71.5 F
San Jose
Friday, September 29, 2023
printing-new3-728-1
Vidan_Radio_728
previous arrow
next arrow

Vườn thiền đá tại chùa Ryoanji ở Kyoto

KYOTO, Nhật (NV) – Khi du ngoạn Kyoto, nếu bạn muốn đi hết một vòng tìm hiểu một cách sơ sài về những ngôi chùa ở đây, có lẽ bạn cũng phải mất đến cả tháng trời lưu lại vì mỗi ngôi chùa nơi này đều cho bạn có các “cảm nhận” khác nhau. Nhưng có một ngôi chùa luôn tạo ra cho du khách một chút suy tư khác lạ sau khi rời chùa, đó là thiền tự Ryoanji (Long An Tự) với ngôi vườn thiền đá trước sân chánh điện.

blank
Ngôi vườn thiền đá của Ryoanji mùa Xuân. Có ai thấy được “viên đá #15” trong vườn! (Hình: ATNT Tours & Travel)

Ngôi vườn thiền đá này không những trở thành một thắng cảnh của chùa mà còn là một nét văn hóa về triết lý và lịch sử đặc biệt nổi tiếng của Nhật Bản. Chùa Ryoanji trực thuộc về nhánh Diệu Tâm Tự (Myoshinji) của tông phái Thiền Lâm Tế. Chùa được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới vào năm 1994.

Ngôi chùa được Hosokawa Katsumoto xây dựng từ năm 1450 để dùng làm nơi thực tập thiền cho các tu sinh. Tuy nhiên, trải qua các cuộc chiến tranh tranh chấp giữa các shogun, chùa Ryoanji từng bị phá hủy và cháy nhiều lần trong cuộc chiến Onin. Tuy nhiên, chùa được xây dựng lại từ năm 1499. Trong lần tái thiết này, một ngôi vườn thiền đá được thiết kế trước sân của chánh điện. Mười lăm tảng đá lớn nhỏ được xếp đặt trải dài trên một sân vườn đá trắng hình chữ nhật dài 25 mét và rộng 10 mét. Đây cũng là biểu tượng của thiên nhiên về sự khô cằn của đá.

Vườn đá của chùa Ryoanji được thiết kế xếp đặt theo hình ảnh của một con “hổ con vượt núi.” Đặc biệt thiết kế này cho dù bạn ngồi bất cứ vị trí nào trên chánh điện, bạn cũng chỉ đếm được 14 viên đá trước mặt. Ngôi vườn thiền đá nguyên là một công án thiền của phái Thiền Lâm Tế, vì thế nếu bạn muốn giải đáp công án thiền này thì xin mời bạn đến Ryoanji thiền định, quán chiếu tâm tư mình để tìm lời giải đáp cho chính bạn (hay bạn có thể trở thành một tu sinh của chùa). Tôi tin chùa có thể giúp bạn trả lời về viên đá thứ 15 mà bạn đã không nhìn thấy.

blank
Những viên đá trong vườn thiền đá nhìn từ trên cao. (Hình: ATNT Tours & Travel)

Tôi từng có thời yêu thích và đau đầu vì ngôi vườn thiền đá của ngôi thiền tự Ryoanji. Tôi nhớ mãi về một kỷ niệm lúc tôi có dịp trở lại thăm chùa. Ngôi vườn đá nhìn vẫn thế! Các tảng đá và thảm sỏi đá trắng hình như vẫn thế. Tôi đứng trước sân vườn thiền, miên man suy tư cố nhớ về hình ảnh vườn thiền đá ngày xưa trong tâm tư mình. Bất chợt tôi nghe tiếng xì xào của một đôi vợ chồng già người Nhật bên cạnh, có lẽ họ từ miền xa mới đến cố đô Kyoto du ngoạn. Người chồng thì thầm nói với người vợ: “Bà có thấy viên đá thứ 15 chưa, tôi đếm đi đếm lại sao chỉ có 14 viên đá thôi!”

Câu chuyện của đôi vợ chồng già chợt làm tôi trở về thực tại. Tôi đã từng có lúc mất thời giờ như người chồng, nên tôi thông cảm cho cái “tâm tư khó chịu” của ông khi đứng ở đó mà vẫn không thể nào tìm thấy viên đá thứ 15.

Tôi lướt vội qua trí nhớ của mình, thiền sư Tokuho Zenketsu, người đã thiết kế ra ngôi vườn thiền đá này. Ông chơi khó cho môn sinh và du khách thật! Ông giấu đi một viên đá ở đâu đó và ông xúi người ta đi tìm. Đi tìm đỏ cả con mắt cũng chỉ thấy 14 viên đá thôi. Có bao nhiêu người ngồi trước ngôi chánh điện tìm thấy được viên đá thứ 15? Có người sẽ bảo ông là “vớ vẩn,” làm chuyện không đâu! Nhưng quả thật, ông có bắt bạn đi tìm đâu! Tự bạn tò mò hiếu kỳ làm khổ tâm tư của chính bạn. Nhưng bù lại, một khi những ai đã tìm thấy được viên đá thứ 15, lúc ấy tâm tư bạn như mây bay trôi nổi trên đỉnh Phú Sĩ Sơn.

blank
Du khách đến vườn thiền đá Ryoanji. (Hình: Philippe Lopez/AFP via Getty Images)

“Gió cuốn lên
Mây mờ trên Phú Sĩ
Bay mất về xa xăm
Ai biết về đâu nhỉ
Cùng cõi lòng tôi lang thang”

Thiền sư Tây Hành (Saigyo, 1118-1190) của xứ Phù Tang đã trôi nổi như thế. Thời của thiền sư Saigyo, ngôi vườn thiền đá và cả ngôi chùa Ryoanji đều chưa có. Bạn hãy bay lên trên cao, hãy trôi nổi như thiền sư Tây Hành và biết đâu bạn tìm được viên đá thứ 15. Ở trên không gian cao, người ta nhìn ra được toàn cảnh. Đứng giữa mặt phẳng trần thế có những vật thể che khuất cặp mắt của mình thì làm sao tìm ra được viên đá #15. Tôi cám ơn đến Thiền Luận của Suzuki, đến dịch giả Trúc Thiên và Tuệ Sĩ, và cám ơn cả viên đá thứ 15 của Ryoanji.

Rời ngôi vườn thiền đá, đi về phía Đông của chánh điện, bạn gặp một tảng đá tròn không to lắm, có một dòng nước trong vắt chảy qua. Đây là nơi tu sinh thường lấy nước nấu trà hay tín đồ rửa tay súc miệng trước khi ngồi quán chiếu tọa thiền. Nhưng điểm đặc biệt, trên mặt đá của tảng đá tròn có đục đẽo một hình vuông ở giữa. Hình vuông này chính là chữ “Khẩu” trong Hán Tự.

blank
Một cách tạo chữ trong Hán Tự! Chữ “Khẩu” cộng vào bốn chữ chung quanh tạo thành bốn chữ “Ngô, Duy, Túc, Tri,” có nghĩa “Tôi biết đủ là đủ.” (Hình: ATNT Tours & Travel)

Ông Mito Mitsukuni, người của thế kỷ 16 đã tìm cách chơi “Hán tự.” Ông đã cho chữ “Khẩu” cộng vào bốn chữ chưa hoàn thành khác (chung quanh chữ Khẩu) để tạo thành bốn chữ “Ngô (Tôi, Ta), Duy, Túc, Tri/ tiếng Nhật là Ware – Tada – Taru – Shiru,” ý nghĩa nói lên sự “Tôi biết đủ là đủ.” Ông Mitsukuni cho rằng đây là một yếu tố tạo thành sự thanh thản cho đời sống con người. Ý nghĩa này luôn nhắc nhở các tu sinh mỗi khi lấy nước pha trà, rửa tay hay súc miệng.

Thiền là một nét văn hóa tinh túy của Nhật Bản và đã được người dân Nhật thấm nhuần vào sự tinh túy này. Hương vị thiền thấm nhuần khắp mọi nơi ngõ ngách trong đời sống hằng ngày của người Nhật. Vườn thiền đá là một nét tinh hoa của tông phái Thiền Lâm Tế nói riêng và Nhật Bản nói chung.

Nhưng đến Long An Tự Ryoanji vào mỗi mùa hoa anh đào hay mùa Thu rực rỡ, du khách không chỉ thưởng ngoạn và tự làm khổ mình về ngôi vườn thiền đá. Du khách có thể để ngôi vườn đá đó vào một góc trí nhớ (tôi tin là nó sẽ hiện ra lại và làm khổ tâm trí bạn sau này) mà hãy thưởng ngoạn không gian mùa Xuân anh đào tuyệt đẹp và mùa Thu vô cùng rực rỡ của Ryoanji. Những hàng cây anh đào rũ xuống bên hồ Kyoyochi (Cảnh Dung Trì), những đóa anh đào mãn khai giữa đầu Xuân và hình ảnh những chú vịt nhẹ nhàng bơi lội giữa hồ sẽ là một không gian làm cho bạn quên đi tất cả.

Bạn đừng quên hồ Cảnh Dung Trì là một trong hai hồ nổi tiếng nhất tại Kyoto từ thời xa xưa.

blank
Không gian vườn thiền đá Ryoanji vào Thu. (Hình: Ryoanji Temple)

Còn mùa Thu, những cảnh sắc rực rỡ của lá phong sẽ làm bạn ngây ngất với hồn Thu của Kyoto. Một khi đời sống đã vượt qua tuổi trẻ, vượt qua chuyện cơm áo gạo tiền. Tôi cho rằng mùa Thu là mùa rực rỡ và đẹp nhất của đời người! Nhạc sĩ Phạm Duy cũng đã cho rằng “Nắng chiều hồng tươi hơn nắng trưa” (Nắng Chiều Rực Rỡ).

Ngoài thắng cảnh hai mùa Xuân Thu rực rỡ của Kyoto làm rung động tâm tư du khách khi du ngoạn nơi đây, ngôi vườn thiền đá Ryoanji là một thắng cảnh nội tâm cho những ai muốn tìm đến sự thanh thản bình an của đời sống! (Trần Nguyên Thắng) [qd]

Tin Liên Quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết Nối Mạng Xã Hội

22,044Thành viênThích
8Người theo dõiĐăng Ký
- Quảng cáo -spot_img

Tin Mới Nhất