
Hôm 1/5, tờ Washington Post đã có bài bình luận về việc những nỗ lực gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông là một phép thử đối vối tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden.
Sau đây là nguyên văn bài viết:
Việc xây dựng quân đội của Vladimir Putin dọc theo biên giới với Ukraine vào mùa xuân này đã thu hút được sự chú ý đáng kể của quốc tế – đó có thể là mục tiêu chính của ông. Ít được chú ý hơn là một loạt các hành động leo thang gia tăng của các lực lượng Trung Quốc ở eo biển Đài Loan và Biển Đông.
Cả ông Putin và ĐCSTQ đều đang thử nghiệm chính quyền Biden trong những tháng đầu nhậm chức. Điểm khác biệt là trong khi ông Putin có thể chỉ đang diễn, thì về cơ bản, Trung Quốc đang thúc đẩy một chiến lược nhằm thiết lập sự thống trị của mình ở Đông Á và buộc Đài Loan đầu hàng.
Vào tháng 3, hàng trăm “người đàn ông áo xanh” – cách gọi về những tàu đánh cá của Trung Quốc được cho là dưới sự kiểm soát của Giải phóng quân Trung Quốc PLA – bất ngờ xuất hiện xung quanh Đá Ba Đầu, một dải đá hình bu-mê-răng thuộc quần đảo Trường Sa.
Các cuộc xâm phạm trong quá khứ khi tàu đánh cá tràn Trung Quốc vào các vùng mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền đã thực sự dẫn đến việc chiếm giữ và củng cố trên thực tế các phần khác của Trường Sa – bất chấp phán quyết năm 2016 của tòa án quốc tế bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với các vùng lãnh thổ và phần lớn phần còn lại của Biển Đông.
Các quan chức Philippines với sự hậu thuẫn công khai của Bộ Ngoại giao đã lớn tiếng phản đối cuộc xâm lược mới. Nhưng thông tin gần nhất cho thấy, nửa tá tàu dân quân biển của Trung Quốc vẫn đang buộc vào nhau tụ tập trong đầm phá của Rạn san hô Đá Ba Đầu, một số khác thì ở gần khu vực đó.
Trong khi đó, các lực lượng quân sự Trung Quốc đã gia tăng áp lực lên Đài Loan một cách công khai hơn. Theo một con số được Wall Street Journal báo cáo vào tháng trước, các máy bay chiến đấu đã bay hơn 260 lượt gần hòn đảo này trong 4 tháng đầu năm nay, so với kỷ lục 380 lần bay vào năm 2020. Tháng trước, một hàng không mẫu hạm Trung Quốc đã đi qua bờ biển Đài Loan, và trong một tuyên bố chính thức, chính quyền Trung Quốc thề rằng “các cuộc tập trận tương tự sẽ được tiến hành thường xuyên trong tương lai”.
Rất ít nhà phân tích mong đợi hành động quân sự tấn công của Trung Quốc đối với Đài Loan hoặc ở Biển Đông trong tương lai gần. Nhưng không giống như Nga, nước đã tuyên bố rút các lực lượng khỏi biên giới Ukraine vào tháng trước, ĐCSTQ đang nhắm tới nhiều mục tiêu hơn là các điểm chính trị hoặc ngoại giao.
Giống như Michael Auslin của Viện Hoover chỉ ra, lực lượng không quân Đài Loan đang dần mất đi sức tập trung và năng lượng khi họ phải khẩn trương phản ứng mỗi khi máy bay chiến đấu từ đại lục tiếp cận. Nếu giữ quyền kiểm soát Đá Ba Đầu, ĐCSTQ sẽ giành được một con tốt khác trong nỗ lực giành quyền kiểm soát Biển Đông và các tuyến đường biển quan trọng của nó.
Chính quyền ông Biden không coi thường các hành động khiêu khích của Bắc Kinh. Ngoài sự ủng hộ hùng hồn cho Philippines, nước này đã nâng cấp các mối quan hệ ngoại giao với Đài Loan; mặc dù vẫn chưa đi kèm với những gợi ý rằng họ sẽ chấm dứt chính sách lâu đời được gọi là “chiến lược mơ hồ” về việc liệu Hoa Kỳ có bảo vệ Đài Loan trước cuộc tấn công của Trung Quốc hay không, phía Mỹ đã đưa ra một tuyên bố nói rằng cam kết của họ đối với hòn đảo này là “tảng đá vững chắc”. Các tàu Hải quân Mỹ đã thực hiện các cuộc tuần tra bất chấp các tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông của Trung Quốc ba lần kể từ khi ông Biden nhậm chức .
Thật không may, những bước đi như vậy và mối quan hệ hợp tác “bốn bên” với Ấn Độ, Úc và Nhật Bản, không có khả năng đảo ngược sự leo thang từ từ của Trung Quốc. Lập trường vững chắc của Hoa Kỳ và các đồng minh dường như đã khiến ông Putin rút lui khỏi Ukraine; nhưng dùng một cách như vậy để răn đe ông Tập là một thách thức phức tạp hơn nhiều.
DKN NEWS