62.4 F
San Jose
Tuesday, September 26, 2023
printing-new3-728-1
Vidan_Radio_728
previous arrow
next arrow

Tin trong nước tối 24/5: Kỷ lục, Bắc Giang vượt 1.000 ca; Bệnh nhân COVID-19 thứ 44 tử vong

blank
Ảnh tổng hợp.

Kỷ lục, Bắc Giang vượt 1.000 ca

VnExpress – Bộ Y tế tối 24/5 ghi nhận 96 ca dương tính COVID-19, trong đó 95 ca trong nước tại Bắc Giang 44, Bắc Ninh 31, Hà Nội 13, Lạng Sơn 6, TP.HCM một và một ca nhập cảnh được cách ly ngay.Trong ngày 24/5, Việt Nam ghi nhận thêm 187 ca mắc mới. Trong đó, 184 ca ghi nhận trong nước và 3 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh. 73 người được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số khỏi từ đầu dịch lên 2.794. Hai người tử vong nâng tổng số tử vong lên 44.

Tổng số ca nhiễm cộng đồng từ ngày 27/4 đến nay lên 2.349, ghi nhận ở 30 tỉnh thành. Số ca nhiễm mới tối nay nâng tổng số ca tại Bắc Giang lên 1.024, Bắc Ninh 505, địa bàn Hà Nội 304 ca (trong đó Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương 89 ca, 48 ca ở Bệnh viện K), Lạng Sơn 37, TP HCM 7.

Sau 28 ngày, tổng số ca nhiễm của đợt dịch từ ngày 27/4 đến nay cao gấp 2,85 lần so với tổng số ca nhiễm của đợt dịch từ ngày 28/1 (liên quan Hải Dương, Quảng Ninh).

96 ca mắc mới tối nay được ghi nhận từ số 5309-5404, cụ thể:

Hà Nội; Ca 5309-5314, 5316, 5319, 5321, 5323, 5325-5327 gồm 12 ca là F1 và một ca trong khu phong tỏa. Kết quả xét nghiệm ngày 23-24/5 dương tính với COVID-19.

Lạng Sơn; Ca 5315, 5317-5318, 5320, 5322, 5324 gồm một ca là F1 của ca 3903, 3 ca là công nhân Khu công nghiệp Quang Châu, 2 ca liên quan đến ổ dịch cũ, đã được cách ly. Kết quả xét nghiệm ngày 23-24/5 dương tính với COVID-19.

TP.HCM; Ca 5329 nam, 2 tuổi, địa chỉ tại quận Tân Bình, là F1 của ca 4780, đã được cách ly. Kết quả xét nghiệm ngày 23/5 dương tính với nCoV. Hiện đang được cách ly điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM.

Bắc Ninh; Ca 5330-5360 gồm 27 ca là F1, 3 ca trong khu phong tỏa, một ca đang điều tra dịch tễ. Kết quả xét nghiệm ngày 23-24/5 dương tính COVID-19,

Bắc Giang; Ca 5361-5404 là 44 ca trong khu vực phong tỏa, có liên quan đến ổ dịch Khu công nghiệp Quang Châu. Kết quả xét nghiệm dương tính COVID-19.

Ca 5328 được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Hà Nội là nam, 45 tuổi, quốc tịch Trung Quốc. Ngày 24/4, ông từ nước ngoài nhập cảnh Việt Nam và được cách ly ngay. Kết quả xét nghiệm ngày 23/5 dương tính COVID-19.

Bệnh nhân COVID-19 thứ 44 tử vong

VnExpress – Bộ Y tế chiều 24/5 ghi nhận “bệnh nhân 4807” tử vong, chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn trên bệnh nhân viêm phổi do COVID-19.

Theo Tiểu ban điều trị, người này là nữ, 38 tuổi, công nhân khu công nghiệp. Bệnh nhân có triệu chứng sốt, ho, rát họng, mệt mỏi, xét nghiệm kết quả dương tính với nCoV, điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Yên Dũng (Bắc Giang) ngày 17/5.

Sau 5 ngày điều trị, bệnh nhân có dấu hiệu suy hô hấp. Tối 22/5, bệnh nhân được chuyển tới Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang trong tình trạng ho, tức ngực, khó thở, đau rát họng, phổi thông khí giảm hai bên. Chẩn đoán khi vào viện: Viêm phổi do COVID-19 biến chứng suy hô hấp.

Bệnh nhân tử vong lúc 4h30 ngày 24/5. Chẩn đoán tử vong là sốc nhiễm khuẩn trên bệnh nhân viêm phổi do nCoV, biến chứng suy hô hấp tiến triển.

Đây là ca Covid-19 tử vong thứ 44 kể từ đầu dịch đến nay, ca tử vong thứ hai được Bộ Y tế công bố trong ngày và là ca tử vong thứ 9 trong đợt dịch này.

Trước đó, chiều 24/5Chủ tịch tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương cho biết, chị M. là công nhân công ty TNHH Hosiden Việt Nam ở khu công nghiệp Quang Châu, huyện Việt Yên.

Theo báo Tuổi Trẻ, cũng trong chiều 24/5, nhận thông tin con gái vừa qua đời vì COVID-19, bà T. (60 tuổi, mẹ của bệnh nhân 4807 – chị M.) không khỏi xót xa vì không thể gặp được con lần cuối.

Bà chia sẻ chị M. đã ly hôn, một mình nuôi con nhỏ đến năm bé 2 tuổi thì gửi nhờ ông bà ngoại chăm sóc để lặn lội từ Lạng Sơn đến Bắc Giang xin làm công nhân suốt 4 năm qua.

Người mẹ nhớ ngày 8/5 vừa qua, chị thăm nhà còn mua tặng bố mẹ mỗi người một bộ quần áo mới trước khi trở lại Bắc Giang làm việc.

“Trước khi đi con có nói lần này đi không biết lúc nào mới về được vì đang dịch giã. Con mua cho bố mẹ mỗi người một bộ quần áo mặc vì sợ con không về được. Con còn dặn dò con trai chăm chỉ học hành”, bà T. xót xa.

Liên quan đến diễn biến phúc tạp của dịch COVID-19, theo báo VnExpress đưa tin, tuần trước, đánh giá chung về tình hình sức khỏe bệnh nhân trong đợt dịch này, các chuyên gia thuộc Tiểu ban Điều trị của Bộ Y tế cho rằng nhiều bệnh nhân nhiễm biến chủng Ấn Độ, trẻ tuổi và không bệnh lý nền song trở nặng nhanh, diễn tiến nặng dần trở thành nguy kịch.

Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Quản lý Khám chữa bệnh, hội chẩn các bệnh nhân hôm 21/5, cho biết chỉ trong gần một tháng kể từ ngày 27/4, Việt Nam ghi nhận tới 2.000 ca Covid-19, tương đương số lượng bệnh nhân cả năm ngoái cộng lại. Đặc biệt, số lượng bệnh nhân nặng trong đợt dịch này khá cao.

Tiểu ban Điều trị hôm ấy cũng tính đến sáng 22/5, hơn 2.000 bệnh nhân Covid-19 đang điều trị tại 75 cơ sở y tế cả nước. Trong số này, có 50 bệnh nhân tiên lượng rất nặng, 26 bệnh nhân phải thở máy và 4 ca can thiệp ECMO (hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể) gồm 2 ở Hà Nội, một TP.HCM, một ở Bắc Ninh.

Nguồn tin trên cũng cho hay, Bệnh nhân thứ 44 tử vong (chị M.) được công bố chiều nay vốn không nằm trong danh sách bệnh nhân được đánh giá là “rất nặng” và “tiên lượng tử vong”.

Nữ điều dưỡng ở tâm dịch Bắc Giang: Đóng bỉm, quên ăn uống, rất nhớ con

Vietnamnet – Mọi người trong khoa Thận tiết niệu (BV Việt Nam – Thụy Điển) thường gọi chị Nguyễn Thị Hương (điều dưỡng viên của BV Việt Nam – Thụy Điển, Quảng Ninh) là “người chẳng sợ cái gì bao giờ”. Không có đợt chống dịch nào của bệnh viện mà chị vắng mặt.

Trước Tết Nguyên đán, 22h30 nhận lệnh hỗ trợ chống dịch ở thị xã Đông Triều, chị lên đường ngay lập tức mà chẳng kịp mang theo bộ quần áo nào. 15 ngày chống dịch ở Đông Triều là 15 ngày ròng rã chị cùng đồng nghiệp đi bộ hàng chục cây số, gõ cửa từng nhà để lấy mẫu xét nghiệm.

Sau đó, chị lại tiếp tục cùng đồng nghiệp chống dịch tại bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển, với những ca trực liên miên. Và lần này, chị cũng là người đầu tiên khi Quảng Ninh kêu gọi 200 y bác sĩ, đi hỗ trợ chống dịch Covid-19 ở Bắc Giang.

Ngày đầu tiên có mặt tại Bắc Giang, nhóm chị thực hiện lấy 12.000 mẫu xét nghiệm, làm việc xuyên đêm tới 2h sáng. Những ngày tiếp theo, số lượng mẫu xét nghiệm càng tăng lên, chị cùng đồng nghiệp làm việc trong guồng quay không ngơi nghỉ.

Nhưng thời tiết lại chẳng ủng hộ lòng người. Nắng như đổ lửa. Trùm kín trong bộ bảo hộ, mặt đeo khẩu trang, đầu đội mũ, mồ hôi túa ra như mưa. Toàn cơ thể “ướt như chuột lột” từ đầu tới chân.

Chị Hương tâm sự: “Mấy hôm trời nóng, chúng tôi không dám uống nhiều nước vì sợ phải đi vệ sinh. Cả ngày không dám đi vệ sinh, hoặc cùng lắm đi 1 lần thôi vì nếu cởi đồ bảo hộ ra là phải bỏ đi. Như thế vừa mất thời gian vừa tốn kém! Một số người có chức năng thận kém phải đóng sẵn bỉm, vô cùng nóng bức và khó chịu nhưng biết làm sao”.

Bởi vậy, trong hơn 20 giờ làm việc liên tục, chỉ khi họng khát khô, chị và đồng nghiệp mới dám dừng tay để uống ngụm nước nhỏ. Vì đứng và đi lại liên tục nên chân đau mỏi rã rời.

Có người bị ngất vì kiệt sức. Cái nắng và không khí oi bức khiến chị Hương đầu đau như búa bổ, phải uống tạm viên thuốc giảm đau để tiếp tục guồng quay công việc. Nỗ lực là thế, nên đôi lúc gặp sự không hợp tác từ chính người dân, chị cũng chạnh lòng.

Tháng trước, chồng chị bị ngã xe máy, thoát vị đĩa đệm, đau lưng dữ dội nên phải nằm viện điều trị 16 ngày. Sau đó, anh phải nghỉ ở nhà. Giờ, con gái lớn phải thay mẹ chăm sóc bố và em trai. Khi chuẩn bị đi, bé Huyền (con gái lớn của chị) ôm lấy mẹ hỏi: “Mẹ lại đi à? Bao giờ mẹ về?”. Chị chỉ biết bảo con rằng mẹ đi chống dịch, đi thôi chưa biết ngày về. Còn cậu con trai Đoàn Minh thì cứ níu mẹ, không muốn mẹ đi.

Kết thúc mỗi ngày dài, nhìn đồng hồ đã 2-3 giờ sáng, chị Hương lại nhớ về gia đình nhỏ của mình. Trong mỗi cuộc nói chuyện, chị lại nhận được hàng tá câu hỏi của cậu con trai nhỏ: Mẹ có nhớ con không? Bao giờ mẹ về? Con đi cùng mẹ được không? Mùng 1/6 này mẹ có về tặng quà con không?… Mỗi câu hỏi ngây thơ của bé càng khiến tim chị thắt lại.

Dù vậy, chị vẫn lạc quan tin tưởng rằng dịch sẽ chóng qua, khi mọi người đều đang vô cùng nỗ lực để kiểm soát dịch bệnh. Cuối mỗi cuộc trò chuyện hằng đêm, các con đều động viên mẹ, và chị không quên nhắn con rằng, “dịch yên, mẹ sẽ về”.

Đề xuất cách ly tại nhà ‘F1 nguy cơ thấp’

VnExpress – Người tiếp xúc gần ca nhiễm Covid-19 (F1), nhưng “nguy cơ thấp” sẽ được cách ly nghiêm ngặt tại nhà như đối với F2, theo đề xuất của PGS Trần Đắc Phu.

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống Covid-19, sáng 24/5, PGS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Y tế Dự phòng, cho rằng trong các khu công nghiệp ở Bắc Ninh, Bắc Giang hiện nay có hàng chục nghìn F1, “nên cần có những biện pháp ứng phó phù hợp, linh hoạt, sáng tạo, thay vì áp dụng theo đúng hướng dẫn đã có”.

Bắc Ninh hiện ghi nhận 474 ca nhiễm; rà soát được 37.000 F1 và F2; trong đó 31.000 người cách ly y tế. Bắc Giang ghi nhận 980 ca nhiễm; truy vết được 11.453 F1.

Ông Phu dẫn chứng, trong một nhà máy, khi có ca nhiễm thì toàn bộ công nhân đều được coi là F1, phải xét nghiệm PCR mẫu đơn, cách ly tập trung.

“Tuy nhiên, thay vì áp dụng máy móc như vậy, chúng ta cần phân loại F1 thành nhóm nguy cơ cao là người làm cùng bộ phận, phân xưởng; F1 ít nguy cơ sẽ được xét nghiệm bằng nhiều phương pháp kết hợp như PCR mẫu đơn, xét nghiệm nhanh, mẫu gộp. F1 nguy cơ cao phải cách ly tập trung; F1 nguy cơ thấp cách ly nghiêm ngặt tại nhà như với F2”, ông Phu đề xuất.

Bộ Y tế cần ban hành ngay hướng dẫn về vấn đề này, trước mắt áp dụng trong các khu công nghiệp ở Bắc Ninh, Bắc Giang.  

Chia sẻ thêm về đề xuất này sau cuộc họp, ông Phu giải thích trường hợp F1 được coi là “nguy cơ cao” khi tiếp xúc gần với bệnh nhân trong phòng kín, có bật điều hòa, không đeo khẩu trang, khoảng cách dưới 2 m… Còn F1 “nguy cơ thấp” là những người ít có khả năng lây nhiễm hơn, khi tiếp xúc với ca dương tính có đeo khẩu trang, ở ngoài trời hoặc nơi thoáng khí, khoảng cách trên 2 m.

“Các nhà dịch tễ cần phối hợp với hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang để thống nhất tiêu chí phân loại F1, từ đó áp dụng biện pháp cách ly tập trung hoặc cách ly tại nhà phù hợp”, ông Phu nói.

Lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh đề nghị Bộ Y tế sớm ban hành hướng dẫn tạm thời về cách ly F1 tại nhà để tỉnh có phương án thí điểm trong tình huống F0, F1 tăng cao.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị lãnh đạo hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang “là tướng chiến trường”, nên nếu các văn bản hướng dẫn chưa phù hợp thực tiễn thì linh hoạt, sáng tạo.

“Quy định chung trước đây F1 phải cách ly tập trung, xét nghiệm PCR mẫu đơn, bây giờ trong khu công nghiệp không thể cứng nhắc như vậy. Chúng ta muốn đưa nhà máy, khu công nghiệp trở lại hoạt động từng phần thì phải linh hoạt hơn”, Phó thủ tướng nói.

Trước đây trong các nhà máy, việc phân ca, phân kíp, tổ chức sản xuất không quan tâm nhiều đến việc công nhân ở đâu, bây giờ hoạt động trở lại, thì việc tổ chức sản xuất phải gắn với bố trí nơi ở bên ngoài cho công nhân.

“Nếu những công nhân có nguy cơ được quản lý tại nơi ở, coi như một hình thức cách ly, có xe đưa đến nơi làm việc, sản xuất an toàn, thì còn hơn dừng toàn bộ hoạt động một nhà máy, khu công nghiệp và đưa mấy chục nghìn người vào các khu cách ly tập trung”, ông Đam nói và yêu cầu Bộ Y tế điều chỉnh ngay để Bắc Ninh, Bắc Giang “làm mẫu”, kết quả tốt thì nhân rộng toàn quốc.

Về khó khăn trong thu hoạch nông sản ở vùng có dịch, Phó thủ tướng nêu quan điểm “phải linh hoạt, không cứng nhắc”.

“Người cùng một nhà trong thôn, xã đang giãn cách xã hội, ra ngoài làm việc, chỉ cần giữ khoảng cách với thành viên hộ gia đình khác, sát khuẩn máy móc. Phong tỏa một xã mà ngoài đồng cũng vắng theo thì nông sản thu hoạch thế nào, tiêu thụ ra sao”, Phó thủ tướng lưu ý.

Ông Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, cho biết các ca nhiễm mới liên quan đến khu công nghiệp vẫn tăng cao, nhưng chủ yếu trong khu cách ly, phần lớn của Công ty Hosiden Việt Nam (Khu công nghiệp Quang Châu, huyện Việt Yên). Dự kiến những ngày tới tiếp tục ghi nhận ca nhiễm mới trong số 4.000 công nhân đang cách ly của công ty này.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, mỗi ngày Bắc Giang ghi nhận từ 4 đến 8 ca nhiễm cộng đồng, do tiếp xúc gần với ca nhiễm trong khu công nghiệp.

Tỉnh ước tính sẽ bố trí 310 tỷ đồng để hỗ trợ đời sống và một tháng lương cho 60.000 công nhân làm việc tại 4 khu công nghiệp đang tạm thời đóng cửa.

Theo ông Dương, vướng mắc lớn nhất của địa phương hiện nay là công suất xét nghiệm đã được nâng lên 35.000 mẫu đơn mỗi ngày, nhưng còn tồn 20.000 – 30.000 mẫu chưa trả được kết quả trong ngày. Nguyên nhân bởi tỉnh vừa xét nghiệm có trọng điểm, vừa sàng lọc diện rộng. Vì vậy, Bộ Y tế đã chỉ đạo Viện Pasteur Nha Trang lắp đặt thêm máy xét nghiệm để hỗ trợ Bắc Giang. Tỉnh đã hoàn thành Bệnh viện dã chiến số hai với 620 giường để chữa trị bệnh nhân Covid-19 nhẹ. Tuy nhiên, bệnh viện thiếu nhân lực, cần sự hỗ trợ của Bộ Y tế và Công an.

Ông Dương cũng đề nghị các địa phương tạo điều kiện để hàng hóa từ Bắc Giang, đặc biệt là nông sản như dứa, vải… không bị ách tắc.

 Tại Bắc Ninh, bà Tô Thị Mai Hoa, Giám đốc Sở Y tế, cho biết ổ dịch tại Công ty Canon được kiểm soát, hôm nay sẽ vệ sinh nhà máy, dự kiến ngày 25 hoạt động trở lại. Đêm 23/5, Bắc Ninh phát hiện chùm ca bệnh trong cộng đồng, với 17 ca ở xã Nguyệt Đức (huyện Thuận Thành). Hiện xã này được phong tỏa; 1.300 người cùng thôn với F0 được xét nghiệm, trong đó 17 mẫu dương tính.

Bắc Ninh đang xây dựng kế hoạch ứng phó với tình huống có hơn 1.000 ca Covid-19, trong đó, dự kiến 25-30% ca nặng và 10% ca rất nặng.

Trước đó, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 chiều 21/5, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bắc Ninh, Bắc Giang “mạnh dạn thí điểm quy mô nhỏ, đúc rút để xem xét mở rộng” việc cách ly F1 tại nhà. Việc thí điểm này áp dụng khi có quá nhiều F1 cần cách ly.

Lạng Sơn: Thêm 9 ca mắc Covid-19, đều là công nhân khu công nghiệp ở Bắc Giang

Thanhnien – Theo Sở Y tế tỉnh Lạng Sơn, 9 trường hợp nhiễm Covid-19 mới được ghi nhận chưa đầy 24 giờ qua. Trước đó, ngày 23.5, tỉnh này cũng ghi nhận 5 trường hợp nhiễm bệnh khác.

Như vậy, trong 2 ngày qua, tỉnh Lạng Sơn đã liên tiếp ghi nhận con số mắc Covid-19 cao kỷ lục. Đến thời điểm này, tỉnh Lạng Sơn đã có 40 bệnh nhân Covid-19.

Đáng chú ý, các ca bệnh mới phát hiện trong 2 ngày qua đều có yếu tố dịch tễ tại các khu công nghiệp của tỉnh Bắc Giang. Cả 9 trường hợp phát hiện ngày hôm nay đều là công nhân làm việc tại khu công nghiệp Quang Châu (Bắc Giang). 5 trường hợp phát hiện ngày trước đó cũng được xác định nguồn gốc tương tự.

Hà Nội: Một bác sĩ tại Bệnh viện Bắc Thăng Long mắc Covid-19

Sau khi tiếp nhận điều trị bệnh nhân Covid-19 thì Bệnh viện Bắc Thăng Long đã có 1 bác sĩ mắc Covid-19. Như vậy, sau Bệnh viện Thanh Nhàn thì đến Bệnh viện Bắc Thăng Long cũng để lây chéo sang nhân viên y tế.

Chiều 24.5, tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.Hà Nội, Sở Y tế thành phố đã báo cáo về ca bệnh tại Bệnh viện Bắc Thăng Long (H.Đông Anh), là bác sĩ tham gia điều trị bệnh nhân Covid-19.
Bác sĩ này được xét nghiệm lần 1 âm tính vào ngày 20.5, nhưng đến 21.5 thì xuất hiện rát họng và ho khan, nên được cách ly tại phòng riêng, lấy mẫu xét nghiệm lần 2 cho kết quả dương tính.

Qua xác minh sơ bộ có 7 F1 là nhân viên y tế cùng kíp trực. Bệnh viện đã thực hiện cách ly, lấy mẫu xét nghiệm, khử khuẩn toàn bộ khu vực cách ly của nhân viên y tế.

Hiện nay, Bệnh viện Bắc Thăng Long đang điều trị 35 bệnh nhân Covid-19. Đợt dịch thứ 4 này là đợt đầu tiên bệnh viện phải điều trị bệnh nhân Covid-19. Các đợt dịch trước, bệnh nhân của Hà Nội đều được điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư cơ sở 2 (H.Đông Anh).

Đây là lần thứ 2 bệnh viện của Hà Nội có nhân viên lây nhiễm chéo sau khi tiếp nhận điều trị bệnh nhân Covid-19. Trước đó, ngay khi nhận điều trị 11 bệnh nhân Covid-19 từ Bệnh viện K cơ sở Tân Triều chuyển sang, thì Bệnh viện Thanh Nhàn cũng đã ghi nhận 1 nhân viên vệ sinh tầng điều trị mắc bệnh, được chuyển sang Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư cơ sở 2 để điều trị.

Hiện tổng số bệnh nhân các bệnh viện của Hà Nội đang điều trị là 79 người, ngoài Bệnh viện Bắc Thăng Long đang điều trị 35 bệnh nhân, thì Bệnh viện Đức Giang đang điều trị 44 bệnh nhân.

Một số bệnh nhân tại Hà Nội có nguy cơ tử vong

Việc điều trị bệnh nhân Covid-19 là một trong những nhiệm vụ khá nặng nề của Hà Nội. Sở Y tế thành phố cho biết đã xây dựng phương án thu dung điều trị theo các cấp độ có 300, 500, 1.000 ca F0 và tiếp tục mở rộng năng lực khi dịch bệnh lan rộng.

Đặc biệt đã xây dựng phương án chuyển trạng thái chỉ điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 đối với Bệnh viện Gia Lâm, Bệnh viện Y học cổ truyền Hà Nội, Bệnh viện Phổi Hà Nội… ngoài 4 bệnh viện đã được chỉ định điều trị trước đây.

Theo Phó giám đốc Sở Y tế Hoàng Đức Hạnh, hiện Bệnh viện Đức Giang đang điều trị một số ca bệnh Covid-19 có nhiều bệnh lý nền, tổn thương phổi nặng, đặc biệt là những bệnh nhân bị ung thư từ Bệnh viện K cơ sở Tân Triều chuyển về, có nguy cơ sẽ tử vong.

Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị này thực hiện nghiêm các quy định về cách ly, đặc biệt là việc giãn cách phòng lây chéo. Đồng thời, đề nghị không tiếp tục đưa, chuyển những người liên quan trong Bệnh viện K (bệnh nhân, người nhà bệnh nhân…) sang các khu vực cách ly khác ngoài bệnh viện.

Hiện Hà Nội có 4 chùm ca bệnh mới phát sinh, ngoài ca bệnh tại Bệnh viện Bắc Thăng Long, có 3 chùm ca bệnh khác, mà đáng chú ý nhất là chùm ca bệnh mới chưa rõ nguồn lây tại Công ty cổ phần tập đoàn T&T (số 2 Phạm Sư Mạnh, Q.Hoàn Kiếm) và tòa nhà Park 11 tại khu đô thị Times City – đã có 17 F0 liên quan.

Hà Nội nhận định có thể sẽ tiếp tục ghi nhận thêm các ca mắc mới ngoài cộng đồng vì thời gian các ca bệnh ở ngoài cộng đồng dài, đã di chuyển đến nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người.

Khởi tố nữ chấp hành viên ở Đồng Tháp chiếm đoạt tài sản của đương sự

Nữ chấp hành viên của Chi cục Thi hành án Dân sự TP. Cao Lãnh, Đồng Tháp bị Viện KSND tối cao khởi tố bị can để điều tra về tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.

Chiều 24/5, ông Vũ Quang Hiện, Cục trưởng cục Thi hành án Dân sự (THADS) tỉnh Đồng Tháp xác nhận với Thanh Niên, CQĐT của Viện KSND tối cao đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Trần Thị Thanh Thúy (38 tuổi, trú khóm 3, P.6, TP. Cao Lãnh) là chấp hành viên của Chi cục THADS TP. Cao Lãnh về tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, theo Điều 355 của Bộ Luật hình sự.

Theo kết quả điều tra ban đầu, bị can Trần Thị Thanh Thúy được Chi cục THADS TP. Cao Lãnh phân công phụ trách giải quyết hồ sơ thi hành án theo các quyết định số 17 ngày 27.3.2020 của TAND TP. Cao Lãnh và quyết định thi hành án số 1542 ngày 18.5.2020 của Chi cục THADS TP. Cao Lãnh.

Đến ngày 17.6.2020, Thúy tiến hành tổ chức giao đất và yêu cầu các đương sự nộp phí thi hành án 3%, với số tiền gần 25,2 triệu đồng. Tuy nhiên, nữ chấp hành viên này chỉ ghi biên lai thu phí 1% để nộp vào ngân sách nhà nước số tiền hơn 6 triệu đồng, còn lại chiếm đoạt của các đương sự hơn 19 triệu đồng. Sau khi sự việc bị phát hiện, Thúy đã trả lại cho các đương sự số tiền đã chiếm đoạt.

Ông Vũ Quang Hiện cho biết, Cục trưởng Cục THADS tỉnh Đồng Tháp đã ban hành quyết định kỷ luật công chức Trần Thị Thanh Thúy bằng hình thức hạ bậc lương.

Theo ông Hiện, CQĐT Viện KSND tối cao đã áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú đối với nữ bị can này. Hiện nay, do Thúy chưa bị tòa án xét xử, kết tội nên nữ bị can này vẫn đến Chi cục THADS TP.Cao Lãnh làm việc bình thường theo quy định.

Triệu hồi hơn 1.300 xe Honda SH300 tại Việt Nam

Thanhnien – Không lâu sau đợt triệu hồi gần 27.700 xe ô tô Honda bị lỗi bơm nhiên liệu, mới đây hãng xe Nhật Bản tiếp tục mở đợt triệu hồi mới, liên quan đến dòng xe tay ga cao cấp Honda SH300 được hãng nhập khẩu, phân phối tại Việt Nam.

Cụ thể, theo thông tin từ Cục Đăng kiểm Việt Nam, Honda đang phối hợp cùng hệ thống đại lý ủy quyền, bắt đầu triển khai chương trình triệu hồi 1.332 xe Honda SH300 sản xuất tại nhà máy Honda ở Ý, từ tháng 6.2018 đến tháng 2.2020 và do Honda Việt Nam nhập khẩu, phân phối. Các xe này được xác định, chưa đáp ứng được yêu cầu về bay hơi nhiên liệu theo quy định mới tại Việt Nam.

Trong văn bản gửi Cục Đăng kiểm Việt Nam, Honda Việt Nam lý giải, các xe Honda SH300 tại thị trường Châu Âu không cần kiểm soát bay hơi nhiên liệu, nên xe thay đổi thiết kế và không trang bị hệ thống canister. Vì vậy, khi nhập khẩu, phân phối tại Việt Nam, các xe Honda SH300 nêu trên chưa đáp ứng được yêu cầu về bay hơi nhiên liệu theo quy định QCVN77:2014/ Bộ GTVT tại Việt Nam.

Honda Việt Nam cho biết, vấn đề này chưa có ảnh hưởng tiêu cực đến khách hàng hay hư hại phương tiện, nhưng trên vai trò trách nhiệm bảo vệ môi trường, bảo vệ người tiêu dùng, cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm, công ty khuyến cáo khách hàng đưa xe đến các đại lý ủy quyền để trang bị thêm phụ tùng cần thiết.

DKN NEWS

Tin Liên Quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết Nối Mạng Xã Hội

22,044Thành viênThích
8Người theo dõiĐăng Ký
- Quảng cáo -spot_img

Tin Mới Nhất