64.4 F
San Jose
Thursday, September 21, 2023
printing-new3-728-1
Vidan_Radio_728
previous arrow
next arrow

[TRỰC TIẾP] Cập nhật tình hình Nga-Ukraine

blank

Tổng thống Nga Vladimir Putin (phía trước) và phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov tham dự phiên họp của Hội đồng Những người Đứng đầu Cộng đồng các Quốc gia độc lập (CIS) tại Sochi, Nga, hôm 11/10/2017. (Ảnh: Maxim Shemetov/AFP/Getty Images).–

Điện Kremlin nói các cuộc đàm phán với Ukraine không dễ dàng, nhưng điều quan trọng là chúng vẫn tiếp tục

Các cuộc đàm phán của Nga với Ukraine không hề dễ dàng, nhưng điều quan trọng là chúng vẫn tiếp tục, hãng thông tấn RIA dẫn lời phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết hôm thứ Bảy (02/04).

Ông cũng cho biết Nga muốn tiếp tục đàm phán với Ukraine ở nước láng giềng Belarus nhưng Kyiv phản đối ý tưởng này. Nga và Ukraine đã tổ chức một số vòng đàm phán tại Belarus vào tháng trước, trước khi phái đoàn của họ gặp nhau tại Istanbul vào tuần trước (hôm 29/03).

RIA cho biết ông Peskov đã đưa ra những nhận xét trên trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình Belarus được phát sóng vào cuối thứ Bảy (02/04).


Ukraine giành lại quyền kiểm soát toàn bộ khu vực Kyiv

blank
Một người đàn ông địa phương đi ngang qua một chiếc xe bọc thép chở quân bị hư hại, khi cuộc tấn công của Nga vào Ukraine vẫn tiếp diễn, tại thị trấn Makariv, vùng Kyiv của Ukraine, hôm 01/04/2022. (Ảnh: Serhii Mykhalchuk/Reuters)

Các lực lượng vũ trang Ukraine họ đã giành lại toàn bộ khu vực Kyiv, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Malyar cho biết hôm thứ Bảy (02/04).

“Irpin, Bucha, Gostomel, và toàn bộ vùng Kyiv đã được giải phóng khỏi những kẻ xâm lược,” bà viết trong một bài đăng trên Facebook.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trước đó cho biết các lực lượng vũ trang Nga đang rút khỏi miền bắc Ukraine theo phương thức “chậm nhưng đáng chú ý” và đang tập hợp lực lượng ở Donbas, một khu vực tranh chấp.

Bộ Quốc phòng Anh xác nhận rằng các lực lượng Ukraine đang chiếm lại lãnh thổ ở ngoại ô Kyiv.

Mời quý vị xem toàn bộ bài viết tại đây.


Khu vực ly khai bác bỏ việc quân đội Nga tập kết trên quy mô lớn

Các nhà chức trách ở khu vực ly khai nhỏ bé Transnistria ở Moldova đã phủ nhận những tuyên bố “hoàn toàn không đúng sự thật” của Ukraine hôm thứ Bảy (02/04) rằng quân đội Nga đóng tại đó đang tập hợp trên quy mô lớn để tiến hành “các hành động khiêu khích” dọc theo biên giới Ukraine.

Trước đó vào thứ Bảy, Bộ Tổng tham mưu các Lực lượng Vũ trang Ukraine cho biết quân đội Nga có mặt ở Transnistria đang chuẩn bị cho “một cuộc biểu dương sự sẵn sàng tấn công và có thể là các hành động thù địch nhằm vào Ukraine.”

“Thông tin do Bộ Tổng tham mưu Ukraine phổ biến là hoàn toàn không đúng sự thật”, Bộ Ngoại giao Transnistria cho biết trong một tuyên bố, đồng thời cho biết thêm rằng các nhà lãnh đạo đã nhiều lần “tuyên bố không có bất kỳ mối đe dọa nào đối với Ukraine.”

Bộ Ngoại giao Moldova hôm thứ Bảy cũng cho biết “không có thông tin xác nhận việc huy động quân đội trong khu vực Transnistria” và “các cơ quan chính phủ đang theo dõi chặt chẽ tình hình an ninh trong khu vực này.”

Transnistria là một khu vực ly khai của Moldova do Nga hậu thuẫn, đã ly khai sau một cuộc nội chiến ngắn vào đầu những năm 1990 và không được hầu hết các quốc gia công nhận. Ước tính có khoảng 1,500 binh sĩ Nga đang đóng quân tại đây.


Thủ tướng Ba Lan: Các biện pháp trừng phạt đối với Nga không hiệu quả

Hôm thứ Bảy (02/04), Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cho biết, việc đồng rúp của Nga phục hồi cho thấy các lệnh trừng phạt đối với Moscow không đạt được mục đích của chúng. Một số lượng lớn các quốc gia, bao gồm cả các thành viên EU, đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Nga sau khi nước này tấn công Ukraine vào cuối tháng Hai.

“Tôi phải nói điều này rất rõ ràng: các biện pháp trừng phạt mà chúng ta đã áp dụng cho đến nay không có tác dụng. Bằng chứng tốt nhất là tỷ giá hối đoái đồng rúp,” ông Morawiecki cho biết hôm thứ Bảy.

“Tỷ giá hối đoái bằng đồng rúp, chỉ số quyết định này, đã trở lại mức như trước khi Nga xâm lược Ukraine. Điều đó có ý nghĩa gì? Có nghĩa là tất cả các biện pháp kinh tế, tài chính, ngân sách, và tiền tệ đã không có kết quả như mong muốn của một số nhà lãnh đạo. Điều này cần phải được nói ra một cách dõng dạc,” ông nói thêm khi trình bày tại một trung tâm dành cho người tị nạn Ukraine ở Otwock gần Warsaw.


Một loạt vụ nổ xảy ra ở Enerhodar gần nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia

Một loạt vụ nổ đã xảy ra trên khắp thành phố Enerhodar của Ukraine gần nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. Cơ quan hạt nhân quốc gia của Ukraine đã thông báo về các cuộc tấn công hôm thứ Bảy (02/04) trên kênh Telegram chính thức của họ.

Theo Interfax Ukraine, cả thành phố cũng như nhà máy sản xuất hơn ⅕ lượng điện của Ukraine và là một trong những cơ sở hạt nhân lớn nhất ở Âu Châu, đều nằm trong sự kiểm soát của Nga kể từ ngày 04/03.

Một video clip đi kèm với bài đăng trên Telegram của Energoatom Ukraine dường như cho thấy các vụ nổ lớn và các mảnh vỡ bay khắp nơi.

Bài đăng thứ hai trên kênh của công ty quốc doanh này tuyên bố rằng họ có thể nghe thấy tiếng nổ và tiếng súng cối ở khu vực lân cận trung tâm văn hóa Sovremennik, nơi người dân tổ chức một cuộc biểu tình ủng hộ Ukraine.

“Khi những người biểu tình bắt đầu giải tán, những kẻ xâm lược đã đến bằng xe cảnh sát và bắt đầu tống cư dân địa phương lên những chiếc xe này,” bài đăng viết. “Vài phút sau, thành phố bị rung chuyển bởi những vụ nổ và pháo kích lớn.”

Cơ quan này cho biết có bốn người bị thương và đã được hỗ trợ y tế.

Energoatom cũng tuyên bố rằng các lực lượng Nga đã bắt đầu làm nhiễu liên lạc điện thoại và internet trên khắp Enerhodar. Không thể xác minh ngay các tuyên bố của cơ quan này.


Hàng ngàn người đã di tản khỏi Mariupol

blank
Một thiếu nữ đợi trên xe hơi tại điểm di tản trong đoàn xe ô tô và xe buýt chở hàng trăm người di tản khỏi Mariupol và Melitopol, ở Zaporizhzhia, Ukraine, hôm 25/03/2022. (Ảnh: Chris McGrath/Getty Images)

Theo Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, hàng ngàn người đã được di tản thành công bằng xe buýt khỏi thành phố bị bao vây Mariupol hôm thứ Sáu (01/04). Ông gọi tình hình ở đây là một “thảm họa nhân đạo”.

Ông Zelensky cho biết trong một video vào sáng sớm ngày thứ Bảy (02/04) rằng một hành lang nhân đạo đã hoạt động ở Zaporizhzhia, cho phép di tản 3,071 cư dân khỏi Mariupol.

Hàng chục ngàn người đã bị mắc kẹt trong thành phố bị bao vây này, với rất ít thực phẩm và nước uống.


Chính phủ Phần Lan thảo luận về khả năng gia nhập NATO vào mùa xuân

Thủ tướng Phần Lan nói rằng đất nước của bà nên đưa ra quyết định về tư cách thành viên NATO “trong mùa xuân này” sau khi chính phủ và các nhà lập pháp đã đánh giá kỹ lưỡng những ưu và nhược điểm của việc gia nhập liên minh quân sự — một vấn đề thời sự ở quốc gia Bắc Âu này sau khi Nga xâm lược Ukraine.

Hôm thứ Bảy (02/04), Thủ tướng Sanna Marin cho biết “cả việc gia nhập và không gia nhập (NATO) đều là những lựa chọn có hậu quả. Chúng ta cần đánh giá cả tác động ngắn hạn và dài hạn. Đồng thời, chúng ta phải ghi nhớ mục tiêu của mình: bảo đảm an ninh cho Phần Lan và người dân Phần Lan trong mọi tình huống.”

Bà Marin cho biết mối quan hệ của Phần Lan với nước láng giềng Nga đã thay đổi không thể đảo ngược sau cuộc xâm lược của Moscow vào Ukraine vào tháng trước và “cần rất nhiều thời gian và công việc để khôi phục lòng tin.”

Phần Lan có đường biên giới dài 1,340 km (830 dặm) với Nga, đường biên giới dài nhất đối với bất kỳ thành viên Liên minh Âu Châu nào.


Ngoại trưởng Ý thăm Azerbaijan giữa cuộc khủng hoảng năng lượng

Trong chuyến công du Azerbaijan, Ngoại trưởng Ý Luigi Di Maio đã mô tả các cuộc hội đàm của ông tại đây là cơ sở cho sự hợp tác mạnh mẽ hơn nữa về năng lượng, khi Ý tìm cách nhanh chóng giảm bớt sự phụ thuộc nghiêm trọng vào khí đốt của Nga.

Trong các bình luận với các phóng viên tại Baku hôm thứ Bảy (02/04), ông Di Maio mô tả Azerbaijan, nhà cung cấp dầu lớn nhất đồng thời là nhà cung cấp khí đốt lớn thứ ba của Ý, là một “đối tác ưu tiên” trong nhiệm vụ đa dạng hóa các nguồn năng lượng của Ý.

Ông Di Maio đã đến quốc gia phía nam dãy núi Cáp-ca (Caucasus) này vào hôm thứ Sáu (01/04), sau các chuyến công du tập trung vào năng lượng trước đó đến Algeria, Qatar, Angola, và Congo. Ý đang để mắt đến khả năng tăng nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên từ Azerbaijan thông qua Đường ống xuyên Adriatic, hay TAP, vốn bắt đầu vận chuyển khí đốt từ năm 2020.


Chính quyền địa phương: Quân đội Nga giải tán cuộc biểu tình ủng hộ Ukraine ở thị trấn bị chiếm đóng

Chính quyền địa phương tại thị trấn Enerhodar của Ukraine bị chiếm đóng tuyên bố rằng quân đội Nga đã giải tán một cách thô bạo một cuộc biểu tình ủng hộ Ukraine hôm thứ Bảy (02/04) và bắt giữ một số người tham gia.

Người dân đã tập trung ở trung tâm thị trấn thuộc miền nam nước này để nói chuyện và hát quốc ca Ukraine khi binh sĩ Nga đến và tống một vài người vào xe tải giam giữ, chính quyền địa phương tuyên bố trong một bài đăng trực tuyến.

“Những người chiếm đóng đang giải tán những người biểu tình bằng các vụ nổ,” chính quyền cho biết trong một bài đăng khác trên Telegram, chia sẻ một video về những gì dường như là nhiều quả lựu đạn gây choáng rơi xuống một quảng trường và phát ra tiếng nổ cùng những đám khói trắng bên cạnh trung tâm văn hóa chính của thị trấn.

Họ cũng cáo buộc các lực lượng Nga đã pháo kích vào một phần khác của thị trấn hôm thứ Bảy (02/04) và cho biết kết quả là bốn người đã bị thương và đang được điều trị tại bệnh viện.

Reuters không thể xác minh ngay video hoặc báo cáo của chính quyền địa phương.

Enerhodar nằm trên sông Dnipro ở miền nam Ukraine, đồng thời là nơi có các nhân viên của nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia gần đó. Nhà máy điện hạt nhân lớn nhất Âu Châu này cũng đã bị quân đội Nga chiếm đóng.


Phóng viên ảnh Ukraine bị thiệt mạng trong vùng chiến đấu

Một phóng viên ảnh nổi tiếng của Ukraine mất tích hồi tháng trước tại một khu vực giao tranh gần thủ đô bị phát hiện là đã tử vong.

Hôm thứ Bảy (02/04), Văn phòng Tổng công tố Ukraine cho biết trong một tuyên bố rằng ông Maks Levin đã bị sát hại bằng hai phát súng, được cho là do quân đội Nga bắn. Thi thể của ông Levin được tìm thấy ở làng Huta Mezhyhirska vào thứ Sáu.

Ông Levin, 40 tuổi, từng là một phóng viên ảnh và nhà quay phim cho nhiều ấn phẩm của Ukraine và quốc tế.

Ông Levin đã mất tích kể từ ngày 13/03, khi ông liên lạc với người bạn của mình từ Vyshhorod gần Kyiv để đưa tin về tình hình giao tranh trong khu vực.

Một cuộc điều tra về cái chết của ông đã được tiến hành.


Các nhà chức trách địa phương: Hỏa tiễn Nga bắn trúng một số thành phố Ukraine 

Người đứng đầu vùng Poltava tuyên bố hỏa tiễn của Nga đã bắn trúng hai thành phố ở miền trung Ukraine, gây thiệt hại cho cơ sở hạ tầng và các tòa nhà dân cư.

“Poltava. Một hỏa tiễn đã trúng một trong những cơ sở hạ tầng trong đêm,” ông Dmitry Lunin viết trong một bài đăng trực tuyến. “Kremenchuk. Nhiều cuộc tấn công vào thành phố vào buổi sáng.”

Sau đó, ông Lunin cho biết ít nhất bốn hỏa tiễn đã bắn trúng hai cơ sở hạ tầng ở Poltava trong khi, theo thông tin sơ bộ, ba phi cơ của địch quân đã tấn công các cơ sở công nghiệp của Kremenchuk.

Thành phố Poltava là thủ phủ của vùng Poltava, phía đông Kyiv và Kremenchuk là một trong những thành phố lớn của khu vực.

Không có thông tin ngay lập tức về thương vong có thể xảy ra, ông Lunin nói. Reuters không thể xác minh ngay thông tin này.

Trong một bài đăng trực tuyến, ông Valentyn Reznichenko, người đứng đầu khu vực cho biết tại khu vực Dnipro ở tây nam Ukraine, hỏa tiễn đã bắn trúng một cơ sở hạ tầng khiến hai người bị thương và gây thiệt hại đáng kể.

Ông cho biết thêm, tại thành phố Kryvyi Rih, một trạm xăng đã bị pháo kích gây hỏa hoạn.


Moscow: Anh sẽ không mua được khí đốt từ Nga

Hôm thứ Bảy (02/04), tham vụ báo chí của Tổng thống Nga Vladimir Putin, ông Dmitry Peskov, nói với giới truyền thông rằng tập đoàn năng lượng lớn Shell của Anh sẽ không thể mua khí đốt từ Nga do các lệnh trừng phạt chống Nga của London.

“London muốn trở thành chính phủ đi đầu trong mọi thứ chống Nga. Họ thậm chí còn muốn đi trước cả Hoa Thịnh Đốn! Đó là cái giá mà họ phải trả!” ông Peskov nói rõ.

Ông đang đề cập đến thực tế rằng Anh là quốc gia duy nhất áp đặt các lệnh trừng phạt đối với ngân hàng Gazprombank của Nga, thông qua đó các khoản thanh toán cho khí đốt tự nhiên của Nga được thực hiện. Kết quả là biện pháp này lại phủ nhận khả năng thanh toán hàng hóa của Anh.


Quan chức: Ukraine đã giành lại thành phố Brovary gần thủ đô Kyiv

Các quan chức Ukraine tuyên bố các lực lượng của họ đã giành lại thành phố Brovary, cách thủ đô Kyiv 20 km (12 dặm) về phía đông.

Thị trưởng của Brovary cho biết trong một bài diễn văn trên truyền hình vào tối thứ Sáu (01/04) rằng “Trên thực tế những người chiếm đóng Nga hiện đã rời khỏi toàn bộ khu Brovary.” Ông nói thêm rằng các lực lượng Ukraine sẽ bắt đầu làm việc để đánh lui phần còn lại của binh lính Nga ở đó cũng như dọn sạch “khí tài quân sự và có thể là mìn.”

Thị trưởng tuyên bố rằng nhiều cư dân Brovary đã trở lại thành phố, và các cửa hàng và doanh nghiệp đang mở cửa trở lại.

Trước đó hôm thứ Sáu (01/04), thị trưởng Kyiv Vitali Klitschko nói rằng các thị trấn lân cận ở phía tây bắc Kyiv đã bị nhắm mục tiêu sau khi các chiến đấu cơ Ukraine đẩy lùi quân đội Nga và giao tranh cũng đã diễn ra ở Brovary.


Thổ Nhĩ Kỳ đề nghị di tản dân thường khỏi thành phố Mariupol của Ukraine

Thổ Nhĩ Kỳ đã đề nghị giúp di tản dân thường khỏi thành phố cảng Mariupol bị bao vây của Ukraine bằng tàu biển. Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết hôm thứ Bảy (02/04) rằng “chúng tôi có thể hỗ trợ tàu để di tản dân thường và công dân bị thương của Thổ Nhĩ Kỳ và các quốc gia khác ở Mariupol bằng đường biển.”

Cơ quan thông tấn Anadolu do chính phủ điều hành đưa tin rằng ông Hulusi Akar cho biết Thổ Nhĩ Kỳ đang phối hợp các hoạt động di tản tiềm năng với chính phủ Liên bang Nga và Ukraine.

Mariupol, thành phố trên Biển Azov, đã chứng kiến ​​những thiệt hại tồi tệ nhất của chiến tranh. Ủy ban Chữ Thập Đỏ Quốc tế đang cố gắng di dời một số trong số 100,000 người được cho là vẫn ở lại thành phố này.

Hôm thứ Sáu (01/04), Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết khoảng 30 công dân Thổ Nhĩ Kỳ vẫn còn ở trong thành phố này.


Hà Lan kêu gọi người dân tiết kiệm năng lượng

Chính phủ Hà Lan đã tiến hành một chiến dịch kêu gọi người dân giảm sử dụng hệ thống nhiệt trong nhà và việc tắm giặt để tiết kiệm năng lượng, trong bối cảnh chi phí năng lượng ngày càng gia tăng và cắt giảm sự phụ thuộc của nước này vào nhập cảng từ Nga.

Chính phủ này đã dẫn đầu làm gương khi thông báo hôm thứ Bảy (02/04) rằng họ sẽ giảm nhiệt độ trong 200 khối văn phòng của mình từ 21 xuống 19 độ C (70–66 độ F) vào mùa đông và sử dụng ít máy lạnh hơn vào mùa hè.

Chính phủ cũng đang dành ra 4 tỷ euro (4.4 tỷ USD) để giúp tài trợ cho các hành động của các chủ sở hữu nhà, các tập đoàn nhà ở xã hội, và các thành phố để cải thiện khả năng cách nhiệt cho các ngôi nhà trong những năm tới.


Thương vong từ cuộc không kích ở Mykolaiv tiếp tục gia tăng

Ít nhất 33 người đã thiệt mạng và 34 người bị thương trong một cuộc tấn công bằng hỏa tiễn của Nga vào tòa nhà chính phủ khu vực ở thành phố cảng Mykolaiv, miền nam Ukraine, các quan chức Ukraine cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Bảy (02/04), cập nhật con số thương vong của vụ tấn công sát thương xảy ra tại Mykolaiv hôm thứ Ba (29/03).

Lực lượng cứu hộ do Bộ Tình huống Khẩn cấp Quốc gia cử đến đã tìm kiếm những người sống sót trong đống đổ nát kể từ khi lực lượng Nga tấn công tòa nhà này, nơi đặt văn phòng của thống đốc khu vực Vitaliy Kim. Vị thống đốc, người không có mặt tại cơ sở này vào thời điểm xảy ra vụ tấn công, sau đó đã đăng lên mạng xã hội những hình ảnh cho thấy một lỗ hổng trong tòa nhà chín tầng này.

Mykolaiv, một thành phố quan trọng chiến lược trên đường đến cảng Odesa lớn nhất của Ukraine, đã phải hứng chịu nhiều tuần pháo kích của quân đội Nga.


Ukraine cho biết bảy hành lang nhân đạo được lên kế hoạch cho hoạt động di tản vào 02/04

Phó Thủ tướng Ukraine Iryna Vereshchuk cho biết bảy hành lang nhân đạo để di tản người dân khỏi các khu vực bị bao vây của Ukraine được lên kế hoạch vào thứ Bảy (02/04).

Bà Vereshchuk cho biết các hành lang được lên kế hoạch bao gồm một hành lang dành cho người di tản bằng phương tiện giao thông cá nhân từ thành phố Mariupol và xe buýt cho người dân Mariupol ra khỏi thành phố Berdyansk.


Hội Chữ Thập Đỏ lên kế hoạch cho nỗ lực di tản mới từ Mariupol của Ukraine

Một đoàn xe của Hội Chữ Thập Đỏ sẽ lại cố gắng di tản dân thường khỏi cảng bị bao vây Mariupol vào thứ Bảy (02/04) khi quân đội Nga dường như đang tập hợp lại cho các cuộc tấn công mới ở miền đông nam Ukraine.

Ủy ban Chữ Thập Đỏ Quốc tế (ICRC) đã cử một nhóm vào thứ Sáu (01/04) để dẫn một đoàn xe gồm khoảng 54 xe buýt và các phương tiện cá nhân khác của Ukraine ra khỏi thành phố, nhưng họ đã quay về và nói rằng hoàn cảnh khiến việc di tản không thể tiến hành.

“Họ sẽ cố gắng một lần nữa vào thứ Bảy để tạo điều kiện thuận lợi cho một hành lang an toàn cho dân thường,” ICRC cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Sáu. Một nỗ lực di tản trước đó của Hội Chữ Thập Đỏ vào đầu tháng Ba đã thất bại.

Một cố vấn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói rằng ông hy vọng cuộc di tản Mariupol sẽ thành công.

Nga và Ukraine đã đồng ý xây dựng các hành lang nhân đạo trong chiến tranh để tạo điều kiện thuận lợi cho việc di tản dân thường khỏi các thành phố, nhưng thường đổ lỗi cho nhau khi các hành lang này không thành công.

Phó Thủ tướng Ukraine Iryna Vereshchuk cho biết bảy hành lang như vậy đã được lên kế hoạch cho những người di tản bằng phương tiện giao thông cá nhân và bằng xe buýt cho người dân Mariupol rời khỏi thành phố Berdyansk.

Trong một video vào sáng sớm, ông Zelensky cho biết quân đội Nga đã tiến về Donbas và thành phố Kharkiv bị bắn phá nặng nề ở phía đông bắc.

“Tôi hy vọng vẫn có thể có giải pháp cho tình hình ở Mariupol,” ông Zelensky nói.

Trước rạng sáng ngày thứ Bảy, khi tiếng còi báo động vang lên khắp Ukraine, quân đội Ukraine báo cáo rằng Nga đã không kích các thành phố Sievierodonetsk và Rubizhne ở Luhansk.

Ở khu vực phía đông đó và nước láng giềng Donetsk, phe ly khai thân Nga đã tuyên bố là các nước cộng hòa độc lập. Moscow đã công nhận họ ngay trước khi xâm lược Ukraine.

Quân đội Ukraine cũng cho biết các lực lượng phòng thủ đã đẩy lùi nhiều cuộc tấn công ở Luhansk và Donetsk vào thứ Sáu và các đơn vị Nga ở Luhansk đã mất 800 quân chỉ trong tuần qua. Reuters đã không thể xác minh những tuyên bố đó.


Các quan chức Nga cho biết tương lai của ISS không chắc chắn

Quan chức không gian hàng đầu của Nga cho biết tương lai của Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) là không chắc chắn sau khi Hoa Kỳ, Liên minh Âu Châu, và các cơ quan vũ trụ của Canada bỏ lỡ thời hạn để đáp ứng các yêu cầu của Nga về việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với các doanh nghiệp và cương liệu của Nga.

Người đứng đầu cơ quan nhà nước Roscosmos của Nga nói với các phóng viên vào sáng thứ Bảy (02/04) rằng cơ quan này đang chuẩn bị một báo cáo về triển vọng hợp tác quốc tế tại trạm này, để trình lên các cơ quan liên bang “sau khi Roscosmos đã hoàn thành phân tích của mình.”

Trên kênh truyền hình nhà nước Nga, Giám đốc Roscosmos Dmitry Rogozin đã ngụ ý rằng các lệnh trừng phạt của phương Tây, một số trong đó có trước hành động quân sự của Nga ở Ukraine, có thể làm gián đoạn hoạt động của tàu vũ trụ Nga đang phục vụ ISS.

Ông nhấn mạnh rằng các đối tác phương Tây cần ISS và “không thể xoay sở nếu không có Nga, bởi vì không ai ngoài chúng tôi có thể cung cấp nhiên liệu cho trạm.”

Ông Rogozin nói thêm rằng “chỉ có các động cơ của tàu chở hàng của chúng tôi mới có thể điều chỉnh quỹ đạo của ISS, giữ cho nó an toàn khỏi các mảnh vỡ không gian.”

Cuối ngày thứ Bảy, ông Rogozin đã viết trên kênh Telegram của mình rằng ông đã nhận được phản hồi từ các đối tác phương Tây, họ cam kết sẽ thúc đẩy “hợp tác hơn nữa về ISS và các hoạt động của trạm.”

Ông nhắc lại quan điểm của mình rằng “việc khôi phục quan hệ bình thường giữa các đối tác trong ISS và các dự án (không gian) chung khác chỉ có thể thực hiện được khi dỡ bỏ hoàn toàn và vô điều kiện” các lệnh trừng phạt mà ông gọi là bất hợp pháp.

Đáp lại các lệnh trừng phạt của phương Tây trên Telegram vào tháng trước (02/2022), ông Rogozin cảnh báo vào thời điểm đó rằng nếu không có sự trợ giúp của Nga, ISS có thể “rơi xuống biển hoặc trên đất liền” và tuyên bố rằng địa điểm rơi không có khả năng nằm ở Nga.

Không gian là một trong những lĩnh vực hợp tác cuối cùng còn sót lại giữa Moscow và các quốc gia phương Tây. Các cuộc đàm phán giữa Hoa Kỳ và Nga về việc nối lại các chuyến bay chung tới ISS đang được tiến hành khi Nga khai triển chiến dịch quân sự ở Ukraine vào tháng trước, dẫn đến các lệnh trừng phạt chưa từng có đối với các tổ chức có liên hệ với chính phủ Nga.


Cố vấn Tổng thống: Ukraine mong đợi tin tốt vào cuối tuần liên quan đến việc di tản Mariupol

Ukraine mong đợi ​​sẽ có tin tốt vào cuối tuần liên quan đến việc di tản người dân khỏi thành phố bị bao vây Mariupol ở phía đông nam, một cố vấn của Tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết hôm thứ Bảy (02/04).

“Phái đoàn của chúng tôi đã đạt được một thỏa thuận tại Istanbul (trong cuộc đàm phán hòa bình Ukraine-Nga) để cung cấp các chuyến di tản,” ông Oleksiy Arestovych nói với truyền hình Ukraine.

“Tôi nghĩ rằng hôm nay hoặc có thể là ngày mai chúng ta sẽ nghe được tin tốt về việc di tản cư dân của Mariupol.”

Hôm thứ Sáu (01/04), Ủy ban Chữ Thập Đỏ Quốc tế (ICRC) đã cử một nhóm đến để dẫn một đoàn xe gồm khoảng 54 xe buýt và các phương tiện cá nhân khác của Ukraine ra khỏi thành phố, nhưng họ đã quay về và nói rằng hoàn cảnh đã khiến việc này không thể tiến hành. Họ sẽ thử lại vào thứ Bảy.

Bị bao vây kể từ những ngày đầu của cuộc xâm lược đã kéo dài năm tuần của Nga, Mariupol là mục tiêu chính của Moscow ở khu vực Donbas ở phía đông nam. Hàng chục ngàn người đã bị mắc kẹt trong thành phố này với lượng thực phẩm và nước uống ít ỏi.


Anh: Ukraine tiếp tục lấn át các lực lượng Nga gần Kyiv

Quân đội Ukraine đang tiếp tục đạt được những bước tiến trước đạo quân đang rút lui của Nga trong khu vực lân cận Kyiv, tình báo quân đội Anh tuyên bố hôm thứ Bảy (02/04).

Quân đội Nga cũng được cho là đã rút khỏi phi trường Hostomel gần thủ đô, nơi đã chứng kiến giao tranh kể từ ngày đầu tiên của cuộc xung đột, Bộ Quốc phòng Anh tuyên bố trong một bản tin thường kỳ.

Bộ cho biết thêm: “Ở phía đông Ukraine, quân đội Ukraine đã giành được một tuyến đường quan trọng ở miền đông Kharkiv sau giao tranh dữ dội.”


Bộ trưởng cho biết kinh tế Ukraine có thể suy giảm 40% trong năm 2022

Trích dẫn các ước tính sơ bộ, Bộ trưởng Kinh tế Ukraine cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Bảy (02/04) rằng nền kinh tế Ukraine đã suy giảm 16% so với cùng thời kỳ năm ngoái và có thể giảm 40% trong năm 2022 do cuộc xâm lược của Nga.

Bộ cho hay: “Những ngành nghề không thể làm việc từ xa bị ảnh hưởng nặng nề nhất.”


Hoa Kỳ hủy bỏ thử ICBM do căng thẳng hạt nhân với Nga

Không quân nói với Reuters hôm thứ Sáu (01/04), Quân đội Hoa Kỳ đã hủy một vụ thử hỏa tiễn đạn đạo xuyên lục địa Minuteman III mà ban đầu chỉ có mục đích trì hoãn để giảm căng thẳng hạt nhân với Nga trong cuộc chiến ở Ukraine.

Ban đầu Ngũ Giác Đài thông báo hoãn vụ thử hỏa tiễn hôm 02/03 sau khi Nga cho biết họ đang đặt các lực lượng hạt nhân của mình trong tình trạng báo động cao. Vào thời điểm đó, Hoa Thịnh Đốn cho biết điều quan trọng là cả Hoa Kỳ và Nga “phải lưu ý đến rủi ro tính toán sai lầm và thực hiện các bước để giảm thiểu những rủi ro đó.”

Nhưng Hoa Kỳ đã công khai tuyên bố ý định của mình chỉ để trì hoãn vụ thử nghiệm “một chút” chứ không phải là hủy bỏ nó.

Phát ngôn viên Lực lượng Không quân Ann Stefanek cho biết quyết định hủy bỏ vụ thử hỏa tiễn LGM-30G Minuteman III là vì những lý do tương tự như lần đầu tiên nó bị trì hoãn. Cuộc thử nghiệm Minuteman III tiếp theo dự kiến ​​diễn ra vào cuối năm nay.

Việc thay đổi lịch trình thử nghiệm lực lượng ICBM của Hoa Kỳ có thể gây tranh cãi. Thượng nghị sĩ Jim Inhofe (Cộng Hòa-Oklahoma), thành viên Đảng Cộng Hòa đứng đầu trong Ủy ban Quân vụ Thượng viện, đã bày tỏ sự thất vọng hồi tháng Ba trước sự chậm trễ của một cuộc thử nghiệm mà ông cho là rất quan trọng để bảo đảm rằng khả năng răn đe hạt nhân của Hoa Kỳ vẫn hiệu quả.

Ông Jeffrey Lewis, một nhà nghiên cứu hỏa tiễn tại Trung tâm Nghiên cứu Không phổ biến vũ khí hạt nhân (CNS) James Martin, đã hạ thấp tác động của việc hủy bỏ này.

Ông Lewis cho biết: “Có một giá trị khi thực hiện các cuộc thử nghiệm nhưng tôi không nghĩ rằng việc bỏ lỡ một cuộc thử nghiệm là một vấn đề thực sự lớn trong kế hoạch tổng thể.”

Hỏa tiễn có khả năng mang đầu đạn hạt nhân Minuteman III là một phần quan trọng trong kho vũ khí chiến lược của quân đội Hoa Kỳ và có tầm bắn hơn 6,000 dặm (9,660 km/giờ) và có thể di chuyển với tốc độ khoảng 15,000 dặm một giờ (24,000 km/giờ).

Cho đến nay, Nga và Hoa Kỳ là các quốc gia có kho vũ khí mang đầu đạn hạt nhân lớn nhất sau khi Chiến Tranh Lạnh chia cắt thế giới trong phần lớn thế kỷ 20, khiến phương Tây đối đầu với Liên Xô và các đồng minh của nước này.


Liên minh Âu Châu dự định áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt mà không ảnh hưởng đến ngành năng lượng

Hôm thứ Bảy (02/04), Ủy viên Kinh tế EU Paolo Gentiloni cho biết tại Cernobbio rằng Liên minh Âu Châu đang nghiên cứu thêm các biện pháp trừng phạt đối với Nga nhưng bất kỳ biện pháp bổ sung nào cũng sẽ không ảnh hưởng đến lĩnh vực năng lượng.

Khối 27 quốc gia này sẽ phải đối mặt với tình trạng suy giảm tăng trưởng do chiến tranh ở Ukraine nhưng sẽ không phải đối mặt với một cuộc suy thoái, ông cho biết khi nói thêm rằng dự báo tăng trưởng 4% là quá lạc quan và EU sẽ không đạt được.


Thủ tướng Kishida cho biết Nhật Bản sẽ không rút khỏi dự án dầu khí với Nga

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết hôm thứ Năm (31/03), Nhật Bản sẽ không rút khỏi dự án khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) Sakhalin-2 ở Nga mặc dù các công ty khác đã rút lui khỏi Nga do nước này xâm lược Ukraine.

Hãng thông tấn Kyodo News đưa tin: “Đây là một dự án hết sức quan trọng về mặt an ninh năng lượng vì dự án này đã góp phần vào việc cung cấp lâu dài, ổn định khí đốt tự nhiên hóa lỏng giá rẻ.”

Ông Kishida nói thêm rằng Nhật Bản sẽ tăng cường nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga khi phối hợp với kế hoạch của Nhóm Bảy nước tiên tiến (G7).

Nga là nhà cung cấp LNG lớn thứ năm của Nhật Bản, chiếm khoảng 8% lượng tiêu thụ của cả nước. Dự án dầu khí Sakhalin-2 ở vùng Viễn Đông của Nga là một trong những nguồn cung cấp LNG chính của Nhật Bản, với công suất hàng năm là 9.6 triệu tấn.


Nga-Ukraine cáo buộc lẫn nhau về các quả mìn trôi dạt trên Biển Đen

Hôm thứ Năm (31/03), Nga cáo buộc Ukraine đặt hàng trăm quả mìn gần bờ biển của nước này và cho biết một số quả đã trôi dạt vào vùng nước mở của Biển Đen và gây nguy hiểm cho các tàu buôn, một ngày sau khi Kyiv nói rằng Moscow chịu trách nhiệm cho việc đặt mìn.

Biển Đen là một tuyến đường vận chuyển chính đối với ngũ cốc, dầu mỏ, và các sản phẩm từ dầu mỏ. Bulgaria, Romania, Georgia và Thổ Nhĩ Kỳ cũng như Ukraine và Nga, chia sẻ vùng biển này, vốn đã chứng kiến chiến tranh kể từ khi Tổng thống Vladimir Putin xâm lược nước láng giềng phía nam của ông vào ngày 24/02.

Bộ Ngoại giao Ukraine hôm thứ Tư (30/03) tuyên bố rằng Nga đang đặt mìn hải quân ở Biển Đen với tư cách là “đạn dược trôi dạt không kiểm soát”, biến những quả đạn này “thành vũ khí tấn công bừa bãi trên thực tế.”

Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố hôm thứ Năm (31/03) rằng từ ngày 24/02 đến ngày 04/03, tàn tích của lực lượng rà phá bom mìn của hải quân Ukraine đã đặt khoảng 420 quả mìn neo trên biển — gồm 370 quả ở Biển Đen và 50 quả ở Biển Azov.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết: “Do hậu quả của các cơn bão ở Biển Đen và do tình trạng kỹ thuật không đạt yêu cầu, nên khoảng 10 quả mìn của Ukraine đã bị đứt khỏi các dây cáp có neo dưới đáy biển.”

“Kể từ đó, dưới tác động của gió và dòng hải lưu, các quả mìn của Ukraine đã trôi tự do từ phần phía tây của Biển Đen theo hướng đông nam. … Không ai có thể biết những quả mìn còn lại của Ukraine hiện nay đang trôi dạt đến đâu.”

Đầu tháng này, cơ quan tình báo chính của Nga đã cáo buộc Ukraine đặt các quả mìn để bảo vệ các cảng và cho biết hàng trăm kíp nổ đã bị đứt khỏi dây cáp và trôi đi. Kyiv đã bác bỏ cáo buộc đó và gọi đó là thông tin sai lệch.

Trong những ngày gần đây, các đội lặn của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và Romania đã tham gia rà phá bom mìn xung quanh các vùng biển của họ.

Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết họ vẫn chưa xác định được nguồn và số lượng mìn trôi dạt và đã liên hệ với các đối tác Ukraine và Nga về vấn đề này.

Các quan chức hàng hải cho biết năm tàu thương mại đã bị trúng đạn – với một trong số các tàu này đã bị chìm – ngoài khơi bờ biển Ukraine, và hai thuyền viên thiệt mạng.


Ukraine phủ nhận việc tấn công vào kho nhiên liệu của Nga

blank
Một kho nhiên liệu bốc cháy ở thành phố Belgorod, Nga, hôm 01/04/2022. (Ảnh: Pavel Kolyadin/BelPressa/Tài liệu phát tay qua Reuters)

Thư ký hội đồng an ninh quốc gia Ukraine đã phủ nhận việc nước này phải chịu trách nhiệm về một cuộc tấn công được cho là nhằm vào một kho nhiên liệu của Nga.

Moscow trước đó đã đổ lỗi cho Ukraine. Không có xác nhận độc lập cho các chi tiết trong vụ việc này.

“Vì một số lý do mà họ nói rằng chúng tôi đã làm điều đó, nhưng trên thực tế điều này không phải là sự thật,” ông Oleksiy Danilov nói trên truyền hình Ukraine hôm thứ Sáu (01/04).

Thống đốc khu vực Vyacheslav Gladkov trước đó cho biết hai trực thăng pháo kích của Ukraine đã bay ở độ cao thấp và tấn công cơ sở ở thành phố Belgorod, phía bắc biên giới.

Ông cho biết hai công nhân tại kho nhiên liệu đã bị thương. Tuy nhiên, truyền thông Nga trích dẫn một tuyên bố của công ty dầu khí nhà nước Rosneft phủ nhận việc có người bị thương.

Trong khi đó, văn phòng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết 86 quân nhân Ukraine đã được trả tự do tại khu vực Zaporizhzhia như một phần của chương trình hoán đổi tù nhân với Nga. Số lượng người Nga được thả không được tiết lộ.


Ukraine cho biết họ đã chặn cuộc tấn công bằng hỏa tiễn của Nga vào khu vực Odessa

Hôm thứ Sáu (01/04), Quân đội Ukraine cho biết rằng hệ thống phòng không của họ đã ngăn chặn một cuộc tấn công hỏa tiễn của Nga nhằm vào cơ sở hạ tầng quan trọng ở cảng Odessa, một cảng chính ở Biển Đen.

Thống đốc Maksym Marchenko trước đó cho biết ba hỏa tiễn đã bắn trúng một khu dân cư, tiết lộ thêm rằng có nhiều thương vong.

“Kẻ thù đã cố gắng một cách ngấm ngầm để tấn công các cơ sở hạ tầng quan trọng, việc phá hủy những cơ sở này có thể gây nguy hiểm cho dân thường,” chỉ huy phía nam của quân đội Ukraine cho biết trong một bài đăng trên Facebook.

Bài đăng cho biết, “Nhờ sự phản ứng kịp thời và hiệu quả của lực lượng phòng không, các hỏa tiễn này đã không bắn trúng mục tiêu mà kẻ thù nhắm tới.”

The Epoch Times không thể xác minh ngay lập tức tuyên bố của Ukraine.

Nga đã phủ nhận việc nhắm mục tiêu vào dân thường trong cuộc chiến của họ ở Ukraine bắt đầu vào ngày 24/02 trong cái mà Moscow gọi là một “chiến dịch đặc biệt” nhằm phi quân sự hóa nước láng giềng phía tây nam của mình. Các nước phương Tây gọi đó là một cuộc chiến tranh xâm lược vô cớ.


Thị trưởng Kyiv: Các thị trấn lân cận vẫn bị bao vây

Thị trưởng Kyiv cho biết cuộc bắn phá các thị trấn vệ tinh gần thủ đô Ukraine vẫn đang diễn ra bất chấp lời hứa của Nga về việc rút bớt quân khỏi khu vực này.

Ông Vitali Klitschko nói với đài truyền hình Sky News của Anh hôm thứ Sáu (01/04) rằng ông có thể nghe thấy các tiếng nổ “không ngừng nghỉ cả ngày lẫn đêm.”

Ông Klitschko tuyên bố rằng các thành phố phía tây bắc Kyiv như Irpin, Borodyanka, và Hostomel đang trở thành mục tiêu sau khi các binh lính Ukraine đẩy lùi quân Nga, và rằng giao tranh vẫn tiếp diễn ở Brovary, phía đông Kyiv.

Đối với những người có thể muốn quay trở lại Kyiv trong trường hợp Nga rút quân, ông kêu gọi mọi người đợi thêm “vài tuần” để xem tình hình tiến triển ra sao.


Ủy ban Chữ Thập Đỏ: Không thể đến được Mariupol

Ủy ban Chữ Thập Đỏ quốc tế cho biết một nhóm dự định giúp mọi người rời khỏi thành phố Mariupol bị bao vây đã không thể đến thành phố cảng này vào thứ Sáu (01/04).

Hội Chữ Thập Đỏ cho biết trong một tuyên bố rằng nhóm hy vọng sẽ thử lại vào thứ Bảy.

Họ nói, “các thỏa thuận và điều kiện” đã khiến cho đoàn xe gồm ba phương tiện “không thể thực hiện” [chuyến đi] đến Mariupol một cách an toàn và họ đã quay trở lại Zaporizhzhia.

“Để hoạt động thành công, điều quan trọng là các bên phải tôn trọng các thỏa thuận và cung cấp các điều kiện cần thiết và bảo đảm an ninh,” tổ chức này cho biết.


Tổng thống Putin cảnh báo phương Tây về cuộc khủng hoảng di cư mới

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cảnh báo Âu Châu về một dòng người di cư mới mà theo quan điểm của ông, “chắc chắn” sẽ kéo theo cuộc khủng hoảng lương thực.

Thảo luận hôm thứ Sáu (01/04) về các biện pháp trừng phạt chưa từng có của phương Tây đối với Moscow để đáp trả cuộc tấn công của Nga vào Ukraine, ông Putin đã chỉ trích hành vi của một số chính trị gia phương Tây, những người được cho là đã sẵn sàng hy sinh lợi ích của công dân để “được hưởng những ân sủng tốt đẹp của chủ nhân và lãnh chúa của họ ở hải ngoại [ám chỉ Hoa Kỳ].”

“Mọi người được khuyến khích ăn ít hơn, mặc nhiều quần áo hơn, và sử dụng ít hệ thống sưởi hơn, từ bỏ việc đi lại — có lẽ vì lợi ích của những người đang yêu cầu loại thiếu thốn tự nguyện này như một dấu hiệu của tình đoàn kết trừu tượng ở Bắc Đại Tây Dương,” ông Putin nói tại một cuộc họp về vận tải hàng không và chế tạo phi cơ hôm thứ Sáu.


EU kêu gọi Trung Quốc chấm dứt chiến sự ở Ukraine của Nga

Lãnh đạo Liên minh Âu Châu (EU) và Trung Quốc đã gặp nhau trong một hội nghị thượng đỉnh trực tuyến hôm 01/04, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng về việc Đảng Cộng sản Trung Quốc ngầm ủng hộ cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine.

“Chúng tôi đã kêu gọi Trung Quốc chấm dứt chiến tranh ở Ukraine”, Chủ tịch EU Charles Michel nói trong cuộc họp báo sau hội nghị. “Trung Quốc không thể làm ngơ trước sự vi phạm luật pháp quốc tế của Nga.”

EU đã nhân cơ hội này để cảnh báo ĐCSTQ một cách công khai hơn rằng họ không nên hỗ trợ nỗ lực chiến tranh của Nga.

Ông Michel nói thêm: “Bất kỳ nỗ lực nào nhằm lách các lệnh trừng phạt hoặc viện trợ cho Nga sẽ làm cho chiến sự này dài thêm. Điều này sẽ dẫn đến thiệt hại nhiều hơn về nhân mạng và tác động mạnh mẽ hơn đến nền kinh tế.”


Ukraine: Quân đội Nga bị đẩy lui khỏi Kyiv nhưng giao tranh vẫn tiếp diễn

Hôm thứ Sáu (01/04), các quan chức ở Ukraine cho biết lực lượng của Kyiv đã đẩy lùi quân đội Nga gần thủ đô Kyiv, mặc dù giao tranh được cho là vẫn dữ dội trong khu vực này.

Ông Oleksiy Arestovych, cố vấn chính trị của Tổng thống Volodymyr Zelensky, nói với hãng thông tấn Reuters: “Quân đội của chúng tôi đang truy đuổi họ ở cả phía tây bắc và đông bắc (của Kyiv), đánh đuổi kẻ thù ra khỏi Kyiv.”

Ông Arestovych cho biết Nga đang thực hiện việc luân chuyển quân từng phần và điều một số lực lượng của mình tham chiến ở miền đông Ukraine. Thống đốc khu vực Kyiv, ông Oleksandr Pavlyuk, đã viết trên ứng dụng nhắn tin Telegram trước đó vào thứ Sáu rằng một số binh lính Nga đã quay trở lại và đang tiến về biên giới với Belarus, một đồng minh của Nga.

Ông Pavlyuk cũng cho biết quân đội Nga đã rời khỏi làng Hostomel, bên cạnh một phi trường quan trọng, nhưng họ đang tiến sâu vào thị trấn Bucha.


Ngoại trưởng Lavrov: Kyiv đang thể hiện ‘sự hiểu biết nhiều hơn’ về các vấn đề của Crimea và Donbass

Hôm thứ Sáu (01/04), Ngoại trưởng Nga Lavrov Sergey Lavrov cho biết Ukraine đã tiến gần hơn đến các điều khoản liên quan đến Crimea và các nước cộng hòa Donbass. Ông đưa ra bình luận này vài ngày sau khi vòng đàm phán hòa bình với Kyiv kết thúc tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Ông Lavrov nói với các phóng viên trong chuyến công du tới New Delhi, Ấn Độ: “Có nhiều tiến triển, trước hết là về việc thừa nhận rằng Ukraine không thể trở thành thành viên của một khối, và việc Ukraine không thể gia nhập NATO.”

“Chúng tôi cũng nhận thấy sự hiểu biết nhiều hơn về thực tế. Tôi đang đề cập đến tình hình của Crimea và Donbass.”


Tổng thống Macron cho biết hỗ trợ Mariupol vẫn là ưu tiên hàng đầu

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hứa sẽ tiếp tục làm việc để thiết lập một hành lang nhân đạo bền vững trong và ngoài Mariupol trong cuộc hội đàm hôm thứ Sáu (01/04) với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.

TT Zelensky kêu gọi TT Macron tiếp tục các nỗ lực ngoại giao để Nga đồng ý với các điều kiện di tản và viện trợ, theo văn phòng của ông Macron. Điều đó bao gồm một lệnh ngừng bắn lâu dài được thông báo trước đủ lâu để có thể tổ chức viện trợ.

Trong một tuần, nhà lãnh đạo Pháp đã cố gắng để thu xếp viện trợ cho Mariupol, cho đến nay vẫn chưa thành công.

Văn phòng của ông Macron cho biết Pháp đang làm việc để bảo đảm rằng những người chạy trốn khỏi Mariupol có thể đi “theo hướng họ lựa chọn” và Pháp sẵn sàng giúp đỡ những thường dân phải di tản do chiến tranh đến định cư ở những nơi khác ở Ukraine.

Ông Zelensky nói trên Twitter sau cuộc điện đàm: “Đã được báo cáo về việc chống lại cuộc xâm lược của Nga. Đã thảo luận về quá trình đàm phán – lộ trình và triển vọng, tầm quan trọng của các bảo đảm an ninh. Sáng kiến ​​của (Pháp) về hành lang nhân đạo từ Mariupol phải được thực hiện!”


Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu Tổng thống Putin gặp Tổng thống Zelensky

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho biết một lần nữa ông đã kêu gọi một cuộc gặp giữa các nhà lãnh đạo Ukraine và Nga trong cuộc điện đàm hôm thứ Sáu (01/04) với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Một tuyên bố từ văn phòng của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan cho biết ông và ông Putin cũng đã thảo luận về các cuộc đàm phán giữa Ukraine và Nga được tổ chức tại Istanbul hồi đầu tuần.

Văn phòng của ông Erdogan cho biết nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ nói với ông Putin rằng các cuộc đàm phán ở Istanbul đã “lóe lên tia hy vọng về hòa bình”. Ông Erdogan cho biết Thổ Nhĩ Kỳ muốn hoàn tất những nỗ lực đó bằng cách đưa TT Putin và TT Ukraine Volodymyr Zelensky lại gần nhau, theo tuyên bố.

Tuyên bố cho biết ông Erdogan nói với ông Putin rằng điều quan trọng là các bên “phải hành động với lợi ích chung và duy trì đối thoại.”

Trong cuộc điện đàm, ông Putin cảm ơn ông Erdogan đã chủ trì cuộc gặp giữa các phái đoàn, theo văn phòng của ông Erdogan.

Trước đó, hôm thứ Sáu, ông Erdogan cho biết ông Zelensky sẵn sàng tham gia cuộc họp của các nhà lãnh đạo do Thổ Nhĩ Kỳ tổ chức.


Nga cảnh báo nguồn cung cấp nông nghiệp có thể chỉ giới hạn cho ‘bằng hữu’

Ông Dmitry Medvedev, người từng giữ chức tổng thống từ năm 2008 đến năm 2012 và hiện là phó thư ký hội đồng an ninh Nga, đã cảnh báo hôm thứ Sáu (01/04) rằng Nga, nhà xuất cảng lúa mì lớn trên toàn cầu, có thể hạn chế nguồn cung sản phẩm nông nghiệp chỉ dành cho các quốc gia “thân thiện”, trong bối cảnh các lệnh trừng phạt của phương Tây áp đặt lên Moscow về cuộc khủng hoảng Ukraine.

Ông cho biết ông muốn đưa ra “một số điểm đơn giản nhưng quan trọng về an ninh lương thực ở Nga,” vì các lệnh trừng phạt được áp đặt.

Hầu hết những điểm này đều nằm trong chính sách nông nghiệp của đất nước trong nhiều năm.

“Chúng tôi sẽ chỉ cung cấp các sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm cho bằng hữu của chúng tôi,” ông Medvedev nói trên mạng xã hội. “May mắn thay, chúng tôi có rất nhiều bằng hữu, và họ không ở Âu Châu hay Bắc Mỹ.”

Nga đã cung cấp lúa mì chủ yếu cho Phi Châu và Trung Đông. Liên minh Âu Châu và Ukraine là những đối thủ cạnh tranh chính của nước này trong thương mại lúa mì.

Ông Medvedev cho biết ưu tiên trong hoạt động cung cấp lương thực là thị trường nội địa của Nga và kiểm soát giá cả trong đó. Nga đã sử dụng hạn ngạch và thuế xuất cảng ngũ cốc từ năm 2021 để cố gắng ổn định lạm phát lương thực cao trong nước.

Nguồn cung cấp nông nghiệp cho “bằng hữu” sẽ [được thanh toán] bằng đồng rúp và tiền tệ quốc gia của họ theo tỷ lệ đã thỏa thuận, ông Medvedev nói.

Tiền tệ thanh toán có thể khác nhau trong từng hợp đồng xuất cảng ngũ cốc tùy theo nhu cầu của người mua và người bán. Tuy nhiên, nhận xét của ông Medvedev được đưa ra sau khi  gần đây Nga đã yêu cầu người mua ngoại quốc thanh toán khí đốt của Nga bằng đồng rúp.


Ý tiếp tục cuộc săn tìm sự đa dạng nguồn cung cấp khí đốt

Hôm thứ Sáu (01/04), Ngoại trưởng của Ý đã đến thăm Azerbaijan trong khuôn khổ nỗ lực của Ý nhằm đa dạng hóa nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên sau khi Nga xâm lược Ukraine.

Ý mua 40% khí đốt của mình từ Nga, mà Thủ tướng Mario Draghi hôm thứ Sáu thừa nhận đã trực tiếp tài trợ cho cuộc chiến của Nga.

Ngoại trưởng Luigi Di Maio sẽ thảo luận về khả năng tăng nguồn cung cấp khí đốt từ Azerbaijan thông qua đường ống xuyên Adriatic, được phát triển để thay thế cho nguồn cung cấp của Nga. Đường ống này đã vận chuyển khí đốt lần đầu tiên vào cuối năm 2020.

Ông Di Maio đã thực hiện các nhiệm vụ tới Qatar, Algeria, Angola và Congo khi Ý tìm cách thay thế khí đốt của Nga.


Ngoại trưởng Ukraine: Không có thông tin về việc ai đã thực hiện cuộc tấn công vào kho nhiên liệu Belgorod

Hôm thứ Sáu (01/04), Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cho biết ông không thể xác nhận hoặc phủ nhận cáo buộc về việc Ukraine liên quan đến một cuộc tấn công vào kho nhiên liệu ở thành phố Belgorod của Nga vì ông không biết mọi thông tin quân sự.

Hồi đáp nghi vấn về vụ tấn công tại một một cuộc họp ở Ba Lan, ông Kuleba nói: “Tôi không thể xác nhận cũng như bác bỏ tuyên bố rằng Ukraine có liên quan đến vụ việc này đơn giản vì tôi không nắm được bất kỳ thông tin quân sự nào.”

Ông cũng cho biết Ukraine đang chờ đợi phản ứng chính thức của Nga đối với các đề xướng của Kyiv được đưa ra tại các cuộc đàm phán hòa bình ở Thổ Nhĩ Kỳ, và rằng Ukraine không bị các cường quốc ngoại quốc thúc ép thỏa hiệp trong các cuộc đàm phán.


Tổng giám đốc IAEA sẽ tới thăm Chernobyl

Người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) nói rằng việc quân đội Nga rút lui khỏi nhà máy điện Chernobyl đã ngừng hoạt động là “một bước đi đúng hướng” và cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hiệp Quốc dự định sẽ đến đó “rất, rất sớm.”

Tổng giám đốc IAEA Rafael Mariano Grossi cho biết ông sẽ dẫn đầu một phái đoàn hỗ trợ đến Chernobyl, nơi xảy ra thảm họa hạt nhân năm 1986, và các sứ mệnh an toàn hạt nhân tiếp theo tới Ukraine sau đó.

Ông Grossi đã thông báo về thông tin trên hôm thứ Sáu (01/04) sau chuyến thăm Ukraine và Nga. Ông cho biết các quan chức Bộ Ngoại giao và hạt nhân Nga đã không thảo luận với ông về lý do tại sao các lực lượng Nga rời Chernobyl.

Về tình hình chung của khu vực, ông nói: “Tình hình bức xạ xung quanh nhà máy là khá bình thường. Có một mức độ bức xạ cục bộ tương đối cao hơn do sự di chuyển của các phương tiện hạng nặng vào thời điểm nhà máy bị chiếm đóng, và rõ ràng điều này có thể lại xảy ra trên đường họ rút quân.”


Khí đốt tự nhiên của Nga vẫn chảy sang Âu Châu

Các quan chức Nga cho biết yêu cầu của họ rằng khí đốt tự nhiên được thanh toán bằng đồng rúp không có nghĩa là nguồn cung cấp sẽ bị gián đoạn ngay lập tức.

Khí đốt được sử dụng cho việc sưởi ấm và cho năng lượng vẫn chảy từ Nga sang Âu Châu vào thứ Sáu.

Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết “các khoản thanh toán cho các lô hàng đang được giải quyết ngay bây giờ không phải được thực hiện ngay trong chính ngày đó, mà là một ngày khác vào cuối tháng Tư, hoặc thậm chí đầu tháng Năm.”

Hôm thứ Sáu (01/04), Tổng thống Vladimir Putin cho biết rằng Nga sẽ bắt đầu chấp nhận thanh toán bằng đồng rúp vào thứ Sáu và nguồn cung cấp khí đốt sẽ bị cắt nếu người mua không đồng ý với các điều kiện mới.

Một nghị định mà ông đã ký đã cho phép các nhà chức trách Nga và Gazprombank có 10 ngày để thu xếp. Nghị định cũng cho biết các quốc gia có thể trả ngoại tệ cho ngân hàng này, ngân hàng sẽ chuyển đổi nó thành rúp trong một tài khoản thứ hai.

Giám đốc năng lượng của Ủy ban Âu Châu cho biết trên Twitter rằng Liên minh Âu Châu đang phối hợp “để thiết lập một cách tiếp cận chung”. Các nhà lãnh đạo phương Tây cho biết họ sẽ tiếp tục thanh toán bằng đồng euro và đồng dollar Mỹ.


Ukraine tuyên bố đã chiếm lại 29 khu định cư ở các khu vực Kyiv và Chernihiv

Bộ tham mưu của Ukraine cho biết các lực lượng vũ trang của nước này đã giành lại quyền kiểm soát 29 khu định cư ở các khu vực Kyiv và Chernihiv, nơi Nga đã rút bớt một số binh lính của mình.

Bộ tham mưu cho biết quân đội Nga ở phía đông bắc tiếp tục phong tỏa và bắn phá Chernihiv và Kharkiv.

Quân đội Ukraine cho biết ở phía đông nam của nước này, người Nga đang cố gắng chiếm giữ các thành phố Popasna, Rubizhne và Mariupol để mở rộng lãnh thổ của hai nước cộng hòa ly khai là Donetsk và Luhansk.


Điện Kremlin nói cuộc tấn công của Ukraine vào kho nhiên liệu của Nga tạo ra bối cảnh khó xử cho các cuộc đàm phán

Hôm thứ Sáu (01/04), Điện Kremlin cho biết cuộc tấn công của Ukraine nhằm vào kho nhiên liệu ở thành phố Belgorod của Nga đã không tạo điều kiện thuận lợi để tiếp tục đàm phán hòa bình với Kyiv.

Nga cáo buộc Ukraine hôm thứ Sáu đã tấn công kho nhiên liệu nhưng chính phủ Ukraine đã không lập tức phúc đáp các yêu cầu bình luận.

Nói chuyện với các phóng viên trong một cuộc gọi hội nghị, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết các nhà chức trách đang làm mọi thứ để tái tổ chức chuỗi cung ứng nhiên liệu và tránh sự gián đoạn nguồn cung cấp năng lượng ở Belgorod.

Trước đó, một quan chức Nga cho biết vào hôm thứ Sáu rằng hai phi cơ trực thăng quân sự Ukraine đã tấn công một kho nhiên liệu ở Belgorod, đưa ra cáo buộc đầu tiên về một cuộc không kích của Ukraine trên đất Nga kể từ khi Moscow đưa quân vào Ukraine vào cuối tháng Hai.


Cuộc đàm phán Nga-Ukraine nối lại qua liên kết video

Các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine đã được nối lại thông qua liên kết video.

Trưởng phái đoàn Nga Vladimir Medinsky đã công bố một bức ảnh về các cuộc đàm phán đang diễn ra hôm thứ Sáu. Văn phòng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky xác nhận với hãng thông tấn AP rằng các cuộc đàm phán đã được nối lại.

Cuộc đàm phán hôm thứ Sáu (01/04) diễn ra ba ngày sau cuộc gặp cuối cùng, tại Thổ Nhĩ Kỳ, giữa các phái đoàn Nga và Ukraine.

Ông Medinsky, nhà đàm phán chính của Nga, cho biết “lập trường của chúng tôi về Crimea và Donbas là không thay đổi.”


Hungary: Không thể thay thế khí đốt của Nga bằng nguồn cung thay thế ‘đắt đỏ’ của Hoa Kỳ

Thủ tướng Hungary Viktor Orban cho biết có những quốc gia sẽ không thể thay thế khí đốt của Nga bằng nguồn cung thay thế đắt đỏ hơn của Mỹ.

Hôm thứ Sáu (01/04), trình bày với đài phát thanh địa phương Kossuth, Thủ tướng Hungary cho biết khí đốt của Nga là lựa chọn duy nhất của đất nước ông, vì Hungary nằm trong đất liền và sẽ không thể nhận khí đốt hóa lỏng từ Hoa Kỳ.

Ông Orban nhắc lại rằng Hungary lên án cuộc tấn công của Nga nhằm vào Ukraine và ông hiểu những nỗ lực của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, khi đất nước của ông đang gặp khó khăn và ông ấy đang tìm kiếm lợi ích của Ukraine, nhưng tuyên bố rằng Hungary “không thể giúp đỡ người dân Ukraine bằng cách tự hủy hoại chính mình.”

“Không phải là mặc một chiếc áo len vào ban đêm, giảm sưởi một chút hoặc trả nhiều hơn một chút cho khí đốt, mà là thực tế là nếu không có năng lượng từ Nga, Hungary sẽ không còn năng lượng,” ông Orban nói.


Tổng thống Zelensky tước quân hàm của hai tướng lĩnh trong quân đội Ukraine

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết ông đã tước quân hàm của hai tướng trong quân đội Ukraine.

Ông Zelensky nói “có điều gì đó đã ngăn cản họ xác định quê hương của mình ở đâu” và họ “vi phạm lời thề trung thành của quân đội đối với người dân Ukraine”.

Theo ông Zelensky, một trong những vị tướng này lãnh đạo an ninh nội bộ tại SBU, cơ quan tình báo chính.

Ông cho biết vị tướng kia từng là người đứng đầu SBU ở vùng Kherson, thành phố lớn đầu tiên rơi vào tay người Nga.

Ông Zelensky không cho biết về số phận của hai vị tướng này ngoài việc họ bị tước quân hàm.


Liên minh Âu Châu đề nghị cho phép Ukraine chuyển tiền của họ thành đồng euro

Cơ quan điều hành của Liên minh Âu Châu đang đề xuất rằng các quốc gia của khối 27 quốc gia cho phép hàng triệu người tị nạn chạy khỏi cuộc chiến ở Ukraine đổi tiền giấy hryvnia của họ sang tiền tệ của các quốc gia thành viên sở tại.

Hôm thứ Sáu (01/04), Ủy ban Âu Châu cho biết đề nghị của họ nhằm thúc đẩy một cách tiếp cận phối hợp trong khu vực này.

Ủy ban cho biết: “Cách tiếp cận này là cần thiết vì Ngân hàng Quốc gia Ukraine đã phải đình chỉ việc đổi tiền giấy hryvnia sang tiền mặt ngoại quốc để bảo vệ nguồn dự trữ ngoại hối hạn chế của Ukraine.”

“Do đó, các tổ chức tín dụng ở các Quốc gia Thành viên EU đã không sẵn sàng thực hiện việc đổi tiền do khả năng chuyển đổi hạn chế của tiền giấy hryvnia và rủi ro tỷ giá hối đoái.”

Theo số liệu của EU, hơn 3.8 triệu người chạy trốn khỏi chiến tranh đã đến Liên minh Âu Châu. Hơn 4 triệu người đã đào thoát khỏi Ukraine.

Ủy ban đề xướng một giới hạn tối đa 10,000 hryvnias (306 euro) cho mỗi người, không tính phí, theo tỷ giá hối đoái chính thức do Ngân hàng Quốc gia Ukraine công bố.


Ukraine kiểm soát Chernobyl sau khi quân Nga rời đi

Ngoại trưởng Ukraine nói rằng hiện nay chính phủ của đất nước ông đã trở lại kiểm soát địa điểm hạt nhân Chernobyl, họ sẽ làm việc với cơ quan nguyên tử của Liên Hiệp Quốc để xác định những gì người Nga đang chiếm đóng đã làm ở đó và giảm thiểu mọi nguy hiểm.

Quân đội Nga đã rời khu vực hạt nhân bị ô nhiễm nặng vào đầu ngày thứ Sáu và trao lại quyền kiểm soát cho người Ukraine.


Tổng thống Erdogan cho biết hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo về Ukraine có thể diễn ra tại Istanbul

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã nhắc lại rằng ông muốn tổ chức một cuộc họp giữa các nhà lãnh đạo Ukraine và Nga tại Istanbul, với hy vọng rằng cuộc họp này sẽ “biến những sự kiện đang diễn ra một cách tiêu cực thành tích cực.”

Ông Erdogan đưa ra những bình luận trên vào ngày thứ Sáu trước khi ông ​​có cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin theo lịch trình. Trong cuộc gọi, ông được cho là một lần nữa đề nghị tổ chức một cuộc họp giữa các nhà lãnh đạo.

Ông Erdogan nói với các phóng viên rằng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, người mà ông đã nói chuyện hôm thứ Sáu (01/04), đã có một “cái nhìn tích cực” đối với một cuộc gặp như vậy ở Thổ Nhĩ Kỳ và thái độ của ông Putin đã tích cực trong quá khứ.

Các phái đoàn Nga và Ukraine đã tổ chức một cuộc gặp trực tiếp tại Istanbul vào đầu tuần này, trong đó Ukraine đã trình bày một danh sách các đề xướng, bao gồm việc Ukraine sẽ có vị trí trung lập được một loạt các nước bảo đảm.


Các thống đốc: Nga rút một số binh lính ở các khu vực Kyiv và Chernihiv của Ukraine

Nga đang rút một số lực lượng của mình ở các khu vực phía bắc Ukraine của Kyiv và Chernihiv, thống đốc hai khu vực này cho biết hôm thứ Sáu (01/04).

Trong các cuộc đàm phán hôm thứ Ba, Nga cho biết họ sẽ giảm quy mô hoạt động ở các khu vực Kyiv và Chernihiv. Giao tranh vẫn tiếp diễn ở cả hai khu vực này và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết các lực lượng Nga không rút lui mà tập hợp lại.

Thống đốc vùng Kyiv, Oleksandr Pavlyuk, viết trên ứng dụng nhắn tin Telegram: “Chúng tôi đang quan sát sự di chuyển của các hàng xe chung (Nga) có số lượng khác nhau.”

Ông Pavlyuk cho biết một số binh sĩ đang tiến về biên giới với Belarus, một đồng minh của Nga.

Ông cho biết các lực lượng Nga đã rời khỏi làng Hostomel, bên cạnh một phi trường quan trọng, nhưng đang tiến sâu vào thị trấn Bucha. Reuters đã không thể xác minh thông tin này.

Thống đốc Chernihiv Viacheslav Chaus cho biết một số quân Nga đã rút lui nhưng một số vẫn ở lại khu vực của ông.

“Các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn và không quân (vẫn) có thể xảy ra trong khu vực, không ai loại trừ khả năng này,” ông tuyên bố trong video.


Điện Kremlin: Không có lính nghĩa vụ nào được cử đến Ukraine

Hôm thứ Sáu (01/04), Điện Kremlin cho biết Moscow sẽ không điều lính nghĩa vụ đến Ukraine, một ngày sau khi Tổng thống Vladimir Putin ký một sắc lệnh yêu cầu 134,500 lính nghĩa vụ mới gia nhập quân đội như một phần của chiến độ quân dịch mùa xuân hàng năm của Nga.

Vấn đề lính nghĩa vụ tham gia chiến dịch quân sự của Nga với Ukraine rất nhạy cảm. Hôm 09/03, Bộ Quốc phòng Nga thừa nhận rằng một số đã được cử đến Ukraine sau khi ông Putin phủ nhận điều này trong nhiều dịp khác nhau, nói rằng chỉ có quân nhân và sĩ quan chuyên nghiệp được cử đến đó.


Ukraine: Một số quân nhân Nga vẫn ở trong vùng loại trừ của Chernobyl

Một số binh lính Nga vẫn ở trong “vùng loại trừ” xung quanh nhà máy điện hạt nhân Chernobyl vào sáng thứ Sáu (01/04), một ngày sau khi họ chấm dứt việc chiếm đóng nhà máy này, một quan chức Ukraine cho biết.

Các lực lượng Nga đã chiếm đóng nhà máy điện không còn hoạt động ở phía bắc Kyiv này ngay sau khi xâm lược Ukraine bắt đầu vào ngày 24/02 nhưng công ty năng lượng hạt nhân nhà nước của Ukraine, Energoatom, hôm thứ Sáu cho biết binh lính Nga đã rời nhà máy và đang tiến về biên giới với Belarus.

“Người ta đã nhìn thấy binh lính Nga trong vùng loại trừ sáng nay,” ông Yevhen Kramarenko, người đứng đầu cơ quan phụ trách vùng loại trừ, cho biết trong các bình luận trên truyền hình hôm thứ Sáu (01/04).

Ông không cho biết những binh lính này đang làm gì hoặc họ có thể đi đến đâu. Ông nói thêm rằng không có binh lính Nga nào được nhìn thấy trên lãnh thổ của nhà máy điện hạt nhân ngừng hoạt động này.

Không có bình luận ngay lập tức từ các nhà chức trách Nga về tin tức cuộc rút quân này.

Khu vực cấm được tạo lập vì mức độ bức xạ cao trong khu vực này sau khi một lò phản ứng hạt nhân phát nổ tại nhà máy vào tháng 04/1986 trong vụ tai nạn hạt nhân tồi tệ nhất thế giới. Khu vực này ban đầu trải dài 30 km (19 dặm) từ nhà máy theo mọi hướng nhưng sau đó đã được mở rộng thêm.

Các nhân viên Ukraine của nhà máy tiếp tục giám sát việc lưu trữ an toàn nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng tại Chernobyl trong khi nơi này bị quân Nga chiếm đóng, đồng thời cũng giám sát phần còn lại của lò phản ứng nổ năm 1986.


IAEA: Quân đội Nga trao lại Chernobyl cho Ukraine

Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cho biết các lực lượng Nga đã bắt đầu rời khỏi Nhà máy điện hạt nhân Chernobyl không còn hoạt động, nơi xảy ra thảm họa lớn năm 1986. Vào tháng Hai, Nga đã chiếm giữ các cơ sở khi bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine.

IAEA cho biết thêm, các lực lượng Nga cũng đã rời thành phố Slavutych gần đó, nơi có nhiều nhân viên của nhà máy này sinh sống. Cơ quan này dẫn nguồn tin Ukraine cho biết một số binh sĩ Nga vẫn có mặt tại hiện trường, nhưng “người ta cho rằng họ cũng đang chuẩn bị rời đi.”


Nga ca ngợi quan điểm trung lập của Ấn Độ trong cuộc giao tranh với Ukraine

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã tham dự cuộc họp với Các nhà lãnh đạo của Ấn Độ và Trung Quốc trong tuần này — hai quốc gia cho đến nay vẫn hạn chế lên án việc Nga xâm lược Ukraine — khi Moscow tiếp tục bị trừng phạt bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Ông Lavrov đã có mặt lần đầu tiên tại Trung Quốc, nơi ông gặp Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị vào thứ Tư trước khi bay đến New Delhi vào thứ Năm, nơi ông dự kiến ​​gặp Thủ tướng Narendra Modi và Ngoại trưởng S Jaishankar vào thứ Sáu.

Các cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh Điện Kremlin cố gắng duy trì mối quan hệ khăng khít với các cường quốc Á Châu sau khi bị Mỹ, EU và Anh áp đặt một loạt lệnh trừng phạt. Các lệnh trừng phạt này được đưa ra sau khi “chiến dịch quân sự đặc biệt” của ông Vladimir Putin ở nước láng giềng Ukraine bắt đầu vào ngày 24/02.

Những cuộc gặp cũng diễn ra khi Nga tìm cách tăng cường hỗ trợ từ cả Ấn Độ và Trung Quốc khi nước này ngày càng bị cô lập khỏi các hệ thống tài chính và chuỗi cung ứng toàn cầu.


Các nhóm Chữ Thập Đỏ đang trên đường đến Mariupol, nhưng không có viện trợ

Một phát ngôn viên cho biết tại một cuộc họp báo rằng Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế (ICRC) đang cử nhân viên đến thành phố cảng Mariupol bị bao vây của Ukraine và hy vọng rằng hoạt động di tản hàng ngàn dân thường có thể bắt đầu vào thứ Sáu (01/04).

Thành phố này đã bị bao vây kể từ những ngày đầu của cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine bắt đầu hôm 24/02; một nỗ lực trước đó của Hội Chữ Thập Đỏ để tiếp cận thành phố hồi đầu tháng Ba đã thất bại vì tuyến đường được phát hiện là không an toàn và xung đột lại tiếp tục.

Phát ngôn viên của ICRC, ông Ewan Watson, cho biết: “Chúng tôi được phép di chuyển ngày hôm nay và chúng tôi đang trên đường đến Mariupol. Chúng tôi hy vọng nó (việc khởi động hành lang an toàn) sẽ bắt đầu hôm nay.”

Theo thị trưởng, nhóm Chữ Thập Đỏ gồm 3 chiếc xe chở 9 nhân viên dẫn đầu một đoàn xe gồm 54 xe buýt Ukraine và một số phương tiện cá nhân ra khỏi thành phố, nơi có tới 170,000 người sống trong cảnh không có điện và lương thực hạn chế.

Ông Watson nhấn mạnh rằng hoạt động này đã được cả hai bên chấp thuận nhưng cơ quan này vẫn đang nghiên cứu một số chi tiết chính như thời gian chính xác cũng như điểm đến, đây sẽ là một địa điểm chưa được xác định ở Ukraine.

Ông nói: “Việc kết nối đoàn xe trong hành lang an toàn này đã đang và vẫn sẽ vô cùng phức tạp.”

Ông nói, Hội Chữ Thập Đỏ không được phép viện trợ nhân đạo cùng với đoàn xe, và họ đã khởi hành mà không có các nguồn cung cấp y tế và vật tư khác mà họ đã lên kế hoạch chuẩn bị trước ở thành phố Zaporizhzhia.

“Hiện tại chúng tôi không được phép mang viện trợ theo nhưng đó là điều mà chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực để cố gắng thực hiện trong những ngày tới,” ông nói thêm. Ông từ chối cung cấp thêm chi tiết.


Bộ Ngoại giao: Hoa Kỳ sẽ không công nhận kết quả của bất kỳ nỗ lực nào của Nga nhằm chia cắt lãnh thổ Georgia 

Hoa Kỳ sẽ không công nhận kết quả của bất kỳ nỗ lực nào của Nga hoặc các lực lượng ủy nhiệm của họ nhằm phân chia lãnh thổ có chủ quyền của Georgia, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ned Price cho biết hôm thứ Sáu (01/04), sau khi Georgia bác bỏ kế hoạch tổ chức trưng cầu dân ý về việc sáp nhập vùng South Ossetia do Nga hậu thuẫn vào với Nga.


Các cuộc đàm phán với Ukraine tiếp tục, Âu Châu đối mặt thời hạn thanh toán khí đốt của Nga

Người mua khí đốt của Nga ở Âu Châu phải đối mặt với thời hạn bắt đầu thanh toán bằng đồng rúp vào thứ Sáu (01/04), trong khi các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt cuộc chiến kéo dài 5 tuần được thiết lập để tiếp tục ngay cả khi Ukraine chuẩn bị cho các cuộc tấn công tiếp theo tại phía nam và phía đông.

Các nhà chức trách Ukraine đã hy vọng sẽ di tản thêm cư dân khỏi cảng bị bao vây phía nam Mariupol vào thứ Sáu sau khi Nga đồng ý mở một hành lang nhân đạo, nhưng một số thỏa thuận trước đó đã sụp đổ trong bối cảnh hai bên cáo buộc lẫn nhau.

Hôm thứ Sáu (01/04), Hãng thông tấn RIA dẫn lời một quan chức cao cấp của Bộ Ngoại giao cho biết Nga sẽ đáp trả các lệnh trừng phạt của Liên minh Âu Châu .

Ông Nikolai Kobrinets nói với hãng thông tấn: “Các hành động của EU sẽ được đáp trả… các biện pháp trừng phạt vô trách nhiệm của Brussels đã và đang ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống hàng ngày của dân thường ở Âu Châu”.

Hôm thứ Năm, Tổng thống Nga Vladimir Putin yêu cầu người mua năng lượng Âu Châu bắt đầu thanh toán bằng đồng rúp từ thứ Sáu hoặc không các hợp đồng hiện tại sẽ bị tạm dừng.

Các chính phủ Âu Châu đã bác bỏ tối hậu thư của ông Putin.


Úc gửi xe thiết giáp cho Ukraine

Hôm thứ Sáu (01/04), Thủ tướng Úc Scott Morrison cho biết rằng đất nước của ông sẽ gửi xe thiết giáp Bushmaster đến Ukraine để giúp đỡ họ trong cuộc chiến chống lại Nga.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã đặc biệt yêu cầu được hỗ trợ những thiết bị này họ trong một video kêu gọi các nhà lập pháp Úc viện trợ thêm.

Ông Zelensky đã trình bày trước Quốc hội Úc vào thứ Năm và đề nghị cung cấp các phương tiện bốn bánh do Úc sản xuất.

Ông Morrison nói với các phóng viên rằng các phương tiện này sẽ được chở bằng phi cơ vận tải Boeing C-17 Globemaster, nhưng ông không nói rõ có bao nhiêu phương tiện Bushmaster sẽ được gửi đi hoặc khi nào.

Ông Morrison nói, “Chúng tôi không chỉ gửi đi những lời cầu nguyện, mà chúng tôi còn đang gửi súng, gửi bom, gửi đạn, gửi viện trợ nhân đạo, chúng tôi gửi tất cả những thứ này, áo giáp của chúng tôi, tất cả những thứ này và chúng tôi sẽ gửi các phương tiện thiết giáp, cả những chiếc Bushmaster của chúng tôi nữa.”


Chính phủ Ukraine: Quân đội Nga chặn xe buýt rời Mariupol

Chính phủ Ukraine cho biết quân đội Nga đã chặn 45 xe buýt được điều đến để di tản dân thường khỏi thành phố cảng Mariupol bị bao vây, và chỉ 631 người có thể rời khỏi thành phố bằng xe hơi riêng.

Phó Thủ tướng Iryna Vereshchuk cho biết 12 xe tải của Ukraine đã có thể vận chuyển hàng nhân đạo tới Mariupol, nhưng hàng tiếp tế này đã bị quân đội Nga thu giữ.

Theo các quan chức Ukraine, hàng chục ngàn người đã rời Mariupol trong những tuần gần đây dọc theo các hành lang nhân đạo, làm giảm dân số thành phố từ 430,000 người trước chiến tranh xuống còn khoảng 100,000 người vào tuần trước (21-27/03).

Ông Vereshchuk cho biết khoảng 45,000 cư dân Mariupol đã bị ép buộc tới Nga và các khu vực miền đông Ukraine do phe ly khai được Nga hậu thuẫn kiểm soát.


Nga cấm thêm các quan chức hàng đầu của Liên minh Âu Châu để đáp trả các lệnh trừng phạt

Hôm thứ Năm (31/03), Nga cho biết họ đã mở rộng đáng kể số lượng các quan chức Liên minh Âu Châu, các nhà lập pháp, các nhân vật của công chúng, và các ký giả bị cấm khỏi Nga vì bị cáo buộc chịu trách nhiệm về các lệnh trừng phạt và kích động tâm lý bài Nga.

“Các hạn chế áp dụng đối với giới lãnh đạo cao nhất của Liên minh Âu Châu, bao gồm một số ủy viên Âu Châu và những người đứng đầu các cơ cấu quân sự của EU, cũng như đại đa số các thành viên của Nghị viện Âu Châu, những người đã thúc đẩy các chính sách chống Nga,” Bộ Ngoại giao Nga cho biết.

EU, Hoa Kỳ, và nhiều nước phương Tây khác đã áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế và chính trị sâu rộng đối với Nga, một số phương tiện truyền thông Nga, và những người Nga nổi tiếng hoặc giàu có để đáp lại cuộc xâm lược của Moscow vào Ukraine hôm 24/02.

Moscow cho biết danh sách đen của họ cũng bao gồm các đại diện của một số quốc gia thành viên EU cũng như các nhân vật công chúng và ký giả, những người mà họ nói là “chịu trách nhiệm cá nhân trong việc thúc đẩy các lệnh trừng phạt chống Nga bất hợp pháp, kích động tâm lý bài Nga và vi phạm các quyền và quyền tự do của cộng đồng nói tiếng Nga.”


Công ty hạt nhân quốc gia Ukraine: Quân đội Nga đã rời khỏi nhà máy Chernobyl

Hôm thứ Năm (31/03), công ty hạt nhân quốc gia Ukraine cho biết tất cả các lực lượng Nga chiếm đóng nhà máy điện hạt nhân Chernobyl đã rút khỏi lãnh thổ của nhà máy không còn hoạt động này.

Không có bình luận ngay lập tức từ các nhà chức trách Nga. Cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hiệp Quốc, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), cho biết họ đang chuẩn bị cử một phái đoàn tới các cơ sở chất thải phóng xạ tại Chernobyl, thuộc miền bắc Ukraine.

Mặc dù quân đội Nga đã giành quyền kiểm soát Chernobyl ngay sau cuộc xâm lược ngày 24/02, nhưng các nhân viên Ukraine của nhà máy vẫn tiếp tục giám sát việc lưu trữ an toàn nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng và giám sát phần còn lại của lò phản ứng nổ năm 1986, gây ra vụ tai nạn hạt nhân tồi tệ nhất thế giới.

“Theo các nhân viên của nhà máy điện hạt nhân Chernobyl, hiện không có người ngoài nào trên địa bàn này,” Energoatom cho biết trong một bài đăng trực tuyến. Energoatom là công ty quốc doanh trước đó đã cho biết hầu hết quân đội đã đi hết, chỉ còn lại một số lượng nhỏ.

Quân đội Nga cũng đã rút lui khỏi thị trấn Slavutych gần đó, nơi các nhân viên tại Chernobyl sinh sống, công ty cho hay.


Anh và các đồng minh gửi thêm viện trợ gây sát thương cho Ukraine

Hôm thứ Năm (31/03), Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace cho biết Anh, và các đồng minh đã đồng ý gửi thêm viện trợ quân sự gây sát thương cho Ukraine để giúp nước này tự vệ trước cuộc xâm lược của Nga.

“Sẽ có nhiều viện trợ gây sát thương hơn vào Ukraine nhờ kết quả của ngày hôm nay. Một số quốc gia đã đưa ra những ý tưởng mới hoặc các cam kết hỗ trợ tài chính nhiều hơn,” ông Wallace nói với các phóng viên sau khi tiếp đón hơn 35 đối tác quốc tế tại Hội nghị các Nhà tài trợ Quốc phòng cho Ukraine (IDDCU) lần thứ hai.

Khoản viện trợ này sẽ bao gồm việc cung cấp các hệ thống phòng thủ bờ biển và phòng không, pháo binh tầm xa hơn, các năng lực phản pháo (counter battery capability), xe bọc thép, cũng như hỗ trợ đào tạo và hậu cần rộng rãi hơn.

“Hội nghị các nhà tài trợ hôm nay thể hiện quyết tâm của cộng đồng quốc tế trong việc hỗ trợ Ukraine đối mặt với cuộc xâm lược bất hợp pháp và vô cớ của Tổng thống Putin do quân đội Nga tiến hành,” ông Wallace cho biết trong một tuyên bố sau đó.

“Chúng tôi đang tăng cường phối hợp để tăng cường hỗ trợ quân sự và bảo đảm Lực lượng Vũ trang Ukraine phát triển mạnh mẽ hơn khi họ tiếp tục đẩy lùi quân đội Nga.”

Moscow gọi cuộc xâm lược mà nước này tiến hành vào ngày 24/02 là một “chiến dịch quân sự đặc biệt” nhằm phi quân sự hóa và “phi phát xít hóa” nước láng giềng — mà Ukraine và phương Tây đã bác bỏ như một lý do vô căn cứ cho chiến tranh.


Đồng rúp phục hồi sau các lệnh trừng phạt

Đồng tiền của Nga, đồng rúp, đã phục hồi mạnh mẽ sau khi bị mất giá do hậu quả của các lệnh trừng phạt của phương Tây vì cuộc tấn công của Moscow vào Ukraine.

Hôm 24/02, khi Nga xâm lược Ukraine, đồng rúp được giao dịch với đồng dollar Mỹ với tỷ giá hối đoái khoảng 81 rúp 1 dollar. Sau khi Hoa Kỳ và Liên minh Âu Châu áp đặt các lệnh trừng phạt, tỷ giá hối đoái đã tăng vọt lên khoảng 158 rúp 1 dollar vào hôm 07/03. Tính đến ngày 31/03, lúc 16 giờ 58 phút theo giờ phối hợp quốc tế (UTC), đồng rúp được giao dịch ở mức khoảng 83 rúp 1 dollar, gần như đạt trở lại mức mà đồng tiền này được giao dịch khi cuộc chiến bắt đầu.

Các biến động thị trường của đồng rúp, ở một mức độ nào đó, là do các lực lượng nhân tạo quyết định. Đồng tiền này đang bị ảnh hưởng bởi các biện pháp kiểm soát vốn của nhà nước, bao gồm một lệnh cấm mua dollar và euro. Ngân hàng trung ương Nga đã yêu cầu các nhà xuất cảng đổi 80% doanh thu từ đồng tiền mạnh của họ lấy đồng rúp, do đó tạo ra nhu cầu mới đối với đồng tiền này.


Ukraine tiết lộ mức độ phá hủy của ngành công nghiệp quốc phòng  

Cố vấn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy, ông Alexey Arestovich, cho biết quân đội Nga gần như đã phá hủy hoàn toàn ngành công nghiệp quốc phòng của Ukraine và đang “kết liễu” nền công nghiệp dân sự.

Bình luận về vòng đàm phán gần đây nhất giữa Moscow và Kyiv, diễn ra hôm thứ Ba (29/03) tại Istanbul, ông Arestovich nhấn mạnh rằng bất kỳ “hành động xâm lược quân sự quy mô lớn nào và thỏa thuận hòa bình nào luôn là sự thỏa hiệp giữa các bên.”

“Vì cả hai bên đều chịu tổn thất. Nếu quý vị nghĩ rằng chúng tôi không chịu tổn thất thì quý vị đã nhầm to. Trên thực tế, họ đã phá hủy ngành công nghiệp quân sự của chúng tôi và đang chấm dứt nó hoàn toàn theo nhiều cách. Và theo nhiều cách, họ đang kết liễu ngành công nghiệp dân sự, cố tình phá hủy nó,” ông giải thích.


Hội Chữ Thập Đỏ chuẩn bị cho việc di tản Mariupol

Một nhóm của Ủy ban Chữ Thập Đỏ Quốc tế đã đến một thành phố do Ukraine kiểm soát, nơi các nhân viên đang chuẩn bị đưa dân thường ra khỏi thành phố cảng Mariupol bị bao vây này.

Ông Julien Lerisson, phó giám đốc hoạt động của ICRC, cho biết hôm thứ Năm (31/03) rằng nhóm tập hợp ở thành phố Zaporizhzhia, miền đông nam nước này, có thuốc men, thức ăn, nước uống, vật dụng vệ sinh và những mặt hàng cần thiết khác.

Ông cho biết tổ chức đã có thỏa thuận cấp cao cho nhiệm vụ này nhưng tập trung vào việc bảo đảm “chỉ thị được xuyên suốt chuỗi chỉ huy,” cho phép nhóm ra vào Mariupol một cách an toàn.

Quân đội Nga cho biết họ đã cam kết ngừng bắn dọc tuyến đường từ Mariupol đến Zaporizhzhia. Các nhà chức trách Ukraine cho biết 45 xe buýt sẽ được gửi đến để thu thập công dân và cung cấp nguồn lực cho những người ở lại.

Cô Lucile Marbeau, một nhân viên của nhóm ICRC hy vọng vào Mariupol, cho biết hôm thứ Năm: “Chúng tôi ở đây vì thực sự, chúng tôi hy vọng có thể tạo điều kiện thuận lợi cho tuyến đường an toàn cho những người dân bình thường đang rất muốn chạy khỏi Mariupol.”


Đức và Pháp phản hồi yêu cầu mua khí đốt bằng đồng rúp của Nga

Hôm thứ Năm (31/03), Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire và Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho biết các quốc gia của họ sẽ không mua khí đốt của Nga bằng đồng rúp, đồng thời nhấn mạnh rằng các hợp đồng khí đốt thanh toán bằng euro “phải được tuân thủ”. Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói với Berlin rằng các khoản thanh toán bằng euro sẽ được chuyển đổi sang đồng rúp khi đến Nga.

Trình bày tại một cuộc họp báo ở Berlin, ông Habeck cho biết Âu Châu sẽ không bị Nga “tống tiền” để phải sử dụng tiền Nga mà mua khí đốt. Ông Putin đã yêu cầu rằng kể từ hôm thứ Sáu (01/04), các quốc gia “không thân thiện” — các quốc gia đã trừng phạt Ngân hàng Trung ương Nga “một cách bất hợp pháp” để đáp trả cuộc xung đột ở Ukraine — sẽ phải thanh toán khí đốt của Nga bằng đồng rúp hoặc bị cắt nguồn cung ứng.


Các cuộc đàm phán giữa Ukraine và Nga sẽ tiếp tục qua video vào 01/04

Theo trưởng phái đoàn Ukraine, ông David Arakhamia, các cuộc đàm phán giữa Ukraine và Nga sẽ tiếp tục vào thứ Sáu (01/04) qua video.

Sau hai tuần họp qua video, các phái đoàn đã gặp mặt trực tiếp vào thứ Ba (29/03) tại Istanbul và những đề cương mờ nhạt về một thỏa thuận hòa bình khả thi dường như đã lộ diện.

Phái đoàn Ukraine đã đưa ra một khuôn khổ mà theo đó nước này sẽ tuyên bố trung lập — từ bỏ nỗ lực gia nhập NATO, như Moscow đã yêu cầu từ lâu — để đổi lại sự bảo đảm an ninh từ một nhóm các quốc gia khác.

Các nhà ngoại giao Nga đã phản ứng tích cực với đề xướng của Ukraine.


Đức và Áo từ chối việc Nga ngừng cung cấp năng lượng 

Các nhà lãnh đạo Áo và Đức đã nhấn mạnh rằng họ từ chối việc Nga ngừng cung cấp năng lượng vào thời điểm này.

Thủ tướng Áo Karl Nehammer lưu ý rằng một số quốc gia Trung và Đông Âu ít nhiều đang phụ thuộc vào nguồn cung cấp khí đốt của Nga.

Ông và Thủ tướng Đức Olaf Scholz lập luận rằng các biện pháp trừng phạt hiện có đang có tác động đáng kể và cho biết họ cần thời gian để chuyển sang các nhà cung cấp mới và các nguồn năng lượng tái tạo.

Ông Nehammer nói rằng “các biện pháp trừng phạt chỉ hợp lý… khi chúng tác động đến những nước mà chúng được tạo ra để tác động và không làm suy yếu những nước thực hiện các lệnh trừng phạt.”


Các quan chức Đức kêu gọi thêm các biện pháp trừng phạt

Bộ trưởng Kinh tế Đức nói rằng Âu Châu nên áp đặt các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với Nga để ngăn chặn điều mà ông mô tả là một cuộc chiến “man rợ” ở Ukraine.

Ông Robert Habeck cho biết ông đã thảo luận với người đồng cấp Pháp về các biện pháp tiếp theo có thể được thực hiện trong cuộc gặp song phương tại Berlin hôm thứ Năm (31/03).

“Gói [các biện pháp trừng phạt] gần đây nhất không cần phải là gói cuối cùng, nó không nên là gói cuối cùng,” ông nói với các phóng viên, đồng thời cho biết thêm rằng ông và Bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire đã “xác định những điểm bổ sung có thể được đưa vào một gói [trừng phạt].”

Ông Habeck từ chối nói rõ những điểm đó có thể là gì.

Trước khi Tổng thống Nga Vladimir Putin thông báo về các quy định mới yêu cầu các nước thanh toán tiền bán khí đốt tự nhiên của Nga bằng đồng rúp, ông Habeck nhấn mạnh rằng các hợp đồng sẽ cần phải được tuân thủ. Những hợp đồng này quy định thanh toán bằng euro hoặc dollar.


Nghị định của Điện Kremlin: Ngoại tệ vẫn có thể mua được khí đốt tự nhiên

Một nghị định của Điện Kremlin cho biết “các quốc gia không thân thiện” vẫn có thể tiếp tục thanh toán khí đốt tự nhiên bằng ngoại tệ thông qua một ngân hàng Nga, nơi sẽ chuyển khoản thanh toán đó sang rúp.

Được truyền thông nhà nước Nga công bố hôm thứ Năm (31/03), nghị định này được đưa ra một ngày sau khi các nhà lãnh đạo Ý và Đức cho biết họ đã nhận được sự bảo đảm từ Tổng thống Vladimir Putin.

Ông Putin đã thể hiện lập trường cứng rắn hơn, nói rằng Nga sẽ bắt đầu chấp nhận thanh toán bằng đồng rúp kể từ thứ Sáu (01/04) đối với các quốc gia phương Tây đã áp đặt các biện pháp trừng phạt vì xung đột Ukraine. Ông cho biết hợp đồng sẽ bị đình chỉ nếu các bên mua không tuân thủ các điều kiện mới, bao gồm cả việc mở tài khoản bằng đồng rúp tại các ngân hàng Nga.

Các nhà lãnh đạo Âu Châu đã từ chối trả tiền cho các đợt giao hàng bằng đồng rúp, nói rằng điều đó sẽ làm suy yếu các lệnh trừng phạt được áp đặt vì cuộc chiến ở Ukraine.

Nghị định được ông Putin ký do hãng thông tấn nhà nước RIA Novosti công bố cho biết một ngân hàng được chỉ định sẽ mở hai tài khoản cho mỗi bên mua, một tài khoản bằng ngoại tệ và một tài khoản bằng đồng rúp. Bên mua sẽ thanh toán bằng ngoại tệ và ủy quyền cho ngân hàng bán loại tiền đó lấy rúp, được đặt trong tài khoản thứ hai, nơi khí đốt được chính thức mua.


Tổng thống Putin: Khí đốt của Nga phải được thanh toán bằng rúp kể từ 01/04

Hôm thứ Năm (31/03), Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết ông đã ký một nghị định yêu cầu các bên mua ngoại quốc phải thanh toán bằng đồng rúp cho khí đốt của Nga kể từ ngày 01/04 và các hợp đồng sẽ bị đình chỉ nếu các khoản thanh toán này không được thực hiện.

“Để mua khí đốt tự nhiên của Nga, họ phải mở tài khoản bằng đồng rúp trong các ngân hàng Nga. Chính từ các tài khoản này, bắt đầu từ ngày mai các khoản thanh toán sẽ được thực hiện cho khí đốt đã được giao,” ông Putin nói trong một bài diễn văn trên truyền hình.

“Nếu các khoản thanh toán như vậy không được thực hiện, chúng tôi sẽ coi đây như là bên mua không có khả năng thanh toán, với tất cả những hậu quả tiếp sau. Không ai bán miễn phí cho chúng tôi bất cứ thứ gì, và chúng tôi cũng sẽ không làm từ thiện — nghĩa là, các hợp đồng hiện có sẽ bị đình chỉ.”

Quyết định của ông Putin trong việc thực thi các khoản thanh toán bằng đồng rúp cho khí đốt đã làm tăng giá trị đồng tiền của Nga, đồng tiền này đã giảm xuống mức thấp lịch sử khi phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt sâu rộng sau khi ông điều quân vào Ukraine hôm 24/02.

Nhưng các công ty và chính phủ phương Tây đã bác bỏ hành động này, gọi đó là một sự vi phạm các hợp đồng hiện hành, được quy định theo đồng euro hoặc đồng dollar.

Ông Putin cho biết việc chuyển đổi này nhằm mục đích củng cố chủ quyền của Nga và Nga sẽ tuân thủ các nghĩa vụ của nước này đối với tất cả các hợp đồng. Nga cung cấp khoảng ⅓ lượng khí đốt của Âu Châu.


Điện Kremlin phản hồi các tuyên bố của tình báo Hoa Kỳ về ông Putin

Điện Kremlin đã bày tỏ “lấy làm tiếc” và “lo ngại” về các báo cáo của các quan chức Hoa Kỳ rằng Tổng thống Nga đang bị các cố vấn cung cấp thông tin sai về hiệu quả chiến dịch quân sự của ông ở Ukraine.

Phát ngôn viên của Tổng thống Vladimir Putin, ông Dmitry Peskov, nói với các phóng viên hôm thứ Năm (31/03) rằng “Bộ Ngoại giao và Ngũ Giác Đài đều không sở hữu thông tin chính xác về những gì đang xảy ra ở Điện Kremlin.”

“Họ chỉ đơn giản là không hiểu những gì đang diễn ra ở Điện Kremlin, họ không hiểu Tổng thống Putin, họ không hiểu cơ chế ra quyết định, họ không hiểu cách chúng tôi làm việc,” ông Peskov nói.

Ông nói thêm: “Việc này không chỉ đáng tiếc, mà còn gây lo ngại, bởi vì việc hoàn toàn thiếu hiểu biết này dẫn đến những quyết định sai lầm, những quyết định bi thảm có thể gây ra những hậu quả rất tồi tệ.”

Theo Tòa Bạch Ốc, các quan chức tình báo Hoa Kỳ cho biết ông Putin đang bị các cố vấn cung cấp thông tin sai về hoạt động kém hiệu quả của quân đội Nga ở Ukraine. Thông tin tình báo cho biết, các cố vấn sợ không dám nói sự thật với ông ấy.

Hôm thứ Tư (30/03), giám đốc truyền thông Tòa Bạch Ốc Kate Bedingfield cho biết Hoa Kỳ tin rằng ông Putin đã bị lừa dối không chỉ về hiệu quả hoạt động của quân đội mà còn về “cách nền kinh tế Nga đang bị tê liệt bởi các lệnh trừng phạt, bởi vì, một lần nữa, các cố vấn cao cấp của ông ấy quá sợ hãi để nói cho ông ấy biết sự thật.”


Ukraine dự đoán Nga sẽ tấn công ở phía đông

Hôm thứ Năm (31/03), Tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết quân đội Ukraine đang chuẩn bị cho các cuộc tấn công mới của Nga ở khu vực đông nam nơi các tay súng của Moscow hiện đang được huấn luyện sau khi cuộc tấn công vào thủ đô Kyiv bị đẩy lùi.

Moscow cho biết hiện Nga đang tập trung vào việc “giải phóng” khu vực Donbas — hai tỉnh đông nam do phe ly khai được Nga hậu thuẫn kiểm soát một phần kể từ năm 2014.

Trong một bài diễn văn qua video vào sáng sớm, ông Zelensky tuyên bố việc chuyển quân của Nga khỏi Kyiv và thành phố Chernihiv ở phía bắc không phải là một cuộc rút quân mà là “kết quả của sự phòng thủ của chúng ta.”

Ukraine đang chứng kiến ​​“sự tăng cường của quân đội Nga cho các cuộc tấn công mới vào Donbas và chúng tôi đang chuẩn bị cho điều đó,” ông nói.

Mariupol, từng là thành phố có 400,000 dân, nơi hầu hết các tòa nhà đã bị hư hại hoặc phá hủy trong bốn tuần bị Nga bắn phá và bao vây, cũng nằm trong các mục tiêu tấn công. Phó Thủ tướng Iryna Vereshchuk cho biết, hôm thứ Năm (31/03) một đoàn xe buýt của Ukraine đã lên đường đến thành phố cảng này để cố gắng tiếp cận những người dân bị mắc kẹt.

Tuần qua đã chứng kiến ​​một cuộc phản công của người Ukraine, chiếm lại các vùng ngoại ô bị phá hủy của Kyiv và các thị trấn và làng chiến lược ở phía đông bắc và tây nam. Nga tuyên bố hôm thứ Hai (28/03) rằng họ đang giảm bớt nỗ lực tấn công gần thủ đô và thành phố Chernihiv ở phía bắc, trong hành động mà họ gọi là một cử chỉ xây dựng lòng tin cho các cuộc đàm phán hòa bình.


Ukraine cho biết một đoàn xe buýt đang trên đường đến thành phố bị vây hãm Mariupol

Phó Thủ tướng Iryna Vereshchuk và Hội Chữ Thập Đỏ cho biết, một đoàn xe buýt của Ukraine đã lên đường tới thành phố cảng Mariupol ở miền nam nước này vào hôm thứ Năm (31/03) để cố gắng vận chuyển hàng nhân đạo và đưa dân thường ra ngoài.

Bà Vereshchuk cho biết 45 xe buýt đang trên đường đến Mariupol sau khi Ủy ban Chữ Thập Đỏ Quốc tế (ICRC) xác nhận Nga đã đồng ý mở một hành lang an toàn.

Tại Geneva, ICRC cho biết đoàn xe của họ đang trên đường đến thành phố bị bao vây này, nhưng kêu gọi cả hai bên đồng ý các điều khoản cụ thể cho một lối đi an toàn dành cho thường dân.

“Vì lý do hậu cần và an ninh, chúng tôi sẽ sẵn sàng dẫn đầu hoạt động hành lang an toàn vào ngày mai, thứ Sáu, với điều kiện tất cả các bên đồng ý với các điều khoản cụ thể, bao gồm lộ trình, thời gian bắt đầu và thời lượng thực hiện,” phát ngôn viên Ewan Watson của ICRC cho biết.

Trong một cuộc phỏng vấn với Reuters hôm thứ Ba (29/03), ông Robert Mardini, Tổng giám đốc ICRC, đã kêu gọi Ukraine và Nga đồng ý về việc di tản dân thường an toàn khỏi Mariupol và các khu vực tiền tuyến khác, nơi các nguồn cung cấp thiết yếu đang cạn kiệt.

Cho đến nay trong cuộc xung đột kéo dài năm tuần này, ICRC đã dẫn đầu hai cuộc di tản dân thường khỏi thành phố Sumy thuộc miền đông bắc nước này.

Thị trưởng Mariupol trong tuần này (28/03-03/04) cho biết có tới 170,000 cư dân bị mắc kẹt ở đó không có điện và nhu yếu phẩm đang dần cạn kiệt.

“Có 45 chuyến xe buýt đang trên đường đến Mariupol,” bà Vereshchuk cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Năm (31/03).

Thành phố này trước đó có dân số hơn 400,000 người, là một trọng điểm chiến lược trong cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine và đã phải hứng chịu những đợt bắn phá gần như không ngưng nghỉ.


NATO: Nga ‘không rút lui mà tái bố trí’ quân đội

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tuyên bố Nga dường như không thu hẹp quy mô hoạt động quân sự ở Ukraine mà thay vào đó đang tái điều động lực lượng tới khu vực phía đông Donbas.

Nga đã hứa trong các cuộc đàm phán tại Istanbul hôm thứ Ba (29/03) rằng họ sẽ giảm leo thang các hoạt động gần Kyiv và Chernihiv để “tăng cường sự tin tưởng lẫn nhau và tạo điều kiện cần thiết cho các cuộc đàm phán tiếp theo.” Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và phương Tây đã tỏ ra nghi ngờ.

Ông Stoltenberg nói với các phóng viên hôm thứ Năm (31/03) rằng “Nga đã nhiều lần nói dối về ý định của họ” và phải được đánh giá dựa trên hành động của họ chứ không phải lời của các nhà lãnh đạo.

“Theo thông tin tình báo của chúng tôi, thì các đơn vị Nga không rút lui mà tái bố trí. Nga đang cố gắng tái tập hợp, tiếp tế, và củng cố cuộc tấn công của họ ở khu vực Donbas,” ông nói.

Đồng thời, ông cho biết áp lực đang gia tăng đối với Kyiv và các thành phố khác và “chúng ta có thể liệu trước sẽ có các hành động tấn công bổ sung, mang lại nhiều đau thương hơn nữa.”

Hoa Kỳ tuyên bố Nga đã bắt đầu tái bố trí dưới 20% binh lực của họ vốn được bố trí xung quanh Kyiv. Ngũ Giác Đài nói rằng hầu hết các binh sĩ đã di chuyển về phía bắc, mặc dù một số đã băng qua Belarus, nơi họ có thể được tiếp tế và gửi trở lại Ukraine.

Mời quý vị xem toàn bộ bài viết tại đây.


Moscow: ‘Không thể chấp nhận được’ các căn cứ của NATO ở Trung Á 

Hôm thứ Năm (31/03), Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết, bất kỳ sự hiện diện quân sự nào của NATO ở Trung Á sẽ làm suy yếu an ninh của khối do Nga dẫn đầu trong khu vực này.

“Chúng tôi cho rằng bất kỳ cơ sở hạ tầng quân sự nào của Hoa Kỳ và NATO, hoặc những người giúp đỡ Afghanistan của họ trên lãnh thổ của các quốc gia láng giềng, đặc biệt là ở Trung Á, là điều không thể chấp nhận được,” ông Lavrov nói trong một hội nghị thượng đỉnh về chủ đề Afghanistan ở Đồn Khê, Trung Quốc, nói thêm rằng “những kế hoạch như vậy đi ngược lại lợi ích an ninh của các quốc gia chúng ta.”


Ý kêu gọi Âu Châu sử dụng hết tất cả đất canh tác

Lãnh đạo của Ý đang thúc giục Âu Châu “canh tác tất cả đất đai sẵn có” như một biện pháp khắc phục để giảm một phần nhập cảng nông sản, đặc biệt là ngũ cốc của Nga, do cuộc chiến ở Ukraine.

Thủ tướng Mario Draghi nói với các phóng viên hôm thứ Năm (31/03) rằng trong khuôn khổ các hoạt động nông nghiệp hiện có ở Liên minh Âu Châu, 10% đất đai đang bị cố ý bỏ hoang, nhưng điều đó hiện phải thay đổi khi các nước Âu Châu tìm cách giảm sự phụ thuộc vào nhập cảng nông sản.

Không rõ liệu Ukraine — một trong những nước xuất cảng lúa mì, ngô và dầu hướng dương lớn nhất thế giới — có thể cứu vãn được mùa gieo trồng này hay không.

Trong thời gian chờ, ông Draghi lưu ý rằng Tây Âu sẽ tìm kiếm các nước sản xuất lương thực như Canada, Hoa Kỳ và Argentina để giúp bù đắp lượng nhập cảng thiếu hụt từ Ukraine và Nga.


20 người thiệt mạng trong cuộc tấn công vào tòa nhà chính phủ ở Mykolaiv

Bộ Tình huống Khẩn cấp Ukraine tuyên bố số người thiệt mạng sau cuộc tấn công bằng hỏa tiễn của Nga hôm thứ Ba (29/03) vào trụ sở chính quyền khu vực ở thành phố Mykolaiv, miền nam nước này đã tăng lên 20 người.

Theo bộ, lực lượng cứu hộ hiện đã phát hiện 19 thi thể trong đống đổ nát kể từ khi cuộc không kích tàn phá tòa nhà chính phủ này vào sáng thứ Ba. Một người khác đã tử vong tại bệnh viện.

Bộ cho biết các dịch vụ khẩn cấp vẫn đang làm việc tại hiện trường.


Âu Châu muốn có giới hạn mức giá khí đốt với Nga

Thủ tướng Ý Mario Draghi cho biết Âu Châu đang thúc đẩy giới hạn mức giá khí đốt với Nga vì các khoản thanh toán của khối này đang tài trợ cho cuộc chiến ở Ukraine.

Ông Draghi nói với các phóng viên ngoại quốc hôm thứ Năm (31/03) rằng mức giá mà Âu Châu đang chi trả không phù hợp với thị trường toàn cầu.

“Chúng tôi, Đức và Ý, cùng với các nước nhập cảng khí đốt, than, ngũ cốc, ngô khác… đang tài trợ cho chiến tranh. Điều này không có gì phải nghi ngờ,” ông Draghi nói. “Vì lý do này, Ý cùng với các nước khác đang thúc đẩy giới hạn mức giá khí đốt. Không có lý do chính đáng nào mà giá khí đốt đối với người Âu Châu lại cao như vậy.”

Ông Draghi lưu ý rằng Nga không có thị trường nào khác cho khí đốt của nước này, cho phép Âu Châu có năng lực thương thảo. Khi được hỏi về nguy cơ Nga sẽ phản ứng đơn giản bằng cách ngắt nguồn cung ứng, ông Draghi khẳng định, “không, không có nguy cơ đó.”


Anh áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với các tổ chức, nhân vật truyền thông của Nga

Anh đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với hơn một chục nhân vật và tổ chức truyền thông Nga bị cáo buộc phổ biến tuyên truyền và thông tin sai lệch về cuộc chiến ở Ukraine.

Nhóm mới nhất bị phong tỏa tài sản và cấm đi lại bao gồm người dẫn chương trình truyền hình Rossiya Sergey Brilev, người trước đây từng sống ở Anh; giám đốc điều hành Gazprom-Media Aleksandr Zharov; và giám đốc điều hành của đài truyền hình RT do Điện Kremlin hậu thuẫn, ông Alexey Nikolov.

Các biện pháp trừng phạt cũng đã được áp dụng đối với các tổ chức truyền thông TV-Novosti, công ty sở hữu RT, và Rossiya Segodnya, công ty kiểm soát hãng thông tấn Sputnik.

Anh cũng cho biết họ đang áp lệnh trừng phạt đối với Thượng tướng Mikhail Mizintsev, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Chỉ huy Quốc phòng Quốc gia Nga, cáo buộc ông này ra lệnh các hành động tàn bạo bao gồm cả cuộc bao vây Mariupol.


Thủ tướng Draghi cho biết Tổng thống Putin đồng ý giữ thanh toán tiền khí đốt bằng đồng euro

Thủ tướng Ý Mario Draghi cho biết Tổng thống Nga đã nói với ông trong một cuộc điện đàm kéo dài 40 phút vào tối hôm thứ Tư (30/03) rằng, các công ty Âu Châu có thể tiếp tục thanh toán cho các hợp đồng năng lượng hiện có bằng đồng euro và đồng dollar.

Ông Draghi cũng chỉ ra rằng Nga vẫn mong muốn giữ cho các khoản thanh toán bằng đồng rúp, nhưng việc chuyển đổi tiền tệ có thể sẽ diễn ra ở Nga. Ông Draghi cho biết ông đang đưa cuộc thảo luận này ra tham vấn với các chuyên gia và quá trình phân tích đang được tiến hành về việc liệu “các công ty Âu Châu có thể tiếp tục trả tiền như dự tính hay không, điều này có ý nghĩa gì với các lệnh trừng phạt đang diễn ra.”

Ông nói: “Việc thay đổi đơn vị tiền tệ thanh toán mà không vi phạm hợp đồng là điều hoàn toàn không đơn giản.”


Tổng thống Ukraine kêu gọi Nghị viện Hà Lan ngừng mọi hoạt động giao thương với Nga

Hôm thứ Năm (31/03), Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã đề nghị Nghị viện Hà Lan cung cấp vũ khí, viện trợ tái thiết và ngừng mọi hoạt động kinh doanh với Nga để đáp trả cho cuộc xâm lược đất nước của ông.

Ông nói với các nhà lập pháp qua liên kết video: “Cần phải có các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ hơn để Nga không có cơ hội theo đuổi cuộc chiến này ở Âu Châu. Hãy ngừng mọi hoạt động giao thương với Nga.”

Ông Zelensky, nguyên thủ ngoại quốc đầu tiên trình bày tại một phiên họp toàn thể gồm 150 dân biểu Hạ viện Hà Lan, cho biết Hà Lan phải “sẵn sàng ngừng nhận năng lượng từ Nga để quý vị không chi trả hàng tỷ USD cho chiến tranh.”

Khoảng 20% ​​khí đốt tự nhiên của Hà Lan đến từ Nga, nước ngày càng trở thành đối tác thương mại quan trọng của Hà Lan trong những năm gần đây.

Hà Lan, cùng với các quốc gia EU khác, trong đó có Đức, đang tìm kiếm các nguồn năng lượng khác, nhưng các lựa chọn có thể thay thế ngay có rất ít và nguồn cung toàn cầu thì hạn chế.

Ông Zelensky đề nghị Hà Lan “nhận một thành phố” ở Ukraine để tập trung các nỗ lực tái thiết sau chiến tranh.

Hà Lan đã cung cấp cho quân đội Ukraine trang thiết bị quân sự, bao gồm hỏa tiễn chống tăng và hệ thống phòng không Patriot, đồng thời cũng đang hỗ trợ NATO tăng cường hiện diện dọc theo sườn phía đông của liên minh quân sự này.

Cho đến nay, Hà Lan đã không thể phong tỏa hoặc thu giữ hàng chục tỷ euro (dollar) tài sản của Nga được đăng ký tại Hà Lan một cách hiệu quả, do cấu trúc thuế phức tạp khiến việc xác định chủ sở hữu cuối cùng của các công ty và tài sản trở nên khó khăn.

Bộ Tài chính Hà Lan đã gửi một lá thư đến nghị viện hôm 22/03, cho biết 392 triệu euro (431.24 triệu USD) tài sản và giao dịch của Nga đã bị phong tỏa theo các lệnh trừng phạt của EU áp đặt kể từ khi cuộc xâm lược bắt đầu vào ngày 24/02.


Áo ban bố tình trạng khẩn cấp về khí đốt

Chính phủ Áo đã ban bố cảnh báo giai đoạn một liên quan đến việc cung cấp khí đốt tự nhiên, ngay sau khi Đức làm điều tương tự hôm thứ Tư (30/03). Vienna đã thực hiện hành động này vì lo sợ thiếu hụt nếu Nga đòi thanh toán bằng đồng rúp thay vì dollar hoặc euro do các lệnh trừng phạt của phương Tây.


Nga sẽ tuyển 134,500 lính nghĩa vụ

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký một nghị định về đợt trưng binh mùa xuân, với 134,500 lính nghĩa vụ mới sẽ được bổ sung vào quân đội Nga trong bối cảnh đất nước đang giao tranh với Ukraine.

Cả ông Putin và Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đều nói rằng lính nghĩa vụ sẽ không tham gia chiến dịch ở Ukraine. Tuy nhiên, hồi đầu tháng, quân đội Nga thừa nhận rằng một số lính nghĩa vụ đã đến Ukraine và thậm chí bị bắt ở đó.

Nghị định được ký hôm thứ Năm (31/03) phác thảo đợt trưng binh sẽ bắt đầu vào ngày 01/04 và kéo dài đến hết ngày 15/07.


Moscow ra lệnh cấm nhu liệu ngoại quốc 

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thông qua một sắc lệnh cấm mua nhu liệu (software) ngoại quốc để sử dụng trong các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng của các cơ quan nhà nước cũng như các tổ chức bán chính phủ, một nỗ lực rõ ràng là nhằm khiến cho đất nước đỡ bị tổn thất hơn trước các lệnh trừng phạt của phương Tây và các cuộc tấn công mạng tiềm năng.

Có hiệu lực từ thứ Năm (31/03), sắc lệnh chỉ cho phép mua nhu liệu ngoại quốc cho các mục đích cơ sở hạ tầng quan trọng nếu được “một cơ quan hành pháp liên bang được Chính phủ Liên bang Nga ủy quyền hợp pháp” cho phép. Ngoài ra, bất kỳ cơ quan chính phủ hoặc khách hàng nào cũng phải loại bỏ dần việc sử dụng nhu liệu ngoại quốc trên các hệ thống nhạy cảm của họ trước năm 2025.


Tổng thống Zelensky trình bày trước Nghị viện Úc: Nga phải chịu trách nhiệm

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trình bày trước Nghị viện Úc hôm thứ Năm (31/03) rằng Nga phải chịu trách nhiệm về những sai trái trong quá khứ, đồng thời cảnh báo rằng thất bại trong việc trừng phạt Moscow có thể khuyến khích các nước khác tiến hành chiến tranh nhằm vào các nước láng giềng của họ.

Ông Zelensky kêu gọi các biện pháp trừng phạt mới và cứng rắn hơn để đáp trả việc Nga xâm lược Ukraine và cho rằng nhiều năm thất bại trong việc kiềm chế cường quốc thế giới này đã khuyến khích Moscow.

“Nếu chúng ta không ngăn chặn Nga ngay bây giờ, nếu chúng ta không quy trách nhiệm cho Nga, thì một số quốc gia khác trên thế giới đang mong chờ một cuộc chiến tương tự nhằm vào các nước láng giềng của họ sẽ quyết định rằng họ cũng có thể làm những điều như vậy,” ông Zelensky cho biết trong một video, theo một bản dịch chính thức. Ngồi tại bàn làm việc với chiếc áo phông kaki của mình, ông Zelensky không nói rõ quốc gia nào mà ông lo ngại sẽ lấy cảm hứng từ Nga.

Úc và các đồng minh ở phương Tây đã nêu lên lo ngại về việc Trung Quốc có những ngôn từ ngày càng gây hấn liên quan đến Đài Loan, quốc gia mà nước này tranh cãi về sự độc lập của họ.


Tình báo quân sự Anh tuyên bố Nga tiếp tục tấn công bằng pháo kích, hỏa tiễn ở Chernihiv

Các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn và pháo kích của Nga đã tiếp tục diễn ra ở Chernihiv, bất chấp các tuyên bố của Nga cho thấy dự định cắt giảm các hoạt động quân sự xung quanh khu vực này, tình báo quân sự Anh tuyên bố hôm thứ Năm (31/03).

Bộ Quốc phòng Anh cho biết trong một tuyên bố: “Các lực lượng Nga tiếp tục giữ các vị trí ở phía đông và phía tây của Kyiv mặc dù một số lượng hạn chế các đơn vị đã rút lui. Giao tranh quyết liệt có thể sẽ diễn ra ở các vùng ngoại ô của thành phố trong những ngày tới.”

Bộ cho biết giao tranh dữ dội tiếp tục diễn ra ở Mariupol, một mục tiêu quan trọng của quân đội Nga, đồng thời tuyên bố rằng quân đội Ukraine vẫn kiểm soát trung tâm thành phố.


Google: Tin tặc Nga nhắm vào NATO, quân đội các nước Đông Âu 

Gần đây các tin tặc Nga đã cố gắng xâm nhập vào các mạng lưới của NATO và quân đội của một số nước Đông Âu, Nhóm Phân tích Mối đe dọa của Google tuyên bố trong một báo cáo được công bố hôm thứ Tư (30/03).

Báo cáo không cho biết quân đội của những nước nào đã bị nhắm đến trong những gì Google mô tả là “chiến dịch lừa đảo thông tin xác thực” do một nhóm có trụ sở tại Nga có tên là Coldriver, hoặc Callisto tiến hành.

Báo cáo cho biết: “Các chiến dịch này được gửi đi bằng tài khoản Gmail mới được tạo đến các tài khoản không phải của Google, vì vậy tỷ lệ thành công của các chiến dịch này là không xác định.”

Nga, hiện đang chịu các lệnh trừng phạt kinh tế nặng nề của phương Tây sau quyết định xâm lược Ukraine vào ngày 24/02, thường xuyên phủ nhận cáo buộc thực hiện các cuộc tấn công mạng nhằm vào các mục tiêu phương Tây.

Năm 2019, công ty an ninh mạng F-Secure Labs của Phần Lan đã mô tả Callisto là một tác nhân đe dọa tân tiến và không xác định “quan tâm đến việc thu thập thông tin tình báo liên quan đến chính sách ngoại giao và an ninh” ở Âu Châu.

Nhóm này cũng nhắm đến một Trung tâm Tư vấn (Centre of Excellence) của NATO, báo cáo hôm thứ Tư của Google cho biết mà không nêu rõ chi tiết.

Trong một tuyên bố, NATO không đề cập trực tiếp đến báo cáo của Google nhưng cho biết: “Chúng tôi chứng kiến hoạt động mạng độc hại hàng ngày.”

“Các Trung tâm Tư vấn của NATO làm việc cùng với Liên minh nhưng họ không phải là một phần của NATO. Chúng tôi đang liên lạc với họ về vấn đề này,” tuyên bố cho biết.


TASS: Georgia cho biết cuộc trưng cầu dân ý của khu vực ly khai của nước này về việc gia nhập Nga là ‘không thể chấp nhận được’ 

Hãng thông tấn TASS đưa tin hôm thứ Năm (31/03) cho biết, Ngoại trưởng Georgia David Zalkaliani cho biết cuộc trưng cầu dân ý về việc gia nhập Nga ở khu vực ly khai Nam Ossetia của Georgia là không thể chấp nhận được.

Hôm thứ Tư (30/03), tổng thống ly khai của Nam Ossetia cho biết lãnh thổ này sẽ thực hiện các bước trong tương lai gần để trở thành một phần của Nga — nước đã công nhận vùng này là độc lập, cung cấp cho họ sự trợ giúp tài chính rộng rãi, cung cấp cho người dân hộ chiếu Nga và đóng quân ở đó.


Giám đốc tình báo Anh cho biết lính Nga không tuân mệnh ở Ukraine

blank
Giám đốc Trụ sở Truyền thông Chính phủ (GCHQ) Jeremy Fleming tham dự một sự kiện đánh dấu một trăm năm của GCHQ, Cơ quan Tình báo, An ninh và Mạng của Anh Quốc, tại Watergate House ở London hôm 14/02/2019. (Ảnh: Niklas Halle’n/AFP/Getty Images)

Những người lính Nga bị sa sút tinh thần ở Ukraine đã từ chối thực hiện mệnh lệnh, họ phá hoại thiết bị của họ và đã vô tình bắn rơi phi cơ của chính họ, một giám đốc tình báo Anh cho biết hôm thứ Năm (31/03).

Ông Jeremy Fleming, người đứng đầu cơ quan gián điệp điện tử GCHQ, đã đưa ra nhận xét này trong một bài diễn văn trình bày ở thủ đô Canberra của Úc.

Ông nói, Tổng thống Nga Vladimir Putin rõ ràng đã “đánh giá sai” về cuộc xâm lược này.

“Rõ ràng là ông ấy đã đánh giá sai về khả năng kháng cự của người dân Ukraine. Ông ấy đánh giá thấp sức mạnh của liên minh mà hành động của ông ấy sẽ kích phát. Ông ấy đã đánh giá thấp những hậu quả kinh tế của cơ chế trừng phạt, và ông ấy đã đánh giá quá cao khả năng của quân đội mình trong việc đạt được một chiến thắng nhanh chóng,” ông Fleming cho hay.

Ông Fleming cho biết thêm: “Chúng tôi đã thấy những người lính Nga thiếu vũ khí và nhuệ khí, từ chối thực hiện mệnh lệnh, phá hoại thiết bị của họ và thậm chí vô tình bắn hạ phi cơ của họ.”

Nguồn: Jack Phillips, Nick Ciolino, Naveen Athrappully, The Associated Press, và Reuters.
Nhóm phụ trách Anh ngữ Epoch Times Tiếng Việt biên dịch

Tin Liên Quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết Nối Mạng Xã Hội

22,044Thành viênThích
8Người theo dõiĐăng Ký
- Quảng cáo -spot_img

Tin Mới Nhất