5 dương tính với nCoV, bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2.
Tại Thái Bình: Ca 3536, nam, 50 tuổi, địa chỉ tại huyện Đông Hưng, là F1 của ca 3042, ca 3044.
Ca 3536, nam, 73 tuổi, địa chỉ tại huyện Tiền Hải, là F1 của ca 3042, 3044. Các bệnh nhân trên đã được cách ly tập trung từ trước, kết quả xét nghiệm ngày 11/5 dương tính với nCoV, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình.
Bắc Ninh có 120 ca COVID-19, dịch nguy cơ lan rộng
Tuoitre – Đến trưa 11/5, toàn tỉnh Bắc Ninh có thêm 18 ca mắc mới đều ở huyện Thuận Thành. Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 tỉnh Bắc Ninh nhận định, ổ dịch ở Thuận Thành có khả năng lan rộng.
Các trường hợp mắc mới đều liên quan đến ổ dịch ở xã Mão Điền và có nguồn lây từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2 (Đông Anh, Hà Nội).
Như vậy, toàn tỉnh hiện có 120 ca mắc COVID-19. Riêng ổ dịch ở huyện Thuận Thành đã có 108 ca mắc.
Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 tỉnh Bắc Ninh nhận định, ổ dịch ở huyện Thuận Thành có khả năng lan rộng trong thời gian tới.
Đến nay, ngành y tế đã lấy mẫu xét nghiệm diện rộng cho người dân ở huyện Thuận Thành 13.968 mẫu, riêng xã Mão Điền 10.697 mẫu, và thiết lập cách ly toàn bộ huyện Thuận Thành.
UBND tỉnh Bắc Ninh cũng quyết định về việc, triển khai 2 bệnh viện dã chiến cấp II, mỗi bệnh viện quy mô 300 giường bệnh. Bệnh viện dã chiến số 1 tại Trung tâm Y tế huyện Tiên Du, và Bệnh viện dã chiến số 2 tại Trung tâm Y tế huyện Gia Bình, để tiếp nhận điều trị, cách ly bệnh nhân COVID-19.
Hai bệnh viện dã chiến đã tiếp nhận cách ly, điều trị các bệnh nhân mắc COVID-19 nhẹ được chuyển về từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh, trong đó Bệnh viện dã chiến số 1 điều trị 24 bệnh nhân, Bệnh viện số 2 tiếp nhận 6 bệnh nhân và 65 trường hợp F1 có triệu chứng.
Dịch bệnh phức tạp, nhiều người vẫn đổ xô ra bãi giữa sông Hồng ‘giải nhiệt’
Tienphong – Do Hà Nội những ngày qua đón cái nóng cháy người lên đến 40 độ C và hầu hết các hồ bơi đều đóng cửa phòng dịch, nên nhiều người đã đổ xô ra bãi tắm giữa sông Hồng để giải nhiệt mùa hè, bất chấp cảnh báo từ các cơ quan chức năng.
Do không có cơ quan chức năng quản lý và không mất tiền vé nên người dân đổ xuống các bãi tắm sông Hồng ngày một đông.
Không chỉ các thanh niên, người lớn mà các em nhỏ cũng theo chân bố mẹ, ông bà ra đây tập bơi. Việc bơi lội ở sông luôn ẩn chứa nhiều hiểm nguy bởi hiện tượng thụt hố cát xảy ra rất thường xuyên tại sông Hồng.
Theo quan sát, quanh khu vực này hoàn toàn không bán đồ bảo hộ như những bãi tắm tự phát khác. Nhiều người cũng chỉ mang theo một số can nhựa để làm phao bơi. Thậm chí có nhiều trẻ nhỏ cũng không hề có đồ bảo hộ cần thiết.
Các cơ quan chức năng đã có những khuyến cáo, cảnh báo người dân phải bảo đảm các điều kiện an toàn khi ra những nơi này tắm nhưng dường như vẫn ít ai để ý.
Một phụ nữ nghi nhiễm COVID-19 làm căn cước công dân, cách ly 20 cán bộ công an
Tuoitre – Chiều 11/5, ông Mai Văn Mười – giám đốc Sở Y tế Quảng Nam cho biết, đã nhận thông tin của Trung tâm kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng về ca nghi nhiễm COVID-19 ở Đà Nẵng sáng 11/5 nên đã truy vết, khoanh vùng và lấy mẫu xét nghiệm.
Trường hợp nghi nhiễm COVID-19 là nữ, tên V. T. T. (trú xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, Quảng Nam), đang làm việc tại Đà Nẵng. Ông Mười cho biết, hiện ngành y tế đang xét nghiệm khẳng định lại.
Qua truy vết, số lượng tiếp xúc gần (F1) gồm 22 trường hợp, trong đó có đứa con của chị T. và 20 cán bộ công an làm nhiệm vụ ở điểm cấp căn cước công dân tại xã Bình Minh (chị T. đã đến làm căn cước công dân ở xã này trước đó).
Hiện ngành y tế Quảng Nam đã cách ly, lấy mẫu xét nghiệm 22 trường hợp này, đang đợi kết quả xét nghiệm. Ngoài ra theo ông Mười, đáng chú ý có 120 trường hợp F2 tại xã Bình Minh là học sinh lớp 9, đa số là đi thi học kỳ của khối 9, chung phòng thi với con của chị T.
4 thanh tra giao thông nhận hối lộ hơn 300 triệu
VnExpress – Ngày 11/5, TAND Hà Nội mở phiên xét xử vụ án đưa và nhận hối lộ liên quan 4 cựu cán bộ thanh tra giao thông bị truy tố nhận hơn 300 triệu đồng và một chai rượu, để bỏ qua vi phạm cho xe tải có logo của nhóm môi giới.
Bị cáo Trần Sỹ Cương, 37 tuổi, cựu cán bộ đội thanh tra cơ động thuộc Thanh tra sở GTVT Hà Nội, là người bị VKS xác định nhận nhiều tiền hối lộ nhất, 136 triệu đồng.
Trả lời HĐXX trong phần xét xét hỏi, bị cáo Cương thừa nhận cáo buộc nhận số tiền trên, song khai “không có quyền quyết định xử phạt thế nào vì chỉ là lái xe của đội thhanh tra”.
Bị cáo khai, được tuyển dụng vào đội thanh tra cơ động từ năm 2009, ban đầu chỉ làm bảo vệ cơ quan, sau đó được phân công làm lái xe, chở đội cán bộ thanh tra đi làm nhiệm vụ phát hiện và xử lý vi phạm. Cường khai khi đi làm mặc sắc phục của ngành, có phù hiệu và biển tên, song “chỉ giúp việc, không có thẩm quyền xử phạt hay bỏ qua vi phạm”.
Chủ toạ chất vấn “Bị cáo khai không làm gì, tại sao được hưởng tới 136 triệu đồng?”. Cường nói, khi phương tiện của nhóm môi giới bị bắt giữ, xử lý, người của nhóm môi giới sẽ gọi điện cho Cường để Cường “tác động, nhờ giúp”.
Bị cáo khai bắt đầu nhận tiền hằng tháng của nhóm môi giới từ 2015, song do đã lâu, không nhớ cụ thể số lần, “khoảng hơn 10 lần”. Toàn bộ số tiền, Cương khai sử dụng cá nhận hết, không bàn bạc hay chia cho ai, các thành viên khác của Tổ thanh tra không biết sự việc này.
Trong khi đó, Lê Bá Dũng, 46 tuổi, cựu thanh tra giao thông quận Hoàng Mai, người bị VKS cáo buộc nhận 96 triệu đồng nói “chỉ nhận tiền thuốc nước, không liên quan đến việc bảo kê xe vi phạm”.
Theo lời khai của Dũng, bị cáo quen Vinh, giám đốc công ty thương mại và vận tải Tiến Vinh do công ty này thuộc địa bàn quản lý của mình. Năm 2016, Vinh tìm gặp Dũng nhờ “tạo điều kiện” cho đội xe của công ty để việc vận tải của công ty được thuận lợi.
“Bị cáo nói mình chỉ là nhân viên hỗ trợ, không giúp gì được, nhưng Vinh nói cứ nhận vì đây chỉ là tiền để mua quà thuốc nước cho anh em”, Dũng khai. Toàn bộ các lần nhận tiền, khoảng 12 lần, hai bên đều trao đổi tiền mặt, hẹn gặp ở các quán cà phê gần trụ sở cơ quan Dũng.
Trong vụ án, ngoài Dũng và Sỹ Cường, hai cựu thanh tra giao thông còn lại cùng bị VKS truy tố về tội Nhận hối lộ, theo khoản 2, điều 354, Bộ luật Hình sự, Nguyễn Quốc Cương, 47 tuổi và Hoàng Văn Lân, 58 tuổi.
Ba bị cáo bị truy tố về tội Đưa hối lộ, theo khoản 4, điều 364, Bộ luật Hình sự gồm: Nguyễn Ánh Hào, 40 tuổi; Phạm Văn Vinh, 28 tuổi và Lê Văn Cường, 39 tuổi, cựu cán bộ Chi cục Quản lý đường bộ I.6 thuộc Cục Quản lý đường bộ I – Tổng cục Đường bộ Việt Nam.
Cáo trạng xác định, giữa năm 2016, Vinh, Tổng giám đốc công ty Cổ phần đầu tư thương mại và vận tải Tuấn Vinh, cùng Cường, Hào bàn nhau tìm kiếm, mời các chủ ôtô tải thường chở hàng quá tải trọng đóng tiền bảo kê để không bị kiểm tra, được bỏ qua lỗi vi phạm, hoặc xử phạt nhẹ.
Các xe sẽ dán logo của Tuấn Vinh và hằng tháng, Vinh sẽ dùng tiền đi “quan hệ” với các cán bộ giao thông vận tải. Từ tháng 6/2016 đến 10/2018, nhóm bị can đã thu hơn 6,2 tỷ đồng của các tài xế xe tải để đưa hối lộ và hưởng lợi riêng.
VKS xác định, Hào hưởng lợi 250 triệu đồng, Cường 180 triệu đồng và Vinh 140 triệu đồng.
Bốn cựu thanh tra giao thông nhận hối lộ hơn 300 triệu đồng, trong đó Dũng 96 triệu đồng; Quốc Cương 63 triệu đồng; Sỹ Cương 136 triệu đồng; còn Hoàng Văn Lân nhận 11 triệu đồng cùng một chai rượu. Ngày mai, phiên toà tiếp tục làm việc.
Việt Nam trao tặng 100 máy thở cho Ấn Độ
Baotintuc – Ngày 11/5, tại Hà Nội, đại diện Hội Hữu nghị Việt – Ấn đã trao tặng 100 máy thở (trị giá 10 tỷ đồng) cho Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Ấn Độ tại Việt Nam Pranay Verma, nhằm chia sẻ và hỗ trợ nhân dân nước bạn đang chống chọi với đại dịch viêm phổi Vũ Hán.
Đại sứ Pranay Verma cho biết, nghĩa cử cao đẹp của Việt Nam, Hội Hữu nghị Việt – Ấn là sự quan tâm, chia sẻ rất kịp thời, thể hiện quan hệ hợp tác hữu nghị, truyền thống tốt đẹp giữa Việt Nam và Ấn Độ trong cuộc chiến chống dịch bệnh. Ấn Độ sẽ trân trọng và sử dụng hiệu quả số máy thở mà Việt Nam hỗ trợ trong công tác phòng chống dịch.
100 máy thở sẽ được khẩn trương chuyển tới tận tay Hội chữ thập đỏ Ấn Độ theo đường hàng không để kịp thời hỗ trợ người dân Ấn Độ trong thời gian sớm nhất.
Bắc Giang yêu cầu điều tra việc lây lan COVID-19 trong công nhân
Vnexpress – Ngày 11/5, UB tỉnh Bắc Giang cho biết, đang điều tra nhằm xác định trách nhiệm, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân để Covid-19 lây lan từ Công ty TNHH MTV Shin Young, Công ty TNHH MTV SJ Tech trong khu công nghiệp Vân Trung, Việt Yên ra cộng đồng.
Cụm dịch tại Khu công nghiệp Vân Trung bùng phát ngày 8/5 tại Công ty TNHH MTV Shin Young, khi nhà chức trách ghi nhận một công nhân (nhà ở Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn) dương tính với SARS-CoV-2.
Sáng ngày 11/5, tại cụm dịch này, Bộ Y Tế công bố có thêm 5 công nhân mắc Covid-19, nâng tổng số ca nhiễm trên toàn tỉnh là 52. Lực lượng chức năng tỉnh Bắc Giang đã rà soát được 1.607 trường hợp là F1, và 2.932 trường hợp F2.
Lấp ló gian lận thi trực tuyến: Trả gia sư 300 – 500 nghìn đồng/môn
Dantri – Do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc học và thi của học sinh ở một số địa phương chuyển sang trực tuyến. Tuy nhiên, thi trực tuyến đã nảy sinh nhiều vấn đề, trong đó “lấp ló” sự gian lận.
Anh Quốc Cường (Quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay: “Khi biết tin các con sẽ được thi kết thúc học kỳ theo hình thức thi trực tuyến, tôi đã rất vui mừng. Bởi khi số ca nhiễm trên địa bàn ngày càng tăng, thì vấn đề an toàn đảm bảo sức khỏe của các con vẫn là yếu tố quan trọng hàng đầu.
Đối lập với tâm lý của các phụ huynh trên, anh T. (Quận Tây Hồ, Hà Nội) lại đang loay hoay không biết phải xử lý sao, khi có thông báo thi trực tuyến từ nhà trường.
Cách “cấp cứu” mà anh T. chọn là thuê gia sư đang dạy cho con trai học lớp 4 để có thể ngồi cạnh chỉ bài cho con khi thi. Vì học lực của con chỉ ở mức trung bình, nên điều anh T. sợ nhất khi thi trực tuyến, con lại càng luống cuống và thua thiệt hơn các bạn.
Mỗi môn thi anh T. lại trả cho gia sư số tiền 300 nghìn đồng, gấp đôi so với một buổi học 2 tiếng bình thường.
Với tâm lý lo ngại, các phụ huynh khác cũng sẽ giúp con để đạt được điểm cao nhất có thể. Có con đang học lớp 8, chị Q. (Cầu Giấy, Hà Nội) đang thấp thỏm lo lắng khi biết tin con phải thi trực tuyến. Chị Q. đã chọn cách sẽ ngồi cạnh con khi môn thi đó bắt đầu, để có thể giúp con đạt điểm cao nhất.
Nhiều sinh viên đang làm gia sư tại Hà Nội cho hay, khi nảy sinh thi trực tuyến, thì mức giá chung mà nhiều phụ huynh bậc tiểu học trả cho gia sư hỗ trợ cho con làm bài thi là 300 nghìn đồng/môn thi. Với học sinh lớp 7, lớp 8, phụ huynh trả 500 nghìn đồng/môn thi, nhưng với điều kiện phải đạt điểm cao.
Bạn N.V.H sinh viên năm 2 của một Học viện ở Hà Nội, hiện đang là gia sư cho học sinh lớp 4, lớp 7, lớp 8 cho biết: “Có phụ huynh trả em 500.000 đồng trong buổi con thi môn Ngữ Văn, và yêu cầu phải đạt 8 điểm trở lên”.
DKN NEWS.