65.3 F
San Jose
Monday, September 25, 2023
printing-new3-728-1
Vidan_Radio_728
previous arrow
next arrow

Tin trong nước trưa 3/6: Hà Nội- 2 điều dưỡng Bệnh viện Thanh Nhàn dương tính COVID-19; Bình Dương giãn cách 5 thành phố, thị xã, chuẩn bị khu cách ly 10.000 người

blank

Hà Nội- 2 điều dưỡng Bệnh viện Thanh Nhàn dương tính COVID-19

Trang điện tử Bộ Y tế, ngày 3/6, Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết, vừa ghi nhận 2 ca dương tính SARS-CoV-2 là nhân viên y tế. Đây là những người chăm sóc, điều trị trực tiếp cho bệnh nhân COVID-19.

Đại diện của Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết, hai nhân viên y tế này đều là điều dưỡng của bệnh viện, trực tiếp thăm khám cho bệnh nhân COVID-19 tại khu khám sàng lọc, cách ly (khu vực đơn nguyên T1) của bệnh viện. Hai điều dưỡng này được cách ly riêng biệt cùng ca bệnh COVID-19.

Do đó, khi hai điều dưỡng có kết quả dương tính không phát sinh thêm trường hợp tiếp xúc. Hiện, sức khoẻ của hai điều dưỡng này hoàn toàn ổn định.

Bệnh viện này cũng cho biết khi tiếp xúc với người bệnh, hai điều dưỡng này đã trang bị đầy đủ quần áo bảo hộ. Qua kiểm tra, mọi quy trình thăm khám, cách ly bệnh nhân COVID-19 đều được tuân thủ đầy đủ. 

“Chúng tôi nghi ngờ nhiều đến khả năng, nhân viên y tế có thể nhiễm bệnh trong quá trình cởi bỏ quần áo bảo hộ. Chủng virus lưu hành hiện nay có khả năng lây nhiễm rất nhanh. Do đó, chỉ cần sơ suất ở một khâu nào đó khi tháo bỏ quần áo bảo hộ cũng có thể nhiễm bệnh”, đại diện Bệnh viện Thanh Nhàn lý giải.

Trước đó, vào đầu tháng 5/2021, Bệnh viện Thanh Nhàn đã phát hiện bệnh nhân B.T.M (nữ, SN1965, quê quán ở thôn Đục Khê, xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức) – nhân viên vệ sinh khu T9 của bệnh viện cũng có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19. 

Trong khoảng thời gian (từ ngày 7 đến 9/5), tầng 9 (Bệnh viện Thanh Nhàn) có tiếp nhận và điều trị 11 bệnh nhân dương tính với virus SARS-CoV-2, được chuyển từ Bệnh viện K cơ sở Tân Triều chuyển đến. 

Sở Y tế Hà Nội cho biết, tính đến sáng 3/6, các bệnh viện của thành phố đang điều trị cho 184 F0, trong đó Bệnh viện Bắc Thăng Long điều trị 34 bệnh nhân, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang điều trị 131 bệnh nhân, Bệnh viện Thanh Nhàn điều trị 19 bệnh nhân. Ngoài ra, các bệnh viện này cũng đang theo dõi 163 trường hợp nghi ngờ (F1, F2 có triệu chứng).

Bình Dương: Giãn cách 5 thành phố, thị xã, lên phương án khu cách ly 10.000 người

Dantri – Ngày 2/6, ông Nguyễn Lộc Hà, Phó Chủ tịch tỉnh Bình Dương đã ký văn bản hỏa tốc yêu cầu 3 thành phố và 2 thị xã thực hiện giãn cách theo chỉ thị 15 của Thủ tướng, đồng thời lên phương án cách ly khoảng 10.000 người.

Cụ thể: TP. Thủ Dầu Một, TP. Thuận An, TP. Dĩ An, thị xã Tân Uyên, thị xã Bến Cát và một số xã, thị trấn của huyện Bàu Bàng (nơi có khu công nghiệp) triển khai thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15 của Thủ tướng Chính phủ.

Riêng các khu phố đang được phong tỏa thuộc phường Đông Hòa (TP. Dĩ An), phường Bình Chuẩn (TP. Thuận An) và phường Hiệp Thành (TP. Thủ Dầu Một) áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng. Các địa phương còn lại thực hiện theo Chỉ thị 19. Việc triển khai giãn cách xã hội được thực hiện đến khi có thông báo mới.

Tỉnh Bình Dương yêu cầu các huyện, thị phối hợp với các ngành chức năng trưng dụng các nhà trọ, khách sạn nâng lên dự phòng phương án cách ly khoảng 10.000 người; đồng thời bổ sung trang thiết bị cần thiết, chuẩn bị phương án lập bệnh viện dã chiến để điều trị cho từ 600 – 800 người.

Khẩn cấp xét nghiệm COVID-19 hơn 30.000 công nhân Khu chế xuất Tân Thuận

Dantri – Chiều tối 2/6, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) đã phối hợp với Ban Quản lý Khu chế xuất và Công nghiệp TP.HCM tổ chức lấy mẫu tầm soát Covid-19 cho hơn 30.000 công nhân đang làm việc ở 22 doanh nghiệp tại Khu chế xuất Tân Thuận. Các nhân viên y tế đã phải làm việc suốt đêm để kịp lấy hết 30.000 mẫu tại đây.

Khu chế xuất Tân Thuận có hơn 56.000 lao động làm việc tại các nhà máy, phân xưởng. Lượng công nhân ra vào khu chế xuất là rất lớn tiềm ẩn rủi ro dịch bệnh nên Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM đã lẫy mẫu trong các khu công nghiệp, khu chế xuất để tầm soát, phát hiện kịp thời những ca Covid-19 tránh lây lan cộng đồng.

Theo Thanh Niên, sáng 3/6, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết, vẫn đang phối hợp với Ban Quản lý các khu chế xuất và khu công nghiệp TP.HCM, UBND Q.7 để lấy mẫu xét nghiệm tầm soát COVID-19 đợt 1 cho người lao động đang làm việc tại Khu chế xuất Tân Thuận.

Hiện nay dịch bệnh đã lây lan vào các khu công nghiệp tại TP.HCM nên việc lấy mẫu tầm soát ở khu chế xuất càng được đẩy mạnh, khẩn trương. Nhân viên y tế vẫn thực hiện gộp 5 mẫu để cùng xét nghiệm.

F0 ở TP.HCM là công nhân KCN tại Long An, truy vết ra 102 F1

Tuoitre – Chiều 2/6, Sở Y tế tỉnh Long An đến một công ty thuộc Khu công nghiệp Long Hậu, xã Long Hậu, huyện Cần Giuộc, Long An để hướng dẫn, tổ chức cho địa phương truy vết, khoanh vùng, triển khai các hoạt động dập dịch sau khi nhận được thông tin từ TP.HCM về một ca bệnh từ F1 trở thành F0 là công nhân tại đây.

Theo thông tin dịch tễ, công nhân nam 27 tuổi này từng là F1 của BN 7069 (đang điều trị tại TP.HCM). Sống tại TP.HCM, mỗi ngày công nhân này sáng đi Long An làm việc và tối trở về TP.HCM.

Khi trở thành F1, nam công nhân này đã được cách ly tập trung tại TP.HCM từ ngày 29/5. Đến trưa 2/6, công nhân nam có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19. Hiện công nhân này đang được điều trị tại TP.HCM.

Hiện tại, lực lượng phòng chống dịch truy vết được 102 trường hợp F1 của công nhân này, gồm những người làm chung dây chuyền sản xuất, các phòng xưởng liên quan, xe buýt (gồm cả tài xế), bảo vệ và nơi ăn tại công ty.

Đây là số lượng F1 lớn nhất trên địa bàn tỉnh Long An từ đầu mùa dịch đến nay. Sau khi lấy mẫu xét nghiệm, phục vụ truy vết tiếp các F2, F3, các trường hợp F1 này sẽ được đưa đi cách ly tập trung.

Đi cách ly tập trung phải đóng bao nhiêu tiền?

Thuvienphapluat – Nếu thuộc đối tượng phải đi cách ly tập trung thì phải đóng bao nhiêu tiền là thắc mắc của rất nhiều người dân.

Theo Nghị quyết 16/NQ-CP ngày 08/02/2021: Đối với Người Việt Nam ở trong nước phải áp dụng biện pháp cách ly y tế tập trung theo yêu cầu phòng, chống dịch. Khi đi cách ly tại cơ sở y tế, doanh trại quân đội, trường của quân đội, cơ sở khác do cơ quan nhà nước có thẩm quyền chọn làm nơi cách ly tập trung, thì phải tự chi trả tiền ăn theo mức 80.000 đồng/người/ngày cho cơ sở cách ly y tế tập trung; 

Các khoản chi phí khác sẽ không phải trả, mà do ngân sách nhà nước hỗ trợ. Trường hợp người phải cách ly y tế tập trung là người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định thì được miễn phí tất cả.

Mới đây, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội có ban hành quyết định 623 quy định trẻ em bị đi cách ly tập trung từ 27/4 đến 31/12/2021 sẽ được Quỹ Bảo trợ trẻ em chi trả tiền ăn 80.000 đồng/ngày.

Người mắc bệnh COVID-19 có được miễn chi phí điều trị hay không?

Ngày 01/04/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 447/QĐ-TTg công bố dịch COVID-19 trên toàn quốc với tính chất, mức độ nguy hiểm của bệnh truyền nhiễm nhóm A.

Theo đó: Người mắc COVID-19 sẽ được khám và điều trị miễn phí; đồng nghĩa, người mắc COVID-19 sẽ không phải chi trả chi phí điều trị, bao gồm: Tiền khám bệnh, tiền giường, dịch vụ kỹ thuật, thuốc, máu, dịch truyền, chi phí xét nghiệm COVID-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế; 

Bệnh nhân phải đóng chi phí ăn uống. Trường hợp trong thời gian điều trị bệnh COVID-19 mà mắc các bệnh khác phải khám, điều trị nếu người bệnh có thẻ BHYT thì được quỹ BHYT thanh toán theo quy định của pháp luật về BHYT, nếu không có thẻ BHYT thì tự chi trả toàn bộ chi phí khám, điều trị theo mức giá dịch vụ y tế hiện hành.

Dân ‘khát’ điện bên nhà máy thủy điện

Dantri – Dù bản nằm bên nhà máy thủy điện Trung Sơn với lượng điện cung cấp 1 tỷ kWh/năm, nhưng điều khó tin là bản Pượn (thuộc xã Trung Sơn, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hoá – với 31 hộ dân, 156 nhân khẩu) vẫn chưa được sử dụng lưới điện quốc gia.

Buổi tối, từ trên cao nhìn xuống, bản Pượn như một hố sâu đen đặc, người dân thu mình trong không gian tối tăm, tĩnh mịch. Không có điện sinh hoạt, cuộc sống của người dân bản còn nhiều hạn chế, đời sống lạc hậu, khó khăn. Với họ, những thứ như ti vi, điện thoại vẫn là những vật dụng vô cùng xa lạ.

Ông Vi Văn Huyên, người bản Pượn chia sẻ: “Không có điện, bà con không được xem ti vi, không được tiếp cận thông tin; các cháu buổi tối không thể học bài. Mùa hè nóng cũng không thể sử dụng quạt, mùa đông học sinh đến trường không thể học được vì ngày cũng như đêm… Chúng tôi đã kiến nghị lên các cấp chính quyền địa phương nhưng đến nay nguyện vọng vẫn chưa được đáp ứng”.

Gia đình ông Vi Xuân Nhất (ở bản Pượn) có một chiếc máy xay xát lúa phục vụ cả bản. Do không có điện nên ông phải dùng xăng để chạy máy. Ông Nhất cho biết, loại máy xát này nếu dùng xăng thì xay 1 tạ lúa hết 15.000 đồng, còn dùng điện thì chỉ hết 4.000 đồng. Chính vì thế, khi bà con đến nhờ xay xát, ông cũng phải lấy giá cao để bù vào tiền xăng.

Cũng theo ông Nhất, không có điện khiến nhiều năm qua cái đói, cái nghèo vẫn đeo bám người dân bản. Theo những người già trong bản Pượn, họ sống không có điện khổ quen rồi, nhưng chỉ mong thế hệ con cháu được sống dưới ánh điện để bớt cơ cực, có cơ hội phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Thống kê của Sở Công Thương tỉnh Thanh Hóa cho thấy, Thanh Hóa hiện còn 37 thôn, bản với hơn 2.000 hộ dân thuộc các huyện Quan Hóa, Quan Sơn, Mường Lát… chưa được sử dụng điện lưới quốc gia.

Người đàn ông như nam châm, hút chặt các đồ vật vào cơ thể

Dantri – Anh Mai Tuấn Anh (SN 1967), trú phường Nam Ngạn, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa – người sở hữu khả năng kỳ lạ đó là hút chặt các đồ vật vào cơ thể.

Những ngày qua, nhiều người dân sinh sống quanh phố Nam Sơn 2 (phường Nam Ngạn, thành phố Thanh Hóa) không khỏi tò mò và thích thú khi chứng kiến “dị nhân” Mai Tuấn Anh trổ tài hút các đồ vật dính chặt vào cơ thể.

Từ những chiếc thìa, đũa, mâm, đĩa đến các đồ vật lớn như bàn, kính thủy tinh nặng hàng chục kg… tất cả đều được anh Tuấn Anh hút chặt vào người như có nam châm.

Khả năng đặc biệt được anh Tuấn Anh phát hiện từ tháng 4/2021. Anh Tuấn Anh chia sẻ: “Sau khi xem một clip trên facebook, lúc tập thể dục tôi thử đưa chiếc mâm và dao đặt lên ngực, không ngờ các đồ vật này không hề rơi xuống đất. Từ đó tôi phát hiện mình có khả năng kỳ lạ này”.

Để chứng minh cho cho mọi người xem, anh Tuấn đã cởi áo và bắt đầu đưa những chiếc kéo, dao, mâm và các vật dụng kim loại…, mỗi đồ vật sau khi đặt lên ngực của anh đều dính chặt như có nam châm.

Không chỉ các đồ vật bằng kim loại, anh còn trình diễn cho người xem khả năng hút các đồ vật bằng sành, thủy tinh như: đĩa, mặt bàn… Kết thúc màn trình diễn, anh Tuấn Anh nhờ hai người phụ giúp nâng chiếc mặt bàn bằng đá nặng 32kg về phía mình, rồi anh đặt lên ngực. Thật bất ngờ, chiếc mặt bàn dính chặt lên cơ thể anh mặc cho anh đi lại quanh gian phòng.

Theo anh Tuấn Anh trước khi hút được các đồ vật thì sức khỏe của anh hoàn toàn bình thường, và cho đến nay sức khỏe của anh vẫn không có gì thay đổi.

‘Dị nhân’ 54 tuổi chia sẻ thêm: “Đây là khả năng hoàn toàn tự nhiên mà tôi phát hiện mình có thể làm được. Tôi chưa bao giờ học hay tập luyện về những cái này. Khi phát hiện mình hút được các đồ vật tôi cũng thấy lo lắng, khoảng 3 đêm đầu tôi lo đến không ngủ được vì không biết cơ thể có bị gì không. Đến nay tôi thấy hoàn toàn bình thường”.

Bảo tàng Thảm sát Thiên An Môn Hong Kong đóng cửa hai ngày trước lễ kỷ niệm sự kiện

Taiwannews – Một bảo tàng tại Hồng Kông tưởng niệm các nạn nhân của Thảm sát Thiên An Môn năm 1989 đã đóng cửa vô thời hạn vào ngày 2/6, sau khi chính quyền thành phố cho rằng nó không có giấy phép hoạt động.

Bảo tàng kỷ niệm ngày 4/6/1989, ngày xảy ra vụ thảm sát ở Quảng trường Thiên An Môn, chỉ mới mở cửa trở lại ba ngày trước đó sau khi đóng cửa vào tháng 6 năm 2020, thời điểm luật an ninh quốc gia phiên bản Hồng Kông đã được Bắc Kinh thông qua. 

Vào hôm 1/6, Các thanh tra của Cục Vệ sinh Môi trường và Thực phẩm Hồng Kông, trích dẫn một sắc lệnh có từ năm 1919 thông báo cho bảo tàng rằng họ không thể mở cửa vì không có giấy phép giải trí công cộng.

Liên minh các Phong trào Dân chủ Yêu nước ở Hong Kong hàng năm đều tổ chức tưởng niệm các nạn nhân của vụ thảm sát Thiên An Môn ở Công viên Victoria. Năm nay liên minh này cho biết họ phải đóng cửa bảo tàng để giữ an toàn cho nhân viên và du khách khi có đe dọa từ các quy định pháp lý của chính quyền.

Cuộc tụ tập tại Công viên Victoria để tưởng niệm nạn nhân của thảm sát Thiên An Môn cũng đã bị hủy trong năm thứ hai liên tiếp, với lý do được nêu là lo ngại về COVID-19. Các nhà chức trách đã đe dọa sẽ kết án tù lên đến 5 năm đối với những người cố tình tham dự sự kiện.

Các nhà tổ chức kêu gọi mọi người hãy tưởng niệm nạn nhân vụ thảm sát “theo cách riêng” của họ. Một số nhà hoạt động đã đề nghị thắp nến trong cửa sổ của các khu nhà để tưởng niệm những người bị sát hại vì muốn có dân chủ thực sự tại Trung Quốc.

DKN NEWS

Tin Liên Quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết Nối Mạng Xã Hội

22,044Thành viênThích
8Người theo dõiĐăng Ký
- Quảng cáo -spot_img

Tin Mới Nhất