
Thêm 40 ca COVID-19
VnExpress – Bộ Y tế trưa 28/5 ghi nhận 40 ca dương tính COVID-19 trong nước, gồm tại Bắc Giang 23, Bắc Ninh 13, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam và Hà Nội đều một.
40 ca mới được ghi nhận từ số 6357-6396, cụ thể: Hải Dương; Ca 6357 ghi nhận tại TP. Hải Dương là nam, 5 tuổi; F1 của ca 5278, đã được cách ly, kết quả xét nghiệm ngày 27/5 dương tính với COVID-19.
Hưng Yên; Ca 6358, nữ, 53 tuổi, địa chỉ tại huyện Khoái Châu, F1 của ca 3168, đã được cách ly. Kết quả xét nghiệm ngày 27/5 dương tính với nCoV, bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2.
Hà Nam; Ca 6359, nữ, 28 tuổi, địa chỉ tại huyện Lý Nhân, F1 của 4161, đã được cách ly. Kết quả xét nghiệm ngày 27/5 dương tính với nCoV, bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam.
Hà Nội; Ca 6360, nữ, 11 tuổi, địa chỉ tại quận Long Biên, là F1 của 5601, đã được cách ly, kết quả xét nghiệm ngày 27/5 dương tính với COVID-19.
Bắc Ninh; Ca 6361-6373 gồm 8 ca liên quan đến ổ dịch các khu công nghiệp, 5 ca liên quan đến ổ dịch xã Mão Điền, đã được cách ly, kết quả xét nghiệm ngày 27/5 dương tính với COVID-19.
Bắc Giang; Ca 6374-6396 ghi nhận tại tỉnh Bắc Giang trong khu phong tỏa liên quan đến các khu công nghiệp.
Việt Nam lên tiếng về việc có nhập vắc-xin COVID-19 của TQ hay không?
Gov – Ngày 27/5, tại cuộc họp báo thường kỳ, trả lời câu hỏi của Reuters liệu Việt Nam có nhập vaccine COVID-19 từ Trung Quốc hay không? và xin tiết lộ các chi tiết về việc Việt Nam đàm phán để nhập khẩu vắc xin Sputnik V của Nga và đàm phán về việc sản xuất Sputnik V tại Việt Nam?
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết cho đến nay Việt Nam đã đàm phán thành công với một số đối tác cung cấp vaccine cho Việt Nam và đã triển khai tiêm vaccine ở Việt Nam ví dụ như AstraZeneca; đàm phán với Pfizer/BioNTech, với COVAX Facility để cung cấp vaccine cho Việt Nam.
Không đề cập tới Trung Quốc, người phát ngôn tiếp tục rằng: “Số lượng vaccine mà Việt Nam đã nhập khẩu vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu trong nước hiện nay.” Do đó, Bộ Y tế tìm kiếm và đàm phán với các công ty và các đối tác, các nhà sản xuất/cung cấp vaccine trên thế giới để đa dạng hóa, tăng số lượng nhập khẩu vaccine ở Việt Nam.”
Cũng tại cuộc họp báo, khi nhận được câu hỏi được biết phía Trung Quốc đang tiến hành trao đổi với Việt Nam về kế hoạch tiêm vaccine Trung Quốc sản xuất cho công dân Trung Quốc tại Việt Nam. Quan điểm của Việt Nam như thế nào? Hai bên đã đàm phán đến đâu? Đáo lại, người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết bà chưa có thông tin như phóng viên nêu.
Bắc Giang: Xe cứu thương vội vã đưa 3.000 công nhân đi cách ly
Trao đổi với Doanhnghieptiepthi sáng 28/5, ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang cho biết, mật độ công nhân tại thôn Núi Hiểu, xã Quang Châu rất đông. Thực hiện chủ trương giảm nguy cơ lây lan Covid-19 ra cộng đồng, từ đêm 27/5, khoảng 16 xe cứu thương đưa những công nhân này đi cách ly tại các địa phương khác.
Số lượng công nhân dự kiến “rút bớt” khoảng 3.000 người (đều đã có kết quả xét nghiệm 2 lần âm tính với COVID-19), phân loại nguy cơ cao, vừa và thấp. Với những người nguy cơ cao, sẽ được đưa đến nơi cách ly kết hợp điều trị.
Cũng theo ông Phương, hôm qua, nhân viên y tế đã lấy khoảng 20.000 mẫu tại các thôn như Núi Hiểu, Tam Tầng và Trung Đồng. Qua test nhanh phát hiện có những mẫu dương tính, hiện đang được xét nghiệm PCR để khẳng định chính xác.
Trong đêm 27/5, ngành Y tế Bắc Giang đã chuyển 500 bệnh nhân COVID-19 từ Bệnh viện Tâm thần Bắc Giang và huyện Việt Yên sang Bệnh viện Dã chiến số 2 đặt tại TP. Bắc Giang nhằm mục đích giảm tải bớt cho địa phương đang được xem là tâm dịch.
Triển khai tiêm vắc-xin ở tâm dịch Bắc Giang
Bộ Y tế chiều 27-5 đã phối hợp với tỉnh Bắc Giang triển khai tiêm vắc xin cho khoảng 300 công nhân Công ty Fuhong, Khu công nghiệp Đình Trám.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn chia sẻ: ” Bắc Giang tiếp nhận 150.000 liều vắc-xin Covid-19. Trong ngày hôm nay tỉnh Bắc Giang bắt đầu đợt tiêm chủng thứ 2. Mục tiêu của đợt lần này là chúng ta có 3 đối tượng: Thứ nhất là đối tượng tuyến đầu đã được tiêm lần 1, giờ tiêm lần 2. Thứ hai là đối tượng tuyến đầu như công an, quân đội chưa được tiêm đợt trước. Đối tượng thứ 3 là các công nhân vì chúng ta thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng là vừa chống dịch vừa đảm bảo sản xuất. Đây là tiền đề rất tốt để một số các cơ sở sản xuất nằm trong khu công nghiệp có đầy đủ điều kiện về an toàn chống Covid-19 và có thể trở lại sản xuất”.
Được biết, hiện Công ty Fuhong có khoảng 2.500 công nhân đang ở tại ký túc xá của công ty. Các công nhân này sẽ vừa thực hiện việc cách ly tại đây, vừa thực hiện nhiệm vụ sản xuất.
‘Đột nhập’ khu cách ly thăm bạn gái là F1, 2 thanh niên bị phạt 11 triệu đồng
Tuoitre – Ngày 27/5, huyện Thuận Châu (tỉnh Sơn La) đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Lò Văn Chinh (19 tuổi, ngụ xã Púng Tra, huyện Thuận Châu) với số tiền 7,5 triệu đồng và phạt Lò Văn Lương (17 tuổi, cùng xã Púng Tra) số tiền 3,75 triệu đồng.
Hai thanh niên này đột nhập trái phép vào khu cách ly y tế tập trung và bị lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ.
Trước đó, khoảng 21h30 đêm 26/5, Chinh và Lương leo rào vào khu cách ly tập trung COVID-19 đặt tại tiểu khu 1, thị trấn Thuận Châu, mục đích để gặp bạn gái của Chinh đang là F1 tại đây. Tuy nhiên, sau khi vượt rào, phát hiện tổ công tác của thị trấn làm nhiệm vụ tại khu cách ly đang đi tới, Chinh và Lương sợ bị lộ nên đã thoát ra ngoài.
Trong khi về lấy xe máy để ở vị trí trước khi leo rào, hai thanh niên này bị lực lượng chức năng phát hiện khả nghi, bắt giữ. Tại cơ quan công an, Chinh và Lương đã khai nhận việc đột nhập vào khu cách ly trong đêm.
Theo công an, Lò Văn Chinh là lao động tự do, từng làm việc tại nhiều địa phương như Bắc Giang, Hưng Yên, Thái Bình, vừa trở về địa phương và đang trong thời gian theo dõi tình trạng sức khỏe.
Bay thẳng qua Nhật, vải thiều Việt Nam lên kệ siêu thị 500 nghìn đồng/kg
Vietnamnet – Vải thiều Việt Nam đã xuất hiện trên kệ siêu thị tại Nhật Bản. Loại quả đặc sản này của nước ta được bán với giá khoảng 350.000 – 500.000 đồng/kg.
Ông Nguyễn Văn Thọ, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Bắc Giang cho biết, ngày 27/5, vải thiều sớm Tân Yên chính thức lên kệ siêu thị Nhật Bản. Loại quả đặc sản này của Việt Nam được đóng trong hộp và bán với giá dao động từ 350.000-500.000 đồng/kg. Đây là mức giá rất cao so với giá vải tại thị trường trong nước.
Ông Thọ cho biết, 20 tấn vải thiều sang đến Nhật được tiêu thụ gần hết sau ngày đầu tiên mở bán. Ông thêm thông tin: “Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản còn phối hợp với doanh nghiệp Nhật tạo kênh bán vải thiều Bắc Giang online”.
Sáng ngày 26/5 diễn ra lễ xuất hành vải từ huyện Tân Yên (Bắc Giang) sang thị trường Nhật Bản. Đây cũng là lô vải thiều đầu tiên của Bắc Giang xuất khẩu sang Nhật, trong mùa vải năm nay.
Năm ngoái, những quả vải thiều Việt Nam đầu tiên xuất hiện trên kệ siêu thị tại Nhật Bản. Vải được đóng vào hộp nhỏ 200 gram, bán với giá khuyến mãi là 489 yen – tương đương hơn 100.000 đồng/hộp. Tính ra, giá vải thiều Việt Nam bán tại Nhật trên 500.000 đồng/kg tuỳ nơi.
Đáng lưu ý, ngay trong ngày mở bán đầu tiên, lô vải thiều tươi 2 tấn của Việt Nam được chuyên chở bằng máy bay sang Nhật đã bán hết sạch chỉ trong vòng vài tiếng. Doanh nghiệp và người tiêu dùng Nhật Bản đánh giá rất cao, khen quả vải của Việt Nam đạt chất lượng tốt.
Các doanh nghiệp phía Nhật cũng cho biết, dự kiến vụ vải thiều này họ sẽ nhập khẩu khoảng trên 1.000 tấn vải thiều từ Bắc Giang. Tại Hải Dương, sản phẩm vải thiều Thanh Hà chính thức có mặt ở Nhật vào ngày 23/5. Tỉnh này cũng dự kiến tổng sản lượng vải ở Hải Dương xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản khoảng 1.000 tấn.
Trường quốc tế tăng học phí: Hà Nội cao nhất hơn 760 triệu/năm
Danviet – Năm học 2021 – 2022, nhiều trường quốc tế tại TP.HCM và Hà Nội có thông báo tăng học phí. Trong đó, bậc trung học lớp 10-12 có mức học phí cao nhất trong chương trình của các trường quốc tế. Đa số các trường đưa ra mức học phí trên 500 triệu đồng/năm đối với bậc học này.
Tại TP. HCM, Trường Quốc tế Singapore (Nam Sài Gòn) đưa ra mức học phí chương trình quốc tế từ khoảng 500 – 524 triệu đồng/năm, nếu thanh toán một lần cho học sinh bậc phổ thông. Học sinh lớp 9 và 10 học chương trình Trung học Đại cương Quốc tế Cambridge 2 năm. Sau đó, học sinh có thể lựa chọn một trong hai chương trình học tiếp theo là: Cambridge Quốc tế cấp độ AS hoặc A, hoặc Chứng chỉ Quốc tế bậc 3 trong một năm.
Mức phí cao nhất thuộc về học phí trung học phổ thông ở trường Quốc tế TP.HCM, nằm trong khoảng từ 720 – 822 triệu đồng/năm. Mức học phí này đã bao gồm chi phí cho các hoạt động dã ngoại, văn phòng phẩm, máy tính bảng hoặc máy tính xách tay cho từng học sinh (tùy độ tuổi)…
Một số trường có mức học phí dao động khoảng 600 triệu đồng/ năm là hệ phổ thông của trường Quốc tế Australia, trường Quốc tế Mỹ, Trường Quốc tế châu Âu…
Tại Hà Nội, Trường Quốc tế Anh Hà Nội có học phí cao nhất lên đến 767 triệu đồng, tăng hơn 36 triệu đồng so với mức cao nhất trong năm học 2020-2021.
Cụ thể Trường Quốc tế Anh Hà Nội, tăng học phí năm học 2021-2022 khoảng 5% so với năm học trước. Theo đó, học phí bậc tiểu học (lớp 1-6) rơi vào mức 520 – 580 triệu đồng. Học sinh bậc trung học (lớp 7-13) đóng 670 đến – 767 triệu đồng.
Trường Quốc tế ParkCity Hà Nội công bố mức học phí tăng so với năm ngoái khoảng 7%. Cụ thể, học phí mẫu giáo là 295 triệu đồng. Học phí lớp 1 là gần 370 triệu. Học phí cao nhất thuộc về lớp 10, khoảng 533 triệu đồng.
Trường Quốc tế Mỹ St. Paul Hà Nội công bố mức học phí năm học 2021-2022, không tăng so với năm trước. Theo đó, mức thu bậc mầm non là 394 triệu đồng, bậc tiểu học khoảng 560 triệu đồng, và trung học phổ thông là hơn 650 triệu đồng.
Bộ GTVT ‘sờ gáy’ loạt nhà thầu thi công cao tốc với tốc độ rùa bò
Dantri – Bêu tên, cảnh báo, điều chuyển khối lượng… là những biện pháp Bộ Giao thông vận tải yêu cầu áp dụng với các nhà thầu vi phạm tiến độ thi công dự án cao tốc Bắc – Nam đoạn Cam Lộ – La Sơn.
Dự án cao tốc Cam Lộ – La Sơn có tổng chiều dài trên 98km đi qua 2 tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 7.700 tỷ đồng, sử dụng vốn ngân sách Nhà nước. Trong đó, vốn đầu tư xây lắp khoảng 5.600 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 434 tỷ đồng.
Được khởi công từ tháng 9/2019 với 11 gói thầu xây lắp, dự án dự kiến ban đầu hoàn thành trong năm 2021. Tuy nhiên, đến nay, sản lượng thi công của dự án mới đạt khoảng 44%, chậm 4,8% so với kế hoạch.
Bộ GTVT yêu cầu Ban Quản lý dự án chấn chỉnh nhà thầu vi phạm tiến độ và tăng cường kiểm soát chất lượng, dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam đoạn Cam Lộ – La Sơn.
Đối với nhà thầu vi phạm lần 3 là Công ty TNHH Xây dựng Hoàng Nguyên, Bộ GTVT yêu cầu Ban QLDA xử lý điều chuyển khối lượng của nhà thầu này tại gói thầu XL03 cho các nhà thầu khác triển khai thi công, tuân thủ theo quy định của hợp đồng.
Vi phạm của Công ty TNHH Xây dựng Hoàng Nguyên cũng bị thông báo trên trang thông tin điện tử của Bộ GTVT để các đơn vị được biết, từ đó làm cơ sở đánh giá năng lực khi nhà thầu tham gia các dự án do Bộ GTVT quản lý theo định của Luật Đấu thầu.
Đối với nhà thầu vi phạm lần 2 là Công ty CP Vật tư thiết bị và xây dựng công trình giao thông 624 (gói thầu XL07), Ban QLDA khẩn trương cảnh báo lần 3 và xử lý theo quy định của hợp đồng.
Ban QLDA cũng cảnh báo lần 2 với các nhà thầu vi phạm lần 1, gồm: Công ty TNHH Xây dựng Thành Phát và Công ty TNHH Nhạc Sơn (gói thầu XL06), Công ty TNHH Đại Hiệp, Tổng công ty XDCTGT 5 và Công ty TNHH Xây dựng Bảo Sơn (gói thầu XL11)…
DKN NEWS